Thủy điện tích được ít nước so với kế hoạch

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), sản lượng thủy điện mặc dù khai thác thấp hơn kế hoạch tháng, tuy nhiên lượng nước tích trong các hồ vẫn đang thấp hơn so với kế hoạch tháng. Các khu vực hạ du cần sử dụng nguồn tài nguyên nước tiết kiệm và hiệu quả hơn nữa.

Diễn biến nước về kém, sản lượng theo nước về thấp, các thủy điện đang đối mặt nguy cơ cao khi bước vào mùa khô

Báo cáo của Cục Điều tiết điện lực cho thấy, trong tuần qua (tuần 11/2024 từ ngày 11/3 đến 17/3), tình hình cung cấp điện tiếp tục được đảm bảo tốt.

Phụ tải có sản lượng trung bình ngày là 825,1 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 6,2 triệu kWh. Đồng thời, tính từ đầu năm đến nay, phụ tải Quốc gia tăng trưởng khoảng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023 (miền Bắc tăng 9,8%; miền Nam 12,9%; miền Trung 8,3%).

Công suất cực đại trong tuần đạt 4.2581,4 MW, thấp hơn 464,5 MW so với tuần trước.

Nước về thủy điện lưu lượng thấp

Theo đó, các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 25 - 96% TBNN.

Tại khu vực miền Trung, có 19/27 hồ thủy điện có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với TBNN (từ 17 - 94% TBNN); 8/27 hồ có nước về tốt (từ 100 - 267% TBNN); một số hồ có nước về rất tốt như A Lưới, Đak Re, Đak Đrinh.

Tại khu vực miền Nam, ngoại trừ Đồng Nai 2, Hàm Thuận và Đa Nhim có nước về cao hơn TBNN, các hồ thủy điện còn lại đều có nước về thấp hơn so với TBNN (từ 29-70% TBNN).

Sản lượng theo nước về các ngày trong tuần trung bình của thủy điện (tính cả thủy điện nhỏ) khoảng 68,1 triệu kWh/ngày. Sản lượng thủy điện khai thác trung bình trong tuần đạt 90,9 triệu kWh.

Thực tế, sản lượng thủy điện mặc dù khai thác thấp hơn kế hoạch tháng, tuy nhiên lượng nước tích trong các hồ vẫn đang thấp hơn so với kế hoạch tháng. Lý giải về việc này, Cục Điều tiết điện lực cho biết, diễn biến nước về kém, sản lượng trung bình của các thủy điện chỉ khoảng 68,1 triệu kWh/ngày, nhưng sản lượng huy động thủy điện trung bình ngày tối thiểu phải khai thác khoảng 90 triệu kWh, trong đó bao gồm các nguồn thủy điện đáp ứng hạ du ~49,7 triệu kWh và các nguồn thủy điện nhỏ ~40 triệu kWh (bao gồm hồ dưới 02 ngày và ACT).

"Vì vậy để có thể tích nước được các hồ đáp ứng mực nước đề ra, kiến nghị các khu vực hạ du cần sử dụng nguồn tài nguyên nước tiết kiệm và hiệu quả hơn nữa", Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh.

Huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống

Đối với các nhà máy nhiệt điện than, khả năng cấp than về cơ bản đảm bảo. Sản lượng trung bình ngày trong tuần của nhiệt điện than đạt khoảng 525,9 triệu kWh và hiện tại đã huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống.

Đối với nhiệt điện khí, lượng khí cấp từ nguồn NCS + Cửu Long khoảng 10 triệu m3/ngày; lượng khí cấp từ nguồn Phú Mỹ 3 - Cà Mau cho nhiệt điện khí Cà Mau khoảng 4,4 triệu m3/ngày. Sản lượng khai thác trung bình của nhiệt điện khí đạt 74,9 triệu kWh.

Một số tổ máy của nhà máy tuabin khí ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ được ngừng/khởi động đáp ứng tình hình vận hành của hệ thống nhằm khai thác phù hợp với khả năng cấp khí, dầu và đáp ứng phụ tải vào cao điểm chiều/tối của hệ thống điện miền Nam và Quốc gia.

Đối với năng lượng tái tạo, sản lượng trung bình ngày trong tuần của nguồn này đạt khoảng 121 triệu kWh, trong đó điện gió là 34,6 triệu kWh. Huy động theo công bố và khả năng phát dự kiến theo năng lượng sơ cấp của nhà máy có xét đến ràng buộc truyền tải của lưới điện và khả năng hấp thụ của hệ thống.

Tình hình vận hành điện mặt trời nối lưới, điện gió tuần 11/2024 (11/3-17/3)

Trên lưới điện, trong tuần qua không có sự cố gây mất tải.

Để tận dụng khả năng truyền tải để tiết kiệm thủy điện miền Bắc, truyền tải trên cung đoạn 500kV Nho Quan - Nghi Sơn duy trì mức xấp xỉ giới hạn cho phép với sản lượng truyền tải trong tuần 37,8 - 43,8 triệu kWh, công suất truyền tải tối đa có thời điểm ghi nhận đạt 2.505 MW.

Thời gian qua, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các nhà máy điện, hệ thống đường dây truyền tải, trạm biến áp v.v… đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc để đảm bảo độ khả dụng, độ tin cậy của các tổ máy, không để xảy ra sự cố trong các tháng cao điểm mùa khô.

Đánh giá chung, các đơn vị đã tuân thủ nghiêm túc phương thức huy động tổ máy và công suất; đáp ứng yêu cầu duy trì ổn định vận hành hệ thống điện (về điều tần, chạy bù đồng bộ điều chỉnh điện áp...), hệ thống thiết bị được vận hành tuân thủ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn hiện hành, các khiếm khuyết thiết bị, hiện tượng bất thường được phát hiện và xử lý kịp thời.

Công tác chuẩn bị vật tư và triển khai sửa chữa bảo dưỡng thiết bị đã được thực hiện trên cơ sở kế hoạch sửa chữa thường xuyên cho các quý, tháng trong năm 2024 theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được phê duyệt; các thiết bị thuộc hệ thống lò hơi, tuabin và các thiết bị phụ, hệ thống xử lý than, đá vôi, hệ thống xử lý nước và hệ thống phòng cháy chữa cháy, v.v… trong dây truyền công nghệ được luân phiên bảo dưỡng, sẵn sàng đáp ứng trong toàn bộ thời gian được huy động.

Các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án ngăn ngừa, giảm sự cố, giảm tổn thất điện năng cho từng đường dây và từng TBA, đưa vào kế hoạch sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn bảo dưỡng thiết bị nhất thứ như máy biến áp, máy cắt, dao cách ly v.v.. theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), trong thời gian qua vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hụt tổng sản lượng do sự cố và suy giảm công suất tại một số nhà máy nhiệt điện than do nguyên nhân nhân sự cố thiết bị như chạm đất rotor máy phát, lủng ống lò, bám dính than bunker, sự cố hệ thống thải xỉ đáy lò v.v….

Thy Thảo

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/thuy-dien-tich-duoc-it-nuoc-so-voi-ke-hoach-118283.htm