Tiêm kích hạm Su-33 Nga 'đáp' thẳng xuống biển do cáp hãm trên tàu sân bay bị đứt

Đoạn phim mới rò rỉ cho thấy chiếc tiêm kích hạm Su-33 nổi trên mặt biển sau sự cố liên quan đến tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga ngoài khơi Syria năm 2016.

Một đoạn video ngắn vừa lộ diện cho thấy góc nhìn cận cảnh liên quan đến tiêm kích hạm Su-33 của hải quân Nga bị tai nạn vào năm 2016.

Đoạn video bị rò rỉ, lấy từ thiết bị cầm tay trên tàu sân bay Kuznetsov, cho thấy chiếc Su-33 vẫn nổi ở phía Đông biển Địa Trung Hải sau vụ tai nạn. Trong video, chúng ta thấy đuôi đôi của máy bay nhô ra khỏi mặt nước.

Ở cuối đoạn video, khi con tàu sân bay của Nga di chuyển ra xa và bắt đầu quay đầu, có thể thấy phi công được trực thăng kéo lên.

Lý do vụ tai nạn được Nga được đưa ra là cáp hãm bị đứt, không thể dừng máy bay ở khoảng cách quy định. Chiếc máy bay bị quá đà và lao xuống biển.

Đây là tiêm kích thứ hai bị rơi trong nhiệm vụ tác chiến tại Địa Trung Hải của biên đội tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Trước đó, một chiếc MiG-29K đã không thể hạ cánh do cáp hãm đà bị hỏng.

Vụ việc này từng xảy ra trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vào năm 2005. Khi đó, chiếc Su-33 đã gần dừng lại, nhưng sợi cáp hãm bị đứt khiến máy bay lăn xuống biển.

Hải quân Nga không thể trục vớt máy bay, buộc phải dùng bom chìm để phá hủy các trang thiết bị tối mật trên chiếc Su-33.

Vào cuối những năm 1970, Liên Xô quyết định phát triển một loại biến thể khác của Su-27 Flanker.

Ban đầu được đặt tên là Su-27K, biến thể mới này sau đó được đổi tên thành Su-33 khi chính thức ra mắt vào mùa hè năm 1998.

Mặc dù bề ngoài có những điểm giống nhau, nhưng trên thực tế Su-33 có nhiều thay đổi so với Su-27.

Gầm được gia cố, thiết bị hạ cánh chắc chắn, cánh gập, sải cánh lớn hơn đáng kể và động cơ AL-31F3 mạnh hơn một chút.

Những đặc điểm thiết kế này phù hợp với không gian và đường băng nhỏ hơn trên tàu sân bay.

Dù kho vũ khí cũng khá giống với Su-27, nhưng Su-33 nổi bật hơn ở khả năng tương thích với tên lửa chống hạm Kh-41/Kh-31.

Mặt khác, Su-33 có vẻ hơi lớn để có thể hoạt động linh hoạt trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Dù được trang bị tên lửa chống hạm, nhưng không ai có thể phủ nhận Su-33 vẫn là một tiêm kích chủ yếu tấn công trên không.

Cũng giống như “người anh em” Su-27, việc không thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tấn công mặt đất đã làm giảm đáng kể giá trị hoạt động của Su-33 trong vai trò là máy bay chiến đấu chủ lực trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Khác biệt đáng nói nữa nằm ở chỗ Su-33 có nhiều điểm treo vũ khí hơn Su-27 - lên tới 12 so với 10.

Vũ khí của Su-33 bao gồm pháo Gsh-30-1 cỡ 30 mm, Flanker-D được trang bị tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hạm, bom hàng không, rocket không điều khiển và thiết bị tác chiến điện tử dạng treo ngoài.

Nhưng thực tế, Su-33 không thể sử dụng hiệu quả một số loại vũ khí quan trọng khi thực hiện chức năng đối đất và chống hạm, điều này khiến chiếc tiêm kích bị nghi ngờ khi Nga xếp nó vào diện "đa năng"

Bất chấp được gọi là máy bay chiến đấu đa năng, trên thực tế Su-33 Flanker-D là một tiêm kích chiếm ưu thế trên không, mặc dù vậy tính năng này của nó cũng không có gì xuất sắc

Kể từ khi Su-33 chính thức hoạt động vào năm 1999, ít nhất 3 trong số 35 chiếc xuất xưởng đã bị mất trong các vụ tai nạn, trong đó 1 máy bay rơi trong buổi trình diễn vào mùa hè năm 2001.

Khi nhận thấy Su-33 Flanker-D nặng nề có quá nhiều nhược điểm, Hải quân Nga muốn thay thế Su-33 bằng loại MiG-29K nhỏ và nhẹ hơn, đồng thời cũng thích hợp hơn khi bố trí trên tàu sân bay.

Mặc dù MiG-29K không có khả năng cơ động cao như Su-33 và tầm hoạt động tương đối ngắn nhưng lại có khả năng tấn công mặt đất tốt hơn nhiều, đồng thời có nhiều lựa chọn hơn về tên lửa không đối không cũng như bom dẫn đường.

MiG-29K còn được tích hợp hệ thống tác chiến điện tử tinh vi hơn và radar tương đối tin cậy nhằm hỗ trợ khả năng tấn công mặt đất. Máy bay được sản xuất với giá khá rẻ, đi kèm chi phí bảo dưỡng thấp hơn nhiều lần so với Su-33.

Trong quá khứ, Nga từng nhiều lần nỗ lực xuất khẩu Su-33, những khách hàng tiềm năng là Trung Quốc và Ấn Độ, khi cả hai quốc gia đều vận hành tàu sân bay được sửa đổi từ thời Liên Xô.

Tuy nhiên các cuộc đàm phán với Trung Quốc đã đổ vỡ, Bắc Kinh cuối cùng đã lựa chọn máy bay chiến đấu Shenyang J-15 do nước này sản xuất - một bản sao không phép của Su-33.

Trong trường hợp Ấn Độ, cùng quan điểm với Hải quân Nga, New Delhi đã quyết định chọn lựa tiêm kích hạm MiG-29K thay vì Su-33 cho hàng không mẫu hạm của mình

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-ham-su-33-nga-dap-thang-xuong-bien-do-cap-ham-tren-tau-san-bay-bi-dut-post553665.antd