Tiếp tục cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước
Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sát sao việc thực hiện các Nghị quyết 19, coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Dây chuyền gia công thép của Công ty TNHH Một thành viên Gia công Thép Chu Lai, thuộc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Theo đó, các Bộ cần thực hiện rà soát, kiến nghị cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2018; thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành theo yêu cầu của Nghị quyết 19; hoàn thành giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 30 - 35% xuống còn 15% trong quý III/2018.
Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao hiệu quả, chất lượng các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh năm 2018 (Nghị quyết 19/2018). Nghị quyết 19/2018 tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, mục tiêu đạt thứ hạng 50 - 60 về môi trường kinh doanh, trong đó nhấn mạnh tới các giải pháp cải thiện chỉ số còn thấp điểm và thấp hạng (như khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giải quyết phá sản doanh nghiệp); mở rộng thêm nội dung về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch và logistics để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, kiến nghị đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, chú trọng thực hiện nhiệm vụ làm đầu mối theo dõi việc thực hiện các chỉ số về Chính phủ điện tử.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bốn năm triển khai Nghị quyết 19, năm 2017 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được các tổ chức quốc tế ghi nhận cải thiện nhiều nhất, ba bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm và tăng hạng.
Cụ thể, năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016 từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế và môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm 2016. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Nếu tính hai năm liêp tiếp thì môi trường kinh doanh của nước ta tăng 23 bậc; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay.
Tuy nhiên, mặc dù, thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện tích cực, nhưng vẫn thiếu tính bền vững bởi còn có chỉ số trong nhiều năm chưa có cải cách nào hoặc có cải cách nhưng chậm và cách xa so với các nước trong khu vực. Ví dụ như: hiệu quả thị trường hàng hóa; chất lượng cơ sở hạ tầng; giáo dục; trình độ phát triển kinh doanh; một số chỉ số về môi trường kinh doanh vẫn nằm cuối bảng xếp hạng (như khởi sự kinh doanh - thứ 123; giải quyết phá sản doanh nghiệp - thứ 129); đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nhiều năm nay không có cải cách và sự cải thiện nào.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương đã có sự quan tâm, chú trọng và vào cuộc nhiều hơn trong việc thực hiện Nghị quyết 19. Tuy nhiên, mức độ thực hiện các giải pháp và kết quả đạt được còn ít và chậm hơn so với yêu cầu của Nghị quyết cũng như mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.
Thúy Hiền (TTXVN)