Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine

Cuối ngày 23/4, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ 95 tỷ USD cho Ukraine, Israel và khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương và chính thức gửi dự luật tới tay Tổng thống Joe Biden sau nhiều tháng trì hoãn và tranh luận gay gắt.

Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tại Điện Capitol, Washington ngày 23/4/2024. Ảnh: AP

Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tại Điện Capitol, Washington ngày 23/4/2024. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, dự luật đã được Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo 79 – 18 sau khi được Hạ viện thông qua ngày 20/4 với số phiếu 311-112. Có tổng cộng 31 đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu cho gói viện trợ - nhiều hơn 9 người so với khi Thượng viện thông qua phiên bản tương tự vào tháng 2 trước đó.

Những người phản đối dự luật này tại Thượng viện bao gồm một số thượng nghị sĩ không đồng tình với việc hỗ trợ Israel trong bối cảnh Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiếp tục các chiến dịch tấn công khiến hàng nghìn thường dân thiệt mạng. Là một trong những người bỏ phiếu chống, thượng nghị sĩ Bernie Sanders cho biết: “Chúng ta phải chấm dứt sự tham gia của mình trong cuộc chiến khủng khiếp này”.

Về phía Hạ viện, hãng tin AP dẫn lời Chủ tịch Mike Johnson sau khi dự luật được thông qua, cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành công việc của mình và tôi nghĩ lịch sử sẽ đánh giá điều đó”. Tổng thống Joe Biden, người đã làm việc với các nhà lãnh đạo Quốc hội để giành được sự ủng hộ, tuyên bố: “Tối nay, đa số lưỡng đảng tại Thượng viện đã gia nhập Hạ viện để đáp lại lời kêu gọi của lịch sử vào thời điểm quan trọng này”.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông sẽ ký dự luật ngay vào ngày 24/4 và bắt đầu quá trình gửi vũ khí tới Ukraine, quốc gia đang gặp khó khăn trong việc giữ vững chiến tuyến chống lại Nga.

Cụ thể, dự luật về viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD bao gồm việc cung cấp 60,84 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine, 26 tỷ USD cho Israel và 8,12 tỷ USD cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong tổng số gần 61 tỷ USD hỗ trợ Ukraine, khoảng 23 tỷ USD sẽ được sử dụng để bổ sung vũ khí, kho dự trữ và cơ sở vật chất do Mỹ cung cấp; hơn 11 tỷ USD sẽ tài trợ cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực; gần 14 tỷ USD sẽ giúp Ukraine mua các hệ thống vũ khí tiên tiến và các thiết bị phòng thủ khác.

Trong nỗ lực giành được nhiều phiếu bầu hơn, đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện cũng bổ sung một dự luật vào gói viện trợ, trong đó mạng xã hội TikTok có thể bị cấm ở Mỹ nếu chủ sở hữu Trung Quốc không bán cổ phần của họ đi trong vòng một năm.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bày tỏ thái độ không đồng tình khi cho rằng gói viện trợ bổ sung sẽ chỉ khiến nhiều người Ukraine thiệt mạng hơn nữa. Hãng tin RT dẫn lời người phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 22/4: “Về cơ bản, điều này sẽ không thay đổi tình hình trên chiến trường”.

Theo ông, Nga đang có những bước tiến ổn định trên các mặt trận trong khi động lực của cuộc xung đột hiện “hoàn toàn rõ ràng trước mọi người”. Số tiền cũng như vũ khí mà Mỹ sẽ phân bổ cho Ukraine vì vậy “sẽ không dẫn đến sự thay đổi trong động lực này”.

Thay vào đó, ông Peskov nhận định: “Chúng sẽ dẫn đến thương vong mới cho người Ukraine khi nhiều người Ukraine sẽ thiệt mạng hơn và Ukraine sẽ chịu tổn thất lớn hơn”.

Trước đó vào ngày 20/4 khi dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã tuyên bố Mỹ đang sử dụng Ukraine làm “bia đỡ đạn” và hy vọng duy trì Kiev cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Bà khẳng định cuối cùng thì Mỹ sẽ phải đối mặt với một “thất bại ồn ào và nhục nhã”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thuong-vien-my-thong-qua-du-luat-vien-tro-cho-ukraine-post34003.html