Tìm người thân và đồng đội

1. Liệt sĩ PHẠM KIẾN QUỲNH (hoặc Phạm Kim Quỳnh). Sinh năm 1950 (giấy báo tử ghi 1952); quê quán: Khánh Thành, Yên Thành, Nghệ An; nhập ngũ tháng 8-1969; đi B tháng 10-1970; hy sinh ngày 30-12-1970; cấp bậc: Binh nhất.

Đơn vị khi hy sinh theo giấy báo tử là V104KB-Mặt trận phía Nam; theo bản trích lục do Tỉnh đội Nghệ An cung cấp là V104, F7, B2; theo hồ sơ lưu tại Quân khu 7 là D2257, Đ770, Cục Hậu cần, nơi hy sinh: Bệnh xá C23.

Liệt sĩ Phạm Kiến Quỳnh.

Thông tin từ đồng chí Đặng Ngọc Khả hiện đang sinh sống tại tỉnh Kiên Giang (điện thoại 01672.155.812), là đồng đội của liệt sĩ cung cấp thì khi hành quân từ Bắc vào Nam, đồng chí Quỳnh hy sinh do sốt rét ác tính tại Bệnh xá C23. Khi hy sinh có cô Loan (hoặc Lan) quê Thanh Chương, Nghệ An làm y tá tại bệnh xá này. Đồng đội đã xin cô y tá một lọ Penicillin ghi tên tuổi, quê quán chôn cùng thi hài liệt sĩ. Vị trí chôn ở hàng thứ 3 hoặc thứ 4 tính từ trên xuống ở nghĩa trang bệnh xá, khả năng còn trên đất nước Lào. Đơn vị của đồng chí Đặng Ngọc Khả và liệt sĩ Quỳnh sau đó còn hành quân qua đất Campuchia, ở lại đó thêm một tháng mới hành quân về nước tham gia chiến đấu.

Đồng đội, bà con cô bác, ai biết thông tin và phần mộ của liệt sĩ Phạm Kiến Quỳnh ở đâu, xin báo cho chú ruột của liệt sĩ là ông Phạm Xuân Tuấn theo địa chỉ: 17/30/24 Lê Đình Chinh, phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, điện thoại: 0905.141.346.

2. Liệt sĩ NGUYỄN ĐÌNH SÁNG

Sinh năm 1943; quê quán: Xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Hà (nay là Hà Nam); nhập ngũ tháng 10-1963, tại số 9 Lương Sử C, phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP Hà Nội; đơn vị: KN; chức vụ: Chính trị viên đại đội. Đồng chí Nguyễn Đình Sáng hy sinh ngày 27-9-1970, tại Mặt trận phía Nam. Thi hài được an táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận.

Liệt sĩ Nguyễn Đình Sáng.

Theo thông tin do gia đình liệt sĩ cung cấp, trong thời gian chiến đấu, đồng chí Nguyễn Đình Sáng có gửi thư từ Mặt trận Quảng Đà về cho vợ là bà Trịnh Thị Mễ nói mình đang công tác, chiến đấu tốt, có nhận mẹ nuôi và chị nuôi ở đây. Tuy nhiên do thời gian, lá thư này hiện đã bị thất lạc.

Năm 1998, em trai liệt sĩ là Nguyễn Đình May vào Hội An có gặp bà Hoa (ở nhà gọi là bà Phu) vốn là y tá trưởng bệnh xá đơn vị của đồng chí Sáng. Bà Hoa kể, hôm ấy, Nguyễn Đình Sáng là Chính trị viên đại đội, phụ trách một mũi tiến công gồm 4 đồng chí (bà chỉ nhớ tên không nhớ họ), gồm: Sáng, Cử, Ngọc, Sử. Sau trận đánh chỉ có anh Sử còn sống. Năm 1999, ông May đã tìm về quê của ông Sử, sau này biết họ tên đầy đủ là Chu Văn Sử, hồi ấy công tác ở Huyện đội Nam Sách, tỉnh Hải Dương, nhưng chưa thu thập thêm được thông tin cụ thể.

Từ những thông tin trên, đồng đội, bà con cô bác, ai biết thông tin và phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Đình Sáng ở đâu, xin báo cho em trai liệt sĩ là ông Nguyễn Đình May theo địa chỉ: Số 25/298 Đê La Thành, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, TP Hà Nội, điện thoại: 0243.5727507 - 0962.629.049.

3. Liệt sĩ NGUYỄN ĐỨC HƯNG

Sinh năm 1946; nguyên quán: Xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội; trú quán: Số 160 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội.

Liệt sĩ Nguyễn Đức Hưng.

Thông tin do anh trai liệt sĩ là ông Nguyễn Đức Lương cung cấp, gia đình sinh được 4 người con trai, có 3 người đi bộ đội, trong đó có ông Lương và đồng chí Nguyễn Đức Hưng. Theo trí nhớ của ông Lương, khoảng cuối năm 1971, đồng chí Nguyễn Đức Hưng nhập ngũ từ Thái Nguyên. Sau một thời gian huấn luyện, đồng chí vào chiến trường và hy sinh, thông tin trên giấy báo tử ghi là ngày 18-2-1972.

Đồng đội, bà con cô bác, ai biết thông tin và phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Đức Hưng ở đâu, xin báo cho anh trai của liệt sĩ là Nguyễn Đức Lương theo địa chỉ: Số 160 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội; điện thoại: 0243.8564887-0985.649.559.

SKNC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thong-tin-liet-si/nhan-tim/tim-nguoi-than-va-dong-doi-551543