Tiền lương cơ bản chiếm 85 % tổng thu nhập của người lao động

Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019 mới đang trong giai đoạn đàm phán. Trong khi phía đại diện người sử dụng lao động đề xuất không tăng lương thì kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mới đây cho thấy, cuộc sống của người lao động vẫn còn hết sức khó khăn.

Ngày 12-7, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp đầu năm 2018. Theo đó, so sánh thu nhập với chi tiêu của người lao động, gia đình, có 12,5% số người lao động cho biết thu nhập không đủ sống. 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ.

Theo PGS, TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), qua tổng hợp kết quả khảo sát, thì tiền lương cơ bản hàng tháng của người lao động nhận được trung bình là 4,67 triệu đồng, tăng 4,24% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tổng thu nhập trung bình (ngoài lương, người lao động còn có tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần, các khoản phụ cấp, hỗ trợ) đạt gần 5,53 triệu đồng/ tháng. Trong đó tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của người lao động.

Về mức chi tiêu, có có 2.885 người lao động đang sống chung hộ gia đình với người thân, với số lượng, cơ cấu là 3,7 nhân khẩu/hộ, trong đó có 2,05 người phụ thuộc (con nhỏ) và 1,65 lao động hưởng lương, cho thấy mức chi tiêu trung bình của một hộ gia đình khoảng 7,38 triệu đồng/tháng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, với thu nhập và chi tiêu hiện nay, chỉ 32,1% người lao động cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình là 1,5 triệu đồng/tháng. “Đây là khoản tiền mà người lao động dành dụm để chi tiêu dịp lễ Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái.

“So với năm 2017, tỷ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%, số người lao động gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” chỉ tăng nhẹ 0,5% nhưng tỷ lệ người lao động “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” đã giảm 7,6%, tỷ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%” – Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn Vũ Quang Thọ cho biết.

Theo kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có 39 % người lao động chi tiêu tằn tiện, kham khổ và không đủ sống. Ảnh minh họa

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam – ông Ngọ Duy Hiểu thông tin: “Tại phiên đàm phán thứ nhất về điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, đại diện cho người lao động – Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất mức tăng 8%”.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, đề xuất này căn cứ trên cơ sở pháp lý và đạo lý. Cụ thể, Nghị quyết 27/NQ-TW của Ban Chấp hành T.W Đảng về thực hiện Đề án cải cách tiền lương của Hội nghị TW7 đã nêu rõ “Thực hiện điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế- xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Về tình hình kinh tế, xã hội năm 2018, ngay từ quý I-2018, tăng trưởng kinh tế đã đạt 7,38% - mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhận định của Chính phủ tại phiên họp mới đây về tình hình kinh tế xã hội cũng rất tích cực.

Theo đó năng lực nội tại nền kinh tế tốt hơn với nhiều doanh nghiệp được thành lập mới, bức tranh kinh tế sáng sủa hơn. Chính phủ cũng đang thực hiện cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, triển khai 8 giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thiểu nhiều chi phí chính thức, không chính thức, từ đó có cơ hội quay lại chia sẻ hỗ trợ người lao động...

Đây là những tín hiệu tích cực cho việc điều chỉnh lương tối thiểu. Ngoài ra một thực tế nữa là hiện nay, nhiều doanh nghiệp không tuyển được người lao động, phải có chính sách tiền lương để thu hút người lao động.

Đặc biệt, việc đề xuất tăng lương tối thiểu 8% dựa trên những khảo sát mới nhất về đời sống người lao động sau khi áp dụng Nghị định 141/2017/NĐ-CP về thực hiện mức lương tối thiểu năm 2018. Theo đó, tiền lương cơ bản chiếm khoảng 85 % tổng thu nhập của người lao động. Đa số người lao động được hỏi đều đánh giá thu nhập cơ bản chỉ đáp ứng được chi phí hàng ngày, cuộc sống còn khó khăn và chưa thực hiên được nhiều tích lũy.

Nhấn mạnh việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm nay đặt trong bối đã có Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban quan hệ lao động cho biết, Nghị quyết 27 đã xác định rõ lộ trình “đến 2020 điều chỉnh tăng tiền lương làm sao để lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Từ lộ trình này, xác định mức sống tối thiểu hết sức quan trọng.

Trước đó dẫn chứng ví dụ về việc cần điều chỉnh mức sống tối thiểu sát hơn với thực tế, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch tổng LĐLĐ Việt nam cho biết: “Với tính toán ban đầu của bộ phận kỹ thuật, giá phòng trọ 250.000 đồng/người. Mức này khó giúp người lao động đáp ứng được điều kiện ở tối thiểu. Ít nhất phải là 400.000 đồng, chưa kể tiền điện - nước bổ sung thêm khoảng 200.000 đồng/người”.

Hiện tại bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương quốc gia (gồm nhóm các chuyên gia được cử ra từ 3 bên: Bộ LĐ-TB&XH, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng LĐLĐ Việt Nam) đề xuất mức tăng 5,3% còn Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 8%. Sự khác biệt này theo nhận định của ông Lê Đình Quảng là do cách xác định mức sống tối thiểu khác nhau.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tien-luong-co-ban-chiem-85-tong-thu-nhap-cua-nguoi-lao-dong-118694.html