Thực tại trần trụi từ hình ảnh tương phản giữa Mỹ và Ấn Độ

Khi các nước phát triển đang dần hồi phục vì có thể triển khai tiêm chủng quy mô lớn, các nước đang phát triển vẫn phải vật lộn với khủng hoảng Covid-19.

 Bệnh nhân Covid-19 thở oxy ở thủ đô Delhi, Ấn Độ, vào tháng 4. Ảnh: New York Times.

Bệnh nhân Covid-19 thở oxy ở thủ đô Delhi, Ấn Độ, vào tháng 4. Ảnh: New York Times.

Độ tương phản trong bức tranh phân hóa giàu - nghèo đang ngày càng trở nên rõ nét vào thời kỳ đại dịch.

Ở nhiều nước phát triển, đơn đặt hàng vaccine Covid-19 tăng vọt lên hàng tỷ liều. Số ca mắc mới đang giảm đi. Các nền kinh tế phát triển dần mở cửa trở lại. Người dân chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ nghỉ hè sắp tới, theo New York Times.

Tuy nhiên, ở đa số quốc gia đang phát triển, Covid-19 vẫn đang hoành hành, thậm chí vượt ngoài tầm kiểm soát. Trong khi đó, chương trình tiêm chủng được triển khai quá chậm, ngay cả đối với các nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Bức màn chia rẽ đó hiển hiện rõ nét hơn cả khi so sánh hai hình ảnh: Một bên là các nhà hàng và hộp đêm mở cửa trở lại ở Mỹ và châu Âu; còn một bên là người bệnh thở dốc vì thiếu oxy ở Ấn Độ.

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 15/4. Ảnh: Reuters.

Vào năm 2020, khoảng 192 quốc gia đăng ký tham gia chương trình COVAX - cơ chế chia sẻ vaccine Covid-19 giữa các quốc gia. Quỹ Gates của tỷ phú Bill Gates đã rót 300 triệu USD đầu tư vào nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất vaccine Covid-19 cho người nghèo trên thế giới.

Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh hơn bao giờ hết, nghiêm trọng nhất là ở Nam Mỹ và Ấn Độ. Điều này khiến chương trình tiêm chủng Covid-19 trên thế giới gặp khó.

Ấn Độ vốn là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính cho COVAX. Nhưng nước này ngừng xuất khẩu vaccine khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng từ làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ hai trong những tuần gần đây.

Nước giàu tích trữ, nước nghèo thiếu thốn

Ở Brazil, mỗi ngày có hàng nghìn ca tử vong vì Covid-19. Trong khi đó, các quan chức nước này chỉ nhận được 1/10 số liều vaccine AstraZeneca theo thỏa thuận tính đến giữa năm nay.

Tại các quốc gia khác, từ Ghana cho tới Bangladesh, những người được tiêm vaccine Covid-19 mũi đầu tiên giờ đây không biết khi nào mới được tiêm mũi thứ hai.

Boston Zimba là bác sĩ và chuyên gia về vaccine ở Malawi. Tại quốc gia Đông Phi này, chỉ 2% dân số đã được tiêm vaccine Covid-19.

"Đây là vấn đề về đạo đức. Đây là điều mà các nước giàu nên suy nghĩ. Đó là lương tâm của họ. Đó là cách họ tự định hình bản thân mình", bác sĩ này nói.

Khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, chương trình Covax thiếu nguồn tài trợ, khiến cơ chế này không thể cạnh tranh với các nước giàu để giành được hợp đồng mua vaccine Covid-19.

Gần đây, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ đã cấm xuất khẩu một số loại vaccine Covid-19. Động thái khiến các nước không tự sản xuất được vaccine bị phụ thuộc vào các nhà sản xuất này.

Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây cũng bắt đầu đóng góp tích cực hơn cho chương trình COVAX và các nước đang phát triển, bao gồm 60 triệu liều AstraZeneca từ Mỹ, và một triệu liều AstraZeneca từ Thụy Điển.

Một buổi hòa nhạc trực tiếp ở Liverpool, Anh, được tổ chức vào ngày 1/5. Ảnh: AFP.

Nhưng những khoản “quyên góp” này chỉ là giọt nước giữa đại dương.

Chưa kể đến việc các nước giàu vẫn tích trữ vaccine để tiêm nhắc lại, nhằm đối phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Đây là một đòn giáng khác đối với các quốc gia thiếu khả năng sản xuất vaccine.

Các hãng sản xuất vaccine đang thu lợi lớn từ việc bán cho các quốc gia phát triển trên thế giới. Trong ba tháng đầu năm nay, Pfizer thu được 3,5 tỷ USD từ việc bán vaccine. Trong khi đó, hãng này chỉ cam kết cung cấp 2% số vaccine trong năm nay của COVAX.

Moderna kỳ vọng doanh thu từ vaccine Covid-19 có thể đạt 18 tỷ USD trong năm nay. Hãng này mới chỉ đồng ý cung cấp vaccine trong tuần này, dù đã nhận khoản đầu tư sớm từ quỹ COVAX từ tháng 1/2020.

Rào cản về quyền sở hữu trí tuệ

New York Times nhận định chủ nghĩa dân tộc và lợi nhuận doanh nghiệp chỉ là một phần nhỏ của bức tranh tổng thể về vaccine Covid-19.

Một khó khăn khác cần đề cập là thiếu tiềm lực để sản xuất ra lượng vaccine khổng lồ đủ cho cả thế giới.

