Tiềm năng nghề trồng nấm ở nước ta rất dồi dào

- Ước tính mỗi năm, Việt Nam có nguồn phế thải nông nghiệp lên tới 40 triệu tấn và chỉ cần sử dụng 10-15% nguồn phế thải này vào việc trồng nấm đã có thể tạo ra việc làm cho 1 triệu lao động.

Hiện nay, nước ta hội đủ các điều kiện cần thiết để phát triển ngành công nghiệp sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm. Vì vậy cần có những giải pháp để đẩy mạnh phát huy tiềm năng nghề trồng nấm ở nước ta. Ngành sản xuất nấm ăn đã hình thành và phát triển trên thế giới từ hàng trăm năm nay. Hiện nay, người ta đã biết có khoảng 2.000 loài nấm ăn được, trong đó có 80 loại nấm ăn ngon và được nghiên cứu nuôi trồng nhân tạo. Ở Việt Nam, tổng sản lượng các loài nấm ăn và dược liệu năm 2009 đạt trên 250.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 60 triệu USD chủ yếu là mộc nhĩ, nấm rơm, nấm mỡ. Ngược lại, chúng ta nhập khẩu khá nhiều loại nấm như: nấm đùi gà, nấm kim châm, trân châu, ngọc châm, linh chi, nấm hương, đông trùng hạ thảo… từ Trung Quốc, Đài Loan. Những năm gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN-PTNT đã giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật thuộc Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu phát triển sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu. Theo đánh giá của Trung tâm, Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện để phát triển ngành sản xuất nấm. Thực tế là nước ta có nguồn nguyên liệu trồng nấm rất sẵn như: rơm rạ, mùn cưa, thân cây gỗ, thân lõi ngô, bông phế loại của các nhà máy dệt, bã mía của các nhà máy đường… Ước tính cả nước có trên 40 triệu tấn nguyên liệu và nếu chỉ cần sử dụng khoảng 10-15% lượng nguyên liệu này để nuôi trồng nấm đã có thể tạo ra trên 1 triệu tấn nấm/năm và hàng trăm ngàn tấn phân hữu cơ. Thế nhưng ở Việt Nam, phần lớn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa đều bị đốt bỏ ngoài đồng ruộng hoặc ném xuống kênh, rạch, sông ngòi... Vì thế, phát triển nghề sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu còn có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường. Qua quá trình nghiên cứu, nhiều viện, trường, trung tâm đã chọn, tạo được một số giống nấm ăn, nấm dược liệu có khả năng thích ứng với môi trường Việt Nam, cho năng suất khá cao. Đồng thời các tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến nấm ngày càng được hoàn thiện. Trình độ và kinh nghiệm của người nông dân cũng không ngừng được nâng lên nên năng suất trung bình của các loài nấm đang nuôi trồng ở nước ta đã cao gấp 1,5-3 lần so với 10 năm về trước. Hơn nữa, vốn đầu tư để trồng nấm so với các ngành sản xuất khác không lớn, vì đầu vào chủ yếu là rơm rạ và công lao động (chiếm khoảng 70-80% giá thành một đơn vị sản phẩm). Nếu tính trung bình để giải quyết việc làm cho một lao động chuyên trồng nấm ở nông thôn hiện nay có mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/tháng chỉ cần số vốn đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng và 100m2 diện tích nhà xưởng. Một điểm thuận lợi khác là thị trường tiêu thụ nấm trong nước và xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Giá bán buôn nấm tươi tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn khá cao ( dao động từ 20.000-40.000đ/kg tùy từng loại). Ngoài giá trị dinh dưỡng (giàu protein, glucid, lipid, các axit amin, vitamin, khoáng chất… trong nấm còn có các hoạt tính sinh học (các chất đa đường, axit nucleic..) nên nấm được coi là “rau sạch”, “thịt sạch” và là “thực phẩm thuốc”. Vì lẽ đó, nhu cầu ăn nấm của nhân dân đang ngày càng tăng. Trên thị trường quốc tế, sản phẩm nấm mỡ, nấm rơm muối, sấy khô, đóng hộp của Việt Nam chưa cung ứng đủ. Việc có thị trường rộng và ổn định là những điều kiện thuận lợi để hỗ trợ rất tốt phát triển nghề trồng nấm ở nước ta. Để góp phần tạo nên bước đột phá về quy mô và sản lượng nghề sản xuất nấm, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có thể sản xuất được 1 triệu tấn nấm, tức là giải quyết được việc làm cho 1 triệu lao động, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật-Viện Di truyền nông nghiệp đề xuất các cơ quan hữu quan cần có chiến lược tuyên truyền sâu rộng về nghề trồng nấm với phương châm: “nhiều người biết trồng nấm, người người biết ăn nấm” nhằm nâng cao chất lượng khẩu phần ăn của người Việt Nam. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đầu tư xây dựng các trung tâm, xưởng sản xuất giống trong cả nước để chủ động cung ứng đủ nhu cầu giống nấm cho nông dân. Có cơ chế thu mua nấm tươi chế biến muối, sấy khô, đóng hộp tập trung. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ về giống và giao quyền sử dụng đất một cách hợp lý để khuyến khích việc mở rộng quy mô sản xuất nấm hàng hóa theo kiểu trang trại tập trung cho những người sản xuất nấm chuyên nghiệp. Cần coi việc sản xuất nấm là một nghề trong sản xuất nông nghiệp và sự đầu tư đúng hướng của cơ quan quản lý nhà nước. Làm được như vậy thì đến năm 2020, về cơ bản, Việt Nam có thể phát triển được ngành công nghiệp sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=439816&co_id=30065