Thượng Nghĩa, làng ven đô

Nằm ở phía Đông Bắc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị có một làng cổ lâu đời tọa lạc ở một vùng quê đồng bằng từng đi vào sử sách. Đó chính là làng Thượng Nghĩa, nay hầu hết cư dân thuộc địa bàn Khu phố 4, phường Đông Giang. Làng hiện có khoảng 160 hộ dân, xấp xỉ 660 nhân khẩu. Đây là một trong những ngôi làng cổ của Quảng Trị có bề dày lịch sử, bao đời tạo lập, góp phần hun đúc nên hào khí của mảnh đất này.

Cổng làng Thượng Nghĩa -Ảnh: P.X.D

Có bài viết về làng xã Quảng Trị trên tạp chí địa phương cho biết: theo sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An, vào giữa thế kỷ XVI, huyện Võ Xương có 59 xã/làng thì trên đất Đông Hà đã có các làng/xã như sau: Hướng Ngao (sau đổi là Điếu Ngao), Hạ Đô, Thượng Đô (sau đổi là Thượng Nghĩa)...

Đông Hà thời các chúa Nguyễn theo Lê Quý Đôn trong sách “Phủ biên tạp lục” là đất của hai tổng An Đôn và tổng An Lạc thuộc huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Thuộc tổng An Đôn có các xã, phường sau: Vĩnh Phúc (tức Vĩnh Phước), Lai Phúc (tức Lai Phước), Vân An, Đại Áng, Trung Chỉ, Lập Thạch, Phú An, Lãng Phúc, Điếu Ngao, Đông Hà, Liên Trì (tức Tây Trì), Đông Vu (tức Đông Lai), Thượng Đô (tức Thượng Nghĩa)... Các xã/phường của vùng Đông Hà hiện nay thuộc tổng An Lạc, huyện Thành Hóa lúc bấy giờ có: An Lạc, Nghĩa An, Đại Độ, Thượng Độ, Đình Tổ, Đông Lai, Thượng Nghĩa...

Đình làng Thượng Nghĩa thuộc loại đình trần, còn gọi là đình lộ thiên, đặc trưng cho cư dân Việt từ phía Bắc di dân vào Nam trong buổi đầu khai sơn phá thạch, mặt đình hướng phía hói Sòng, lưng tựa vào đất đai vững chãi, là một địa chỉ sinh hoạt tâm linh quý giá từ bao đời nay. Người dân Thượng Nghĩa không chỉ lập làng ở đây mà còn tiến lên vùng quê Cam Lộ, đi vào Triệu Phong để khai lập nên những xóm thôn mới, lan tỏa tên gọi gốc rễ gần xa. Dù đi đâu, về đâu, người dân nơi này vẫn luôn đề cao nguồn cội, tôn vinh tổ tiên, xưng tụng công đức những người có nhiều cống hiến với làng, với nước, giáo hóa các thế hệ về tình người, nhân nghĩa trước sau như tên gọi đẹp đẽ của làng, mỹ tự là Thượng Nghĩa. Những giá trị tốt đẹp của ngàn xưa vẫn được nâng niu, gìn giữ và được tô bồi trong cuộc sống hôm nay.

Bà con Thượng Nghĩa kẻ trước người sau, tiền khai khẩn, hậu khai canh, rồi lớp lớp bao người quần tụ về đây, đất lành chim đậu đã tạo dựng nên gương mặt quê hương, trong đó có những dòng họ như họ Hoàng với ngôi nhà thờ Hoàng tộc đã thành di tích lịch sử trên mảnh đất này. Ông Hoàng Đức Trang, một người dân làng Thượng Nghĩa cho biết: “Chính ở nhà thờ họ Hoàng của chúng tôi đã vinh dự chứng kiến chi bộ Đảng đầu tiên của khu vực Đông Giang được thành lập vào ngày 2/10/1945, khi Cách mạng tháng Tám vừa mới thành công. Sau này nhà thờ họ Hoàng được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử”.

Trải qua thời gian cùng với bao biến thiên lịch sử, những năm gần đây, Thượng Nghĩa đã trở thành địa chỉ ven đô của thành phố Đông Hà với nhiều đổi thay đáng mừng, từng bước đi lên trong hành trình của quê hương. Đương nhiên gần như là quy luật, trong bước tiến của mỗi vùng quê, bên cạnh những cơ hội thì không thể không nói đến những khó khăn, thách thức cần được nhìn nhận và khắc phục để vượt qua, tiến về phía trước. Mảnh đất này cũng trở thành một địa chỉ mà cấp trên quan tâm khi muốn phát triển phường ven đô thành phố Đông Hà, để có thể phát triển đúng hướng, góp phần làm thay đổi bộ mặt của đô thị tỉnh lỵ tỉnh Quảng Trị. Ông Nguyễn Văn Kiệt, Bí thư, Chủ tịch UBND phường Đông Giang chia sẻ: “Thượng Nghĩa là một địa bàn có nhiều nỗ lực để phát triển kinh tế địa phương, trong đó là nông nghiệp ven đô, góp phần vào bước tiến của quê hương”.

Những đổi mới về nhiều mặt của một vùng quê có truyền thống lâu đời như Thượng Nghĩa cho thấy nỗ lực và sự đồng lòng từ trên xuống dưới nhằm kiến thiết nơi đây thành một địa chỉ ngày càng đáng yêu và đáng sống. Đó cũng là mong mỏi cháy bỏng của tiền nhân đi trước, cũng như hậu thế bước tiếp hôm nay.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/thuong-nghia-lang-ven-do/180740.htm