Tiếp sức cho đồng bào vượt khó

Không xa lạ gì với các con đường xuống thôn, xã; cởi mở và sẵn sàng chia sẻ cùng người dân… là những cảm nhận ban đầu của chúng tôi về các cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Đi cùng các anh chị mới hiểu, cũng đồng vốn đó - làm như thế nào cho đúng, cho hiệu quả… thật không đơn giản!

Đồng vốn thoát nghèo

Xuống đến xã Ia Hrung (huyện Ia Grai), câu chuyện của chúng tôi và cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Ia Grai rôm rả hơn khi có thêm sự xuất hiện của bà Tăng Thị Minh Út. Gần 20 năm gắn bó với hoạt động tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo, bà Út là người thấu hiểu hơn ai hết giá trị, ý nghĩa mà đồng vốn tín dụng chính sách mang lại: “Ban đầu đồng bào Gia Rai còn e ngại không dám vay, giờ thì hộ nào cũng mạnh dạn vay vốn, biết dùng đồng vốn để nuôi bò, chăm sóc cây cà phê rồi. Biết làm ăn, hộ đói, hộ nghèo cũng ít đi từng ngày…”.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Ia Grai thường xuyên xuống thôn, bản kiểm tra, giám sát để việc vay vốn được chặt chẽ, hiệu quả

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Ia Grai thường xuyên xuống thôn, bản kiểm tra, giám sát để việc vay vốn được chặt chẽ, hiệu quả

Bà Út khẳng định như vậy bởi Hội Cựu chiến binh xã Ia Hrung – nơi bà Út làm chủ tịch - là 1 trong 48 hội đoàn thể cấp xã được Ngân hàng CSXH Ia Grai ủy thác. Hội Cựu chiến binh hiện phụ trách 7 tổ vay vốn, dư nợ lên tới 11 tỷ đồng, với 238 hộ vay. “Hội Cựu chiến binh của chúng tôi rất sát sao với người vay vốn, nên chuyện người của hội, của tổ xâm tiêu, vay ké chiếm dụng vốn là không có. Có trường hợp hộ vay vốn nào không có khả năng trả lãi là chúng tôi tìm hiểu và có cách xử lý ngay”. Từ định mức vay 3 triệu đồng ban đầu, đến nay, hộ vay nhiều nhất đã lên tới 50 triệu đồng.

Theo chân bà Út đến với các hộ gia đình Puih Hoa, Ksor Diệp, Ksor Kius, Rơ Châm Blíu - những hộ đang thoát nghèo nhờ đồng vốn chính sách - chúng tôi dễ dàng cảm nhận được sự gần gũi, chân tình giữa cán bộ ngân hàng, đơn vị ủy thác, tổ trưởng tổ vay vốn và người được vay vốn. Theo bà Trần Thị Hồng Nhung – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Ia Grai, Ia Grai là huyện miền núi biên giới có tới 43% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Gia Rai. Đến nay, đồng bào Gia Rai vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, nên rất nhiều Tổ vay vốn do phụ nữ đứng ra vay. Đây cũng là một trong những lý do để đồng vốn trao đi ít gặp rủi ro.

Đơn cử như ở Tổ vay vốn làng Út 1 có 47 hộ vay, thì có 46 hộ là phụ nữ đứng ra vay. “Hầu hết chị em đứng ra vay vốn đều không biết chữ, nên hồ sơ vay vốn đều do tôi làm giúp, chị em chỉ điểm chỉ xác nhận. Bà con tin mình, mình không làm sai được. Xâm tiêu, vay ké là không làm được với bà con đâu. Dư nợ riêng tổ vay vốn của tôi hiện đã lên tới 2 tỷ đồng” – chị Rơ Châm Blíu – Tổ trưởng Tổ vay vốn làng Út 1 - chia sẻ.

Đồng hành cùng người vay vốn

Theo thống kê, đến cuối năm 2018, huyện Ia Grai vẫn còn 1.908 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo người DTTS là 1.653 hộ - chiếm 86,64% số hộ nghèo của huyện. Với mục tiêu giúp đồng bào dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của nhà nước để đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo… Ngân hàng CSXH huyện Ia Grai đã chủ động tham mưu, tập trung tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách, ưu tiên nguồn vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào DTTS. Chỉ tính từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2019, Ngân hàng CSXH huyện Ia Grai đã cho 4.149 khách hàng là hộ đồng bào DTTS vay vốn với dư nợ là 144.876 triệu đồng/12 chương trình tín dụng chính sách. Nhiều hộ còn được vay cùng lúc 2 - 3 chính sách như: Nhà ở, nước sạch, hỗ trợ kinh phí học tập cho con em…

Giám đốc Trần Thị Hồng Nhung cho hay: Hiện hộ DTTS có dư nợ tại Ngân hàng CSXH huyện Ia Grai chiếm 45% khách hàng vay vốn và chiếm 45% dư nợ vay. Với công tác thẩm định, phê duyệt được thực hiện khẩn trương, chính xác, nguồn vốn tín dụng đã đến với 100% các thôn, làng ở huyện Ia Grai; góp phần đưa hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm từ 40% năm 2014 xuống còn 14,5% năm 2019.

Đáng mừng hơn cả là cùng với đồng vốn và sự hướng dẫn, sát sao của cán bộ tín dụng, các thành viên Tổ vay vốn…, nhiều hộ đồng bào Gia Rai đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, phát huy sự chủ động để vươn lên cải thiện và ổn định cuộc sống, góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” ở các vùng nông thôn.

Mai Hoàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tiep-suc-cho-dong-bao-vuot-kho-127762.html