Tiếp sức cho văn trẻ: Cần những hoạt động thiết thực
Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 18-19/6 tại Đà Nẵng. Một trong những vấn đề được đặt ra trong Hội nghi lần này là rút ngắn khoảng cách giữa lực lượng sáng tác trẻ và các nhà văn thế hệ đi trước.
5 năm một lần, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc. Trước thềm sự kiện, câu chuyện văn trẻ dường như xuất hiện dày đặc hơn trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, quan tâm tới lực lượng sáng tác trẻ không nên là công việc “mùa vụ”, đến hẹn lại… bàn mà nên là những hoạt động thực chất, lời nói đi đôi với việc làm. Nhà thơ Đặng Thiên Sơn, Ủy viên Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội, chia sẻ quan điểm: "Người trẻ hôm nay họ thích những sinh hoạt mang tính chất nội dung mới, đồng thời phải có tính trao đổi, đối thoại thay vì chúng ta cứ tổ chức các buổi hội nghị hoặc hội thảo theo tính mô phạm như trước đây thì không thu hút được người trẻ. Bởi vì người trẻ hiện nay có thể sử dụng đa ngôn ngữ, sử dụng công nghệ và rất nhiều thiết bị hỗ trợ trong quá trình sáng tác, trong quá trình hành nghề cũng như quá trình tham gia hội thảo. Thay vì hình thức tổ chức tập trung thì có thể chúng ta mở ra các kênh để trao đổi.
Xuất hiện thường trực trên không gian mạng, quan tâm tới một thứ hiện thực khác với ngôn ngữ và cách viết cũng có phần khác biệt… tác phẩm của các tác giả trẻ cũng cần được tiếp nhận với một tâm thế khác. Theo tác giả Nhật Phi, dù ở độ tuổi nào, dù là tác giả mạng hay đã có tác phẩm in ấn thành sách, người viết vẫn luôn có nhu cầu “được nhìn tới”: "Văn chương thì không phân biệt là mạng hay là thực, là in sách hay là blog, rồi là tuổi tác đề tài. Văn chương là cả một khối. Và các bạn cũng đang đóng góp vào khối văn chương đó. Chúng ta có thể có một sự nối kết với nhau mà chưa cần một thành tựu cụ thể nào.
Nhu cầu “được nhìn tới” không phải là những lời khen ngợi kiểu “xoa đầu”, hay những hứa hẹn chung chung. Mong muốn của các tác giả trẻ cũng không đơn thuần là hỗ trợ kinh phí để in ấn tác phẩm. Họ muốn có một sân chơi thực sự của mình, muốn có sự đồng hành của các thế hệ cầm bút tiền bối, và những cuộc đọc – trao đổi thẳng thắn về tác phẩm cũng như công việc viết văn. Nếu không, tác giả trẻ, có lẽ, chỉ nằm ở khu vực ngoại biên của văn chương".
Tác giả Hà Hương Sơn bộc bạch: “Hội văn học, Hội Nhà văn nên có những chương trình thúc đẩy văn học trẻ. Chẳng hạn có những cuộc tọa đàm để thảo luận về tác giả hoặc một vài tác giả trẻ để kích thích nhu cầu tìm hiểu của công chúng về tác giả đó, cũng là kích thích sự sáng tạo của các tác giả trẻ nói chung". Còn tác giả Nam Thiên Phú chia sẻ: "Tôi cũng rất mong các hội, bằng những hình thức nào đó, sẽ tổ chức các cuộc thi văn chương chất lượng và ý nghĩa với lực lượng đông đảo tác giả trẻ và chất lượng chấm bài cao của các nhà văn giám khảo, tạo ra một sân chơi cho những người trẻ tham gia biết được cái tầm của họ ở đâu để có hướng phấn đấu".
Việc tiếp sức cho thế hệ trẻ - đó là mong muốn của nhiều người, nhiều thế hệ. Nhưng để tiếp sức, trước hết vẫn cần phải hiểu. Để kết nối và hỗ trợ nhau trên con đường văn chương mà trước nay, ít khi là một lựa chọn dễ dàng./.