Tín dụng chính sách - Đòn bẩy giúp giảm nghèo bền vững

PTĐT - Thời gian qua, công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, ưu tiên thực hiện các chính sách...

Ngân hàng CSXH thực hiện giải ngân vốn vay hộ nghèo, giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngân hàng CSXH thực hiện giải ngân vốn vay hộ nghèo, giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

PTĐT - Thời gian qua, công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, ưu tiên thực hiện các chính sách, trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, tạo việc làm, sửa chữa nhà cửa. Trong đó nguồn vốn của Nhà nước thông qua hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) như “đòn bẩy” giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thực hiện được ước mơ thu nhập ổn định, được ở trong những ngôi nhà kiên cố, con em có điều kiện đến trường…

Động lực cho những lá đơn xin thoát nghèo
Còn nhớ cách đây không lâu, vào cuối năm 2019, 12 hộ dân của huyện Cẩm Khê đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, tạo nên một dấu ấn về tính tự chủ của người dân trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo. Mặc dù gia đình còn những khó khăn, những gánh nặng về bệnh tật của các thành viên, nỗi lo cơm áo gạo tiền còn hiện hữu nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, công tác xóa đói giảm nghèo tại huyện Cẩm Khê luôn được chú trọng, gắn trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên trong việc giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ về con, cây giống, kinh nghiệm canh tác, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới... đã tạo động lực giúp nhiều hộ trên địa bàn vươn lên thoát nghèo và xin ra khỏi hộ nghèo.Trong căn nhà kiên cố hiện nay, anh Nguyễn Ngọc Đức (thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê) chia sẻ, gia đình anh là hộ cận nghèo từ năm 2014, kinh tế gia đình rất khó khăn, mọi chi tiêu sinh hoạt chỉ trông vào làm ruộng. Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, anh đã vay mượn thêm anh em họ hàng để đầu tư mua xe công nông và máy bừa về làm thuê. Từ đó đến nay, kinh tế gia đình đã khấm khá hơn, anh quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Anh suy nghĩ, gia đình mình xin ra khỏi hộ nghèo là để tạo động lực không ngừng phấn đấu, cũng là “nhường” cho hộ khác có điều kiện tiếp cận những nguồn vốn chính sách ưu đãi như gia đình mình.Mặc dù phải nuôi bố mẹ già, vợ và người con tàn tật đau ốm liên miên, nhưng nhờ có hướng phát triển kinh tế khả quan nên gia đình anh Nguyễn Xuân Đạt (khu 1, xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba) được vay 100 triệu đồng - hạn mức tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo, đã dần hiện thực hóa, giấc mơ tự tay viết lá đơn xin thoát nghèo. Bà Phạm Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Ba cho biết: “Hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Ba đang thực hiện 13 chương trình tín dụng, trong đó cho vay đối tượng hộ nghèo vẫn là chương trình có dư nợ cao nhất. Cùng với gia đình anh Đạt, gần 2.200 hộ nghèo khác đang được tiếp cận trên 90 tỷ đồng, đây là nguồn vốn giúp cho hộ nghèo có thêm động lực tăng gia sản xuất, hướng tới thoát nghèo bền vững”.Không chỉ Cẩm Khê, Thanh Ba, giờ đây các huyện, thành, thị trong tỉnh từ đồng bằng đến vùng núi cao đã “thay da, đổi thịt”, điều đó nhờ vào sự quan tâm đầu tư và hỗ trợ của các cấp, các ngành thông qua hoạt động tín dụng chính sách, tạo động lực chính giúp giấc mơ thoát nghèo của các hộ dân trở thành hiện thực.

Nhờ được vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ anh Nguyễn Xuân Đạt (khu 1, xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba) đầu tư chuồng trại nuôi bò 3B, từng bước cho thu nhập ổn định.

Nhờ được vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ anh Nguyễn Xuân Đạt (khu 1, xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba) đầu tư chuồng trại nuôi bò 3B, từng bước cho thu nhập ổn định.

Vì mục tiêu giảm nghèo bền vữngÔng Trương Việt Phương - Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: “Năm 2020, song song với việc chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh đã tích cực, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị triển khai cho vay từ nguồn vốn tăng trưởng được Trung ương giao trong năm để đáp ứng nhu cầu vốn vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, đa số hộ nghèo được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất kinh doanh để tạo thu nhập, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo”. Tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh triển khai thực sự là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 16 chương trình tín dụng, tăng 1 chương trình tín dụng so với năm 2019. Năm qua, Chi nhánh đã tích cực đề nghị Trung ương quan tâm bổ sung vốn và đã thực hiện điều chỉnh bổ sung kế hoạch 7 lần, từ đó góp phần nâng tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 239 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 5,71%. Dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách của Chi nhánh chủ yếu tập trung vào các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo trên 1.000 tỷ đồng, hộ cận nghèo gần 774 tỷ đồng, hộ SXKD vùng khó khăn gần 700 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo gần 575 tỷ đồng…Hiệu quả từ vốn vay của Ngân hàng CSXH thật sự rõ nét với trên 33.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với mức bình quân gần 37 triệu đồng/hộ; trên 1.300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí đi học, trong đó có 475 học sinh, sinh viên được vay lần đầu; trên 1.400 lao động được tạo việc làm từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; 100 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; trên 29.000 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn được sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới; gần 700 hộ nghèo được vay vốn để sửa chữa, xây mới nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác đối với Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, hoạt động ủy thác do Ngân hàng CSXH các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn thực hiện có hiệu quả, không chỉ tăng lên về quy mô mạng lưới và dư nợ mà chất lượng hoạt động ủy thác tiếp tục được nâng lên rõ rệt. Nguồn vốn tín dụng chính sách do Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp thực hiện qua các tổ chức CTXH ủy thác các cấp đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 5,57% năm 2019 xuống 4,32% năm 2020 và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 5,63% năm 2019 xuống còn 4,35% năm 2020.Năm 2021, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là bám sát chỉ đạo của cấp trên về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng tín dụng, chủ động khai thác, huy động các nguồn lực và tổ chức giải ngân vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các đối tượng thụ hưởng, góp phần hạn chế tín dụng đen, tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Cao Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/giam-ngheo-ben-vung/202102/tin-dung-chinh-sach-don-bay-giup-giam-ngheo-ben-vung-175470