Tín dụng đen: Nỗi ám ảnh của công nhân

Thời gian qua, đã có nhiều hệ lụy từ tín dụng đen, thế nhưng tại nhiều khu công nghiệp - khu chế xuất, tín dụng đen với lãi suất cao ngất ngưởng vẫn len lỏi và trở thành nỗi ám ảnh của không ít lao động nghèo.

Gánh lãi vì “bốc họ nhanh”

Kể về hành trình gánh lãi do “bốc họ nhanh”, chị Nguyễn Thị Lanh, làm việc trong một công ty liên doanh tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội cho biết, để có tiền trang trải cuộc sống, chị đã vay với hình thức “bốc họ nhanh” với số tiền 15 triệu đồng. Tuy nhiên, chị chỉ nhận được số tiền 13 triệu còn 2 triệu chủ bát thu. Nhận số tiền họ ít hơn nhưng chị vẫn phải gánh lãi đủ 15 triệu đồng. Thời gian vay không giới hạn nhưng không được trả sớm trước 1 tháng bởi số tiền gánh lãi không hề nhỏ 6% tháng, đặc biệt nếu 15 ngày không đóng thì quay lại đóng lãi từ đầu.

Không vay qua hình thức “bốc họ nhanh” nhưng anh Hoàng Xuân Minh làm việc ở Khu công nghiệp Sài Đồng, Long Biên (Hà Nội) cũng phải trả số tiền lãi khủng khi vay tín dụng đen qua App. Anh cho biết: Thủ tục vay rất đơn giản, chỉ chứng minh thu nhập qua tin nhắn chuyển khoản vào điện thoại, sau đó chụp ảnh thẻ ngân hàng và chứng minh nhân dân gửi bên cho vay. Trong vòng 15 phút, anh Minh được “giải ngân” 44 triệu, nhưng tính vay 50 triệu vì phải gánh 6 triệu tiền lãi. Đến ngày lương vào tài khoản, anh Minh phải chuyển tiền đến số tài khoản của chủ nợ. Nếu lương không đủ trả, chủ nợ tiếp tục giữ lại thẻ và tính lãi theo giá “phạt” 500.000 đồng/ngày.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ, hiện nay tình trạng cho vay nặng lãi đang diễn ra tràn lan với phương thức ngày càng tinh vi hơn. Đối tượng mà bọn chúng nhắm tới thường là sinh viên hoặc công nhân lao động đang gặp khó khăn... và khi người vay không trả lãi đúng hạn, thường bị các đối tượng này hăm dọa, thậm chí là đánh đập. Do vậy, cần sự cảnh giác của người vay để không tự biến thành nạn nhân của chính mình trước "quả bom" nợ nần mà những chiếc bẫy nợ tín dụng đen đã, đang và sẽ tiếp tục giăng ra.

Tín dụng đen và nỗi ám ảnh của công nhân lao động

Tín dụng đen và nỗi ám ảnh của công nhân lao động

Cần thêm chính sách hỗ trợ vốn

Từ ngày 15.4.2019 đến ngày 14.4.2022, toàn TP. Hà Nội phát hiện 169 vụ, 385 đối tượng liên quan đến tín dụng đen. Trong đó, đã khởi tố 123 vụ, 353 bị can; ra quyết định xử phạt hành chính 13 vụ, 32 đối tượng; đang tiếp tục xác minh, giải quyết 6 vụ; toàn thành phố xảy ra 289 vụ đổ chất bẩn, chất thải liên quan đến tín dụng đen.

Kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai cho thấy, tín dụng đen hoành hành tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước, phổ biến ở các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều công nhân là nạn nhân của tín dụng đen, phải vay với lãi suất cao. Lãi mẹ đẻ lãi con, công nhân thành con nợ không có khả năng thanh toán và phải bỏ việc do bị đòi nợ, khủng bố.

Tình trạng tín dụng đen hết sức phức tạp, đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đời sống của đại bộ phận công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận chính sách tín dụng của người lao động rất hạn chế, do vậy công nhân đã phải lựa chọn vay qua tín dụng đen. Hệ lụy của việc vay qua tín dụng đen rất lớn, rất nhiều người lao động rơi vào đường cùng, bán xe cầm cố tài sản để trả nợ, giữ an toàn cho người thân và con cái.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, gần đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn trong việc nắm tình hình và phối hợp với chính quyền đặc biệt là công an. Tuy nhiên để thực hiện một cách bền vững, lâu dài chúng ta phải có chính sách để công nhân có thể dễ dàng tiếp cận với chính sách tín dụng. Theo đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần thiết và lâu dài hình thành những nguồn tín dụng cho công nhân giống như nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai cho hộ nghèo, cận nghèo vay ưu đãi. Hiện nay công nhân không được xác định là đối tượng nghèo và cận nghèo, chúng ta nhìn thấy thu nhập công nhân vào lương nhưng thực tế thu nhập nhiều người lao động không bằng nông dân vì không có đất sản xuất nông nghiệp tăng thêm.

Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) TS. Vũ Quang Thọ cho rằng: Vay tiền để chi tiêu cá nhân hoặc sử dụng vào những mục đích khác là một nhu cầu tất yếu của bất kỳ người lao động nào. Tuy nhiên, trước sự lộng hành của các đối tượng cho vay nặng lãi thời gian qua, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng. Và tất nhiên, bản thân mỗi người lao động cũng cần tự trang bị thêm cho mình những kiến thức, tìm đến các nguồn tín dụng chính thống, tránh rơi vào nợ nần liên miên, bị đe dọa, khủng bố từ các đối tượng cho vay nặng lãi.

Thái Yến

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giai-dap-phap-luat/tin-dung-den-noi-am-anh-cua-cong-nhan-i292231/