Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Xây dựng Bình Phước thành điểm đến hấp dẫn

Đảng bộ, chính quyền, dân và quân tỉnh Bình Phước đang sôi nổi hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, thiết thực lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, dự kiến diễn ra cuối tháng 9-2020. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến, hiến kế giúp đại hội quyết định những vấn đề quan trọng mang tính chiến lược trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo...

Trong thời kỳ kháng chiến, Bình Phước được cả nước biết đến với hình ảnh “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” cùng với truyền thống hào hùng của Phú Riềng Đỏ, căn cứ Tà Thiết... Nằm ở cuối tuyến đường Hồ Chí Minh, gần với Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, Bình Phước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ở vùng đệm nên người dân Bình Phước cũng phải chịu tổn thất, gánh chịu những hậu quả nặng nề từ những cuộc chiến ác liệt.

Sau khi thống nhất đất nước, là tỉnh tiếp giáp với nước bạn Campuchia, trong giai đoạn bất ổn, Bình Phước vẫn là một trong những địa phương thuộc tuyến đầu của cả nước với khó khăn chồng chất về mặt quốc phòng, an ninh (QPAN). Với sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, dân và quân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bình Phước cùng với cả nước đã vượt qua giai đoạn cam go này.

Khi những thách thức về mặt QPAN được giải quyết, với đặc điểm đất đai màu mỡ và dồi dào nên Bình Phước thuộc tỉnh Sông Bé trước đây, trở thành “miền đất hứa” cho rất nhiều đồng bào các dân tộc của cả nước đến lập nghiệp, an cư. Do vậy, đặc điểm về dân số học của Bình Phước không khác gì một Việt Nam thu nhỏ với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Tuy nhiên, đa phần các gia đình di cư đến, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đều thuộc diện nghèo, khó khăn. Dù đời sống của nhiều gia đình di cư dần được cải thiện, nhưng so với mặt bằng chung của cả nước, nhất là với các địa phương Nam Bộ, vẫn rất thấp. Gánh nặng an sinh và các vấn đề xã hội được đặt lên vai Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Khi đất nước đổi mới, ngay lập tức Sông Bé trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 1997, Trung ương quyết định tách Sông Bé thành hai tỉnh: Bình Dương và Bình Phước. Dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng sau hơn hai thập kỷ, Bình Phước đã có những bước tiến đáng kể. Tỷ lệ dân số so với cả nước tăng từ 0,9% lên 1,03%; thu ngân sách trên địa bàn Bình Phước so với cả nước từ 0,26% lên 0,59%; GDP bình quân đầu người từ 52% bình quân của cả nước lên tương đương với bình quân của cả nước ở thời điểm hiện tại. Tỷ lệ hộ nghèo của Bình Phước vào năm 2019 chỉ còn 2,56% so với khoảng 4% của cả nước. Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, tốc độ tăng trưởng về dân số, khả năng tạo việc làm, nguồn thu ngân sách và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Bình Phước cao hơn so với bình quân của cả nước.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Nguyên nhân là do chưa xác định hướng đi một cách hợp lý để tận dụng được tiềm năng và lợi thế, giảm những khó khăn, hóa giải những thách thức. Hiện nay, cơ hội để Bình Phước bứt phá vươn lên đang rõ ràng hơn bao giờ hết. Bình Phước có thể chuyển từ vị trí “dự trữ phát triển” thành “một động lực phát triển” của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Đảng bộ tỉnh nhận thức sâu sắc cần có cách làm mới trên cơ sở vận dụng các quy định hiện hành một cách sáng tạo nhằm tận dụng tốt nhất các tiềm năng và lợi thế, vì mục tiêu đưa Bình Phước trở thành địa phương phát triển-điểm đến hấp dẫn.

Tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã triển khai những bước chuẩn bị mang tính chiến lược cho sự phát triển trong nhiệm kỳ và quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ truyền thống quê hương và kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh rút ra các bài học chủ yếu, đó là: Quản lý chặt chẽ các nguồn lực; đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên các đột phá chiến lược; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp; đưa yêu cầu thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội vào nghị quyết, chỉ đạo thực hiện phải kiên quyết, kiên trì và vận dụng mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đề ra...

Trong nhiệm kỳ tới, Bình Phước phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt từ 9% đến 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 100 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 175.000 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 18.000 tỷ-18.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD; thành lập mới 6.000 doanh nghiệp và 150 hợp tác xã; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; có thêm 2 huyện được công nhận huyện nông thôn mới. Mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập mới 1-2 phường, thị trấn; 70% trường đạt chuẩn quốc gia; đạt 10 bác sĩ và 32 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 95%; mỗi năm giảm khoảng 2.000-2.500 hộ nghèo; tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm (cây điều và cây cao su) đạt 76,7%; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Trong 5 năm tới, Bình Phước tập trung nguồn vốn để triển khai thực hiện 10 công trình xây dựng cơ bản, ưu tiên các công trình giao thông trọng điểm, như: Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Chơn Thành-Đắc Nông; dự án đường sắt Dĩ An-Hoa Lư; dự án Quốc lộ 14C; xây dựng cầu Mã Đà kết nối với Đồng Nai và Sân bay quốc tế Long Thành-cảng Thị Vải-Vũng Tàu. Tập trung đầu tư các trục đường song song, trục kết nối với các tuyến đường ĐT741, QL13, QL14, hình thành tam giác phát triển: Chơn Thành-Đồng Xoài-Đồng Phú. Đến năm 2025, phấn đấu chính quyền điện tử của tỉnh nằm trong tốp 30 các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy nhanh hơn để tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại-dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; hỗ trợ, khuyến khích việc đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học vào sản xuất để theo kịp tiến độ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển nông nghiệp với 3 nhiệm vụ trọng tâm: Hình thành vùng nguyên liệu, chế biến và liên kết chuỗi giá trị. Phát triển 3 ngành trọng điểm: Chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp; 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thịt gia súc, gia cầm, hạt điều và sản phẩm từ gỗ; triển khai 3 giải pháp, gồm: Quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư, xây dựng vùng an toàn sinh học trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển hệ thống dạy nghề với 3 cấp trình độ (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng), tập trung vào hệ thống dạy nghề kỹ thuật thực hành, liên kết đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Với khát vọng vươn lên, Bình Phước phấn đấu trở thành nơi hội tụ và thu hút các nguồn lực. Trên cơ sở xác định các mục tiêu, giải pháp lãnh đạo trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh định hướng phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với chiến lược phát triển của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chuyển từ vị trí “dự trữ” thành một động lực tăng trưởng và phát triển cho cả vùng bằng công nghiệp hóa và đô thị hóa. Thứ tự ưu tiên phát triển đến năm 2030 là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, sau đó sẽ là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước sẽ trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút việc làm dẫn đầu trong nhóm khá của cả nước.

HÀ ANH DŨNG, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/nghi-quyet-va-cuoc-song/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang-xay-dung-binh-phuoc-thanh-diem-den-hap-dan-632094