Một số cá nhân, tổ chức đang hối thúc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19, nhằm khuyến khích việc phổ biến sản xuất vaccine.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy trình này có thể phải mất nhiều năm mới có kết quả.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng dù phải trả giá bao nhiêu và mất bao lâu, các quốc gia phương Tây cũng nên gây áp lực buộc các nhà sản xuất vaccine hợp tác, chia sẻ công thức với các công ty khác trên toàn cầu.

Tuy khó khăn ban đầu, động thái này có thể khai thác triệt để năng lực sản xuất vaccine đang bị bỏ phí.

Nếu tự sản xuất được vaccine, các quốc gia cũng có thể giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.

“Mục đích cuối cùng là vaccine được chế tạo và sản xuất ở châu Phi, bởi điều này sẽ tạo ra niềm tin cho người dân, khi họ biết rằng vaccine này là do chúng tôi làm ra và dành cho chúng tôi", Tổng thống Congo Félix Tshisekedi nói.

Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca. Ảnh: AP.

Đối với Covax, vấn đề hiện nay là sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Ấn Độ.

Vào tháng 1, chương trình này dự kiến có 235 triệu liều vaccine Covid-19 vào tháng 4, và 325 triệu vào tháng 5. Tổng cộng trong năm nay, COVAX có thể đạt được 2 tỷ liều, đủ để tiêm chủng cho 20% người dân ở các nước nhận viện trợ.

Nhưng đến tháng 3, con số dự báo đó đã giảm đi khoảng một phần ba. Và tính đến ngày 4/5, COVAX xuất xưởng 54 triệu liều vaccine Covid-19, chưa bằng một phần tư so với mục tiêu được đặt ra hồi đầu tháng 4.

Gavi, liên minh cung cấp vaccine và là đối tác y tế công - tư hợp tác với COVAX, cho biết đang ưu tiên cung cấp mũi tiêm thứ hai cho các nước. Tổ chức này cũng kêu gọi các quốc gia giàu hơn chia sẻ vaccine.

Phải tiêu hủy vaccine vì không đủ nhân lực vận hành

Ngoài ra, vấn đề hiện nay không chỉ nằm ở nguồn cung vaccine, mà còn về các trang thiết bị y tế và nhân sự hậu cần.

CARE, tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu, ước tính rằng cứ 1 USD chi cho vaccine thì cần 5 USD nữa cho chi phí vận chuyển và phân phối.

Trong bối cảnh không đủ kinh phí trả lương cho nhân viên y tế, một số ít vaccine đang phải nằm trong kho, chờ ngày hết hạn cận kề vì không có nhân lực để triển khai chương trình tiêm chủng.

Theo số liệu từ CARE, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở châu Phi. Tại châu lục này, khoảng 20 quốc gia sử dụng chưa đến một nửa số vaccine Covid-19 mà họ có.

Cộng hòa Dân chủ Congo nắm trong tay khoảng 1,7 triệu liều vaccine AstraZeneca từ COVAX trong gần hai tháng. Nhưng kể từ khi chương trình tiêm chủng ở nước này bắt đầu vào tháng 4, chỉ 1.888 người được tiêm chủng.

Chính phủ Congo buộc phải gửi hầu hết số vaccine còn lại cho các nước láng giềng để tránh vaccine hết hạn.

Tương tự, Bờ Biển Ngà nhận được 504.000 liều AstraZeneca từ COVAX vào cuối tháng 2, nhưng cho đến nay mới sử dụng được 155.000 liều.

Một trung tâm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Malawi. Ảnh: AP.

Theo ông Benjamin Schreiber, điều phối viên về vaccine Covid-19 tại UNICEF, trong số 92 nước ít phát triển hơn mà COVAX cung cấp vaccine, 8 quốc gia đã cắt giảm ngân sách y tế, do Covid-19 gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Một số quốc gia khác đang vật lộn duy trì kinh phí cho hệ thống y tế.

Ngân hàng Thế giới cam kết tài trợ 12 tỷ USD cho việc triển khai tiêm chủng, nhưng cho đến nay mới phê duyệt 2 tỷ USD cho các dự án này.

Mamta Murthi, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cho biết tính đến giữa tháng 3, chưa đến một phần ba các quốc gia thu nhập thấp và trung bình báo cáo kế hoạch đào tạo đủ nhân viên y tế cho chương trình tiêm chủng.

Một số quốc gia như Malawi đang lên kế hoạch tiêu hủy 16.000 liều vaccine do nhận được lúc gần hết hạn. Chính phủ nước này thậm chí phải vật lộn để trả tiền ăn trưa cho nhân viên y tế đi từ cơ sở này sang cơ sở khác để tiêm vaccine.

Ruth Bechtel, Giám đốc quốc gia tại Mozambique của VillageReach - tổ chức y tế phi lợi nhuận - cho biết chương trình tiêm chủng quy mô càng lớn, công tác hậu cần càng khó khăn hơn.

Bên quản lý chuỗi cung ứng cần phải có khả năng giám sát nguồn hàng tại các điểm tiêm chủng khác nhau, và số lượng lớn nhân viên y tế cũng cần được đào tạo về tiêm chủng vaccine Covid-19.

"Khi số loại vaccine tăng lên và quy mô tiêm chủng mở rộng, cần có nhiều nhân viên y tế được đào tạo hơn. Điều kiện này hiện vẫn chưa đạt được", bà cho biết.

Bốn cựu tổng thống Mỹ cùng tham gia chiến dịch vaccine Covid-19 Các cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đã cùng nhau xuất hiện trong một chiến dịch truyền thông nhằm kêu gọi người dân Mỹ tiêm vaccine.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-giau-hoi-phuc-nuoc-ngheo-van-thoi-thop-vi-dai-dich-post1211845.html