Thúc đẩy triển khai hóa đơn điện tử qua máy tính tiền: Tiện lợi, minh bạch nhưng vẫn còn nhiều e ngại

Việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) qua máy tính tiền được đánh giá là bước tiến quan trọng trong quá trình số hóa quản lý thuế, giúp minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp và đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể vẫn còn e ngại khi triển khai giải pháp này, dù thời hạn bắt buộc đã được quy định rõ.

Lợi ích rõ ràng nhưng vẫn còn dè dặt

Ngày 20/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123 về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, việc quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử sẽ được áp dụng theo quy trình mới nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả giám sát hóa đơn, đặc biệt là hóa đơn có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền - một trong những hình thức đang được triển khai rộng trong lĩnh vực bán lẻ, ăn uống, dịch vụ.

Đại diện Cục Thuế cho biết, hóa đơn điện tử qua máy tính tiền giúp người bán lập và gửi hóa đơn cho khách ngay tại thời điểm thanh toán. Hệ thống kết nối trực tiếp với cơ quan thuế, tạo điều kiện kiểm soát minh bạch doanh thu, hạn chế thất thu thuế. Đặc biệt, với đặc thù của các ngành như bán lẻ, dịch vụ ăn uống, vận tải... mô hình này mang lại sự tiện lợi, nhanh gọn và giảm thiểu sai sót trong xử lý hóa đơn.

Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC, số lượng hộ kinh doanh sử dụng HĐĐT qua máy tính tiền vẫn còn khiêm tốn so với kỳ vọng. Tại TP. Hồ Chí Minh, địa phương có số hộ kinh doanh lớn nhất cả nước cũng chỉ có hơn 20.000 cơ sở triển khai, trong khi toàn thành phố có hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể.

 Tâm lý sợ phải đóng thuế cao hơn nếu minh bạch hóa doanh thu vẫn còn phổ biến trong một bộ phận hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Tâm lý sợ phải đóng thuế cao hơn nếu minh bạch hóa doanh thu vẫn còn phổ biến trong một bộ phận hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Chị Nguyễn Thị Lành, chủ quán ăn nhỏ tại quận Bình Thạnh - TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, tôi từng được cán bộ thuế tuyên truyền, hướng dẫn, nhưng việc đầu tư máy móc, phần mềm và học cách sử dụng khiến tôi ngại. Mỗi ngày phục vụ hàng trăm khách, tôi chỉ muốn tính tiền nhanh, không rườm rà.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Cục Thuế nhận định, thực tế hiện nay còn nhiều hộ kinh doanh nhỏ đang vận hành theo mô hình thủ công, ít có sự chuẩn hóa trong quy trình thanh toán, thậm chí không có kế toán. Việc yêu cầu họ áp dụng một hệ thống kỹ thuật số hoàn chỉnh không phải dễ dàng nếu thiếu hỗ trợ thực tế từ nhà nước và các nhà cung cấp giải pháp. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng việc sử dụng HĐĐT qua máy tính tiền đồng nghĩa với việc "minh bạch toàn bộ doanh thu" và điều này dẫn tới lo ngại sẽ bị kiểm soát thuế chặt hơn. Tâm lý sợ phải đóng thuế cao hơn nếu minh bạch hóa doanh thu vẫn còn phổ biến trong một bộ phận hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Cần cơ chế hỗ trợ rõ ràng và thực chất

Theo các chuyên gia, để hóa đơn điện tử qua máy tính tiền đi vào thực tiễn, cần giải quyết ba rào cản chính là chi phí đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và thay đổi nhận thức.

Với cửa hàng nhỏ, nếu không có gói hỗ trợ tài chính ban đầu thì họ rất khó triển khai

Với cửa hàng nhỏ, nếu không có gói hỗ trợ tài chính ban đầu thì họ rất khó triển khai

Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp số TMT (đơn vị cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử) cho biết, vấn đề không chỉ ở phần mềm, mà còn ở khả năng tích hợp với máy POS, phần mềm quản lý bán hàng, đào tạo nhân viên và bảo trì hệ thống. Với cửa hàng nhỏ, nếu không có gói hỗ trợ tài chính ban đầu thì họ rất khó triển khai.

Về phía cơ quan quản lý, Cục Thuế đang phối hợp với các tổ chức trung gian cung cấp giải pháp miễn phí hoặc giá rẻ cho nhóm hộ kinh doanh siêu nhỏ. Đồng thời, các Chi cục Thuế khu vực tổ chức các buổi hướng dẫn thực hành, cử cán bộ hướng dẫn trong giai đoạn đầu áp dụng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, cần đẩy mạnh truyền thông về lợi ích lâu dài của hóa đơn điện tử. Thay vì lo ngại bị giám sát, doanh nghiệp nên xem đây là cơ hội để chuyên nghiệp hóa quản lý, nâng cao uy tín và tiếp cận các kênh vốn, đối tác mới.

Một tín hiệu tích cực là ngày càng nhiều doanh nghiệp trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và chuỗi cửa hàng đã chủ động triển khai hệ thống máy tính tiền tích hợp hóa đơn điện tử.

Ông Trần Hoàng, Chủ chuỗi trà sữa tại Hà Nội cho biết, việc tích hợp phần mềm giúp tôi quản lý doanh thu, tồn kho, hiệu quả từng chi nhánh theo thời gian thực. Ngoài ra, khách hàng cũng yên tâm hơn khi có hóa đơn rõ ràng.

Như vậy, mô hình hóa đơn điện tử qua máy tính tiền không chỉ là công cụ minh bạch hóa thuế, mà còn là công cụ quản trị hiện đại, giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để phổ biến trên diện rộng, nhà nước cần thiết kế cơ chế hỗ trợ linh hoạt, đồng hành với từng nhóm đối tượng. Bài học từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore cho thấy: chỉ khi hóa đơn điện tử trở thành một phần tiện lợi của hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp mới chủ động áp dụng.

Nhiều doanh nghiệp trẻ và chuỗi cửa hàng trong lĩnh vực dịch vụ đã chủ động triển khai hệ thống máy tính tiền tích hợp hóa đơn điện tử

Nhiều doanh nghiệp trẻ và chuỗi cửa hàng trong lĩnh vực dịch vụ đã chủ động triển khai hệ thống máy tính tiền tích hợp hóa đơn điện tử

Hóa đơn điện tử qua máy tính tiền là giải pháp tiến bộ, phù hợp với xu thế chuyển đổi số và quản lý hiện đại. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, cần kết hợp giữa bắt buộc và hỗ trợ công nghệ, truyền thông. Chú trọng trên hết là đặt lợi ích của người kinh doanh lên hàng đầu, khi nhận thấy lợi ích thực sự các hộ kinh doanh sẽ không còn e ngại mà chủ động thay đổi.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thuc-day-trien-khai-hoa-don-dien-tu-qua-may-tinh-tien-tien-loi-minh-bach-nhung-van-con-nhieu