Tiền Giang tổ chức kỷ niệm 80 năm Nam Kỳ Khởi Nghĩa
Ngày 23-11, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT TQ tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23-11-2040 – 23-11-2020). Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang đã đến dự.
Ngày 23-11, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT TQ tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23-11-2040 – 23-11-2020). Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang đã đến dự.
Tại buổi lễ, đồng chí Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đã ôn lại truyền thống hào hùng của cuộc kháng chiến Nam Kỳ Khởi Nghĩa nói chung và nhân dân Tiền Giang nói riêng.
Trong đó, đồng chí nhấn mạnh: “ Hơn 0 giờ ngày 23-11, quần chúng xã Long Hưng, Thạnh Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) khởi nghĩa, họ tự vũ trang, rầm rập kéo đến địa điểm quy ước trước, nghe Ủy ban khởi nghĩa phát lệnh và kéo đến nhà việc (trụ sở tề xã) giành chính quyền”.
Theo các thông tin lịch sử, rạng sáng 23-11, khi được lệnh khởi nghĩa, lực lượng khởi nghĩa từ xóm Vựa (Dựa) xã Long Hưng kéo ra lộ Đông Dương phối hợp du kích và quần chúng các xã: Nhị Bình, Long Định, Long Hưng... đánh đồn Cầu Đúc Long Định. Đến đây, quân khởi nghĩa đã gặp đơn vị tuần tra của tên quận Tâm. Sau hơn một giờ nổ súng, quân khởi nghĩa thu hai súng lửa, phía lực lượng của ta có hai chiến sĩ hy sinh và 16 chiến sĩ bị thương. Sau đó, quân khởi nghĩa chia làm hai cánh: một kéo về xã Long Hưng, một kéo về xã Long Định, chuyển thương binh về căn cứ rừng Ba U.
Sáng 23-11, hàng trăm quần chúng thuộc các xã Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Tân Hương kéo ra trụ sở tề xã Tân Lý Tây. Khi quần chúng ra đến đường số 4 (quốc lộ 1) thì lính đồn Tân Hiệp được mật báo đến ứng cứu; trước khí thế của quân khởi nghĩa, địch đã bỏ chạy. Quần chúng kéo về nhà việc Tân Lý Đông, hạ cây cản đường, canh gác, tịch thu lúa của địa chủ chia cho dân nghèo, giải tán bọn tề ở các xã chung quanh.
Ở quận Cai Lậy, 2 giờ ngày 23-11, lệnh khởi nghĩa về đến xã Mỹ Hạnh Đông. Quận ủy Cai Lậy chuyển lệnh khởi nghĩa đến các xã, lực lượng khởi nghĩa chiếm nhà việc, giải tán ban hội tề, huy động quần chúng cùng kéo về chiếm dinh quận, thành lập chính quyền nhân dân. Nhận lệnh khởi nghĩa, nhân dân xã Mỹ Hạnh Đông nổi dậy chiếm nhà việc, thành lập chính quyền nhân dân. Chi bộ xã Mỹ Phước Tây huy động hàng trăm người, chia làm 2 đoàn, một đoàn nhập vào đoàn xã Mỹ Hạnh Đông ở gần xóm Huế; đoàn còn lại chiếm nhà việc xã Mỹ Phước Tây, sau đó kéo ra chợ Kinh 12 nhập với lực lượng của hai xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung tiến ra chiếm dinh quận.
Ở quận Chợ Gạo, ngày 23-11, Ủy ban khởi nghĩa huy động hàng ngàn người các xã Quơn Long, Đăng Hưng Phước, Bình Phục Nhất, Tân Thuận Bình, Long Bình Điền, Song Bình, Bình Phan, An Thạnh Thủy, Bình Ninh... đánh trống mõ, bao vây bức hàng đồn bót. Đến 17 giờ, lực lượng khởi nghĩa giành quyền làm chủ xã Quơn Long. Lực lượng khởi nghĩa trở về giành quyền làm chủ các địa phương.
