Tích cực đưa Luật Biên phòng Việt Nam vào đời sống vùng biên

Tại khu vực biên giới, biển đảo, do nhiều khó khăn, vướng mắc đặc thù và nhất là những rào cản về ngôn ngữ nên công tác tuyên truyền đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Vượt lên tất cả những thách thức đó, đội ngũ trên 500 báo cáo viên kiêm nhiệm các cấp của BĐBP đã thực sự phát huy vai trò nòng cốt, xung kích và sự tận tụy, sáng tạo để làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và định hướng tư tưởng cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo.

Một buổi tuyên truyền nhỏ lẻ của CBCS Đồn Biên phòng Pù Nhi về Luật BPVN tại bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi. Ảnh: Quốc Toản

Là đơn vị được Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu cho UBND huyện Mường Lát tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) và các văn bản quy định chi tiết cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện, Đồn Biên phòng Pù Nhi đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, kịp thời đưa nội dung của luật và các văn bản quy định chi tiết đến với đồng bào các dân tộc vùng biên.

Theo chân tổ công tác của Đồn Biên phòng Pù Nhi thực hiện buổi tuyên truyền Luật BPVN tại bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, chúng tôi mới cảm nhận được những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong quá trình đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào các dân tộc vùng biên.

Cũng như các buổi tuyên truyền khác, từ 19 giờ, mọi công tác chuẩn bị như máy chiếu, hệ thống âm thanh, bàn ghế cũng như tài liệu tuyên truyền được CBCS đơn vị phối hợp với Ban quản lý bản hoàn thiện chu tất.

Để buổi tuyên truyền đạt hiệu quả, tổ công tác và Ban quản lý bản lại phải chia nhau đến từng hộ gia đình để vận động bà con nhân dân thu xếp công việc, tập trung đông đủ để nghe cán bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Sở dĩ các buổi tuyên truyền ở đây thường diễn ra muộn là do hầu hết bà con trong bản đi làm nương rẫy ở xa, không chủ động được thời gian.

Nội dung của buổi tuyên truyền cũng được CBCS Đồn Biên phòng Pù Nhi chuẩn bị kỹ, tất cả các văn bản của cấp trên được dịch ra tiếng địa phương, nội dung đầy đủ nhưng ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức và sát với tình hình thực tế của nhân dân khu vực biên giới.

Là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên trên vùng biên giới Mường Lát, từng gắn bó với công tác vận động quần chúng nhiều năm, hơn ai hết, Đại úy Hơ Văn Xá, Đội trưởng Vũ trang, Đồn Biên phòng Pù Nhi thấu hiểu nét đặc trưng về phong tục tập quán của bà con nơi đây. Do đó, mỗi khi được giao nhiệm vụ thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân, anh đều phải đọc kỹ văn bản, xác định những nội dung phù hợp với từng địa bàn, rồi báo cáo chỉ huy đơn vị cho tổ chức thảo luận, thống nhất chuyển thể ra ngôn ngữ địa phương để tuyên truyền cho người dân dễ hiểu.

Theo Đại úy Hơ Văn Xá, không chỉ riêng bản Pù Ngùa, đồng bào các dân tộc ở các bản vùng biên do đơn vị quản lí đều có chung nét đặc trưng về phong tục tập quán trong sinh hoạt, không có thói quen sắp xếp thời gian hợp lý, thụ động và ngại giao tiếp với mọi người. Mặt khác, bà con sinh sống trên các khu vực núi cao, khoảng cách dân cư thưa thớt, nên gây không ít khó khăn cho cán bộ BĐBP trong việc tập trung tuyên truyền.

Bởi vậy, mỗi buổi tuyên truyền, các anh luôn phải rà soát kỹ số người tham gia. Với những hộ gia đình bận đi làm rẫy nhiều ngày không về hoặc không đến được địa điểm tuyên truyền tập trung, thì cán bộ làm công tác địa bàn sẵn sàng đến tận nhà, lên tận nương, vừa tham gia lao động giúp dân, hướng dẫn bà con cách làm ăn, phát triển kinh tế, đồng thời, nói để cho người dân nắm được các nội dung tuyên truyền.

Thiếu tá Lê Ngọc Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pù Nhi cho biết: Đơn vị phụ trách địa bàn hai xã biên giới Nhi Sơn, Pù Nhi và xã nội địa Mường Lý, với tổng cộng 32 bản, 2.931 hộ, 14.221 nhân khẩu. Đây là địa bàn đa dạng thành phần dân tộc sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Dao, Mường, Khơ Mú. Đời sống của người dân nơi đây còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu.

Vì vậy, ngay sau khi được Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu cho UBND huyện Mường Lát tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết cho cán bộ và nhân dân trong toàn huyện, đơn vị đã kịp thời phối hợp với các đồn Biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Mường Lát khảo sát, nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho địa phương tổ chức hội nghị tập huấn bằng hình thức trực tuyến cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, các ban, ngành cấp huyện, xã trong huyện các nội dung cốt lõi của Luật BPVN gắn với các văn bản có liên quan tổ chức tuyên truyền cho CBCS trong toàn đơn vị.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở tổ chức các đợt tuyên truyền Luật BPVN nói riêng và phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức tuyên truyền tập trung tại trụ sở UBND các xã, nhà văn hóa các bản; triển khai các tổ, đội công tác trực tiếp xuống nhà dân, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; phát huy vai trò của tổ thông tin truyền thông giữa đồn và các xã, tăng thời lượng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc trên hệ thống truyền thanh của địa phương...

Ông Sung Văn Gia, người dân bản Kéo Té, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát chia sẻ: “Cán bộ Biên phòng tuyên truyền Luật BPVN bằng tiếng dân tộc, mình nghe thấy ngắn gọn, dễ hiểu. Mình và bà con nhân dân trong bản cũng đã biết thêm được trách nhiệm của mỗi người dân trong tham gia, phối hợp bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh trật tự ở khu vực biên giới”.

Với quyết tâm cao, với tinh thần tích cực, trách nhiệm, cách làm sáng tạo, linh hoạt trong Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa trên biên giới của CBCS Đồn Biên phòng Pù Nhi, có thể khẳng định rằng, kiến thức pháp luật sẽ từng ngày được cập nhật đến người dân vùng biên. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Bằng việc triển khai nhiều giải pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, từ đầu tháng 6/2022 đến nay, Đồn Biên phòng Pù Nhi đã phối hợp với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các xã trên địa bàn tổ chức 12 buổi tuyên truyền tập trung cho gần 600 lượt cán bộ, người dân; tổ chức tuyên truyền nhỏ lẻ được 9 buổi cho hơn 100 lượt người nghe; phát 1.000 tờ rơi; tổ thông tin truyền thông giữa đồn và các xã phát 16 lượt bản tin lồng ghép Luật BPVN. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những vấn đề cốt lõi của Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết; vị trí, chức năng, vai trò và nhiệm vụ của BĐBP; ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Quốc Toản

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tich-cuc-dua-luat-bien-phong-viet-nam-vao-doi-song-vung-bien-post453286.html