Ở thị xã Mỹ Tho, do kế hoạch bị lộ, địch tổ chức bố trí canh phòng cẩn mật. Chúng huy động lính tập, mã tà, khố xanh, mật thám chốt giữ các trọng điểm, kiểm tra, kiểm soát gắt gao và ban hành lệnh giới nghiêm. Các chi bộ bí mật trong thị xã lãnh đạo nhân dân rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm, dán khẩu hiệu trên tường trước cửa một số tiệm buôn, tiệm cầm đồ, gốc cây, đầu cầu, trường học.
Ở Gò Công, nhân dân ấp Ninh Đồng B, xã Đồng Sơn vùng lên khởi nghĩa; một số xã dọc lộ 24 như: Bình Phú Tây, Vĩnh Thạnh, Long Chánh chuẩn bị nổi dậy phá lộ, cưa cây khi có lệnh, nhưng chưa làm vì lệnh khởi nghĩa đến chậm. Khi nghe tiếng trống mõ khắp nơi vọng đến, một số xã rải truyền đơn như xã Tân Hòa, Tân Thành, Tân Niên Tây, Vĩnh Hựu và rải cả vào dinh tỉnh trưởng Gò Công.
Ở quận Cái Bè, các xã Mỹ Thiện, An Thái Trung, Mỹ Lương, Thanh Hưng quần chúng kéo đi khui kho lúa của các tên Cả Kiệt, Huyện Thanh, Đốc phủ Mầu, Sư Sanh... chia cho dân nghèo. Một số quần chúng cách mạng tham gia phong trào khởi nghĩa ở Cao Lãnh (quận giáp ranh với quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho).
Từ ngày 23-11 đến 30-11-1940, trên địa bàn Tiền Giang có 75/124 xã giành quyền làm chủ (quận Cái Bè 2 xã, quận Cai Lậy 23 xã, quận Châu Thành 30 xã, quận Chợ Gạo 19 xã, Gò Công 1 xã).
Toàn cảnh khu vực Long Hưng, nơi cờ đỏ sao vàng được cầm đầu tiên.
Ngày 23-11-1940, Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho thành lập tại đình Long Hưng. Đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho. Đồng chí Nguyễn Thị Thập, phụ trách thường trực. Đồng chí Nguyễn Hữu Thường phụ trách quân sự... Đồng chí Lê Việt Thắng, Biện Huê làm thư ký.
Cũng lần đầu tiên trên cả nước, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh chính thức xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho. Trên ngọn cây bàng trước đình Long Hưng, lá cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay đầy kiêu hãnh dưới trời tự do. Lá cờ Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, quốc kỳ của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc đã nêu cao chính thể, cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân toàn “xứ Nam Kỳ” trong cuộc chiến đầy gian khổ, hy sinh chống thực dân Pháp thống trị để giành độc lập, tự do muôn đời cho hậu thế.
Cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho làm cho thực dân Pháp hoảng sợ. Chúng dùng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, đàn áp cuộc khởi nghĩa. Mặc dù chúng rải quân đi tuần hành khắp nơi trong tỉnh nhưng không thể ngăn quần chúng chiếm bốt, phá trụ sở tề, phá cầu đường...
Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Tiền Giang nổ ra tuy chưa đạt kết quả như mong đợi, nhưng có ý nghĩa lịch sử to lớn. Cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, cuộc khởi nghĩa của nhân dân tỉnh Tiền Giang thức tỉnh mạnh mẽ tinh thần giác ngộ cách mạng của quần chúng, góp phần mở ra cao trào giải phóng các dân tộc Đông Dương.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Tiền Giang nêu cao vai trò của các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân. Trong chuẩn bị khởi nghĩa cũng như lúc khởi nghĩa nổ ra
Lá cờ đỏ sao vàng, Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc lần đầu tiên xuất hiện ở đình Long Hưng xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Chính quyền Cách mạng nhân dân tỉnh Mỹ Tho thực hiện thiết chế nền dân chủ cộng hòa. Tòa án Nhân dân cách mạng cấp tỉnh thành lập. Và lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng cũng lần đầu tiên ra đời trên cả nước để tiến hành khởi nghĩa và bảo vệ thành quả cuộc khởi nghĩa giành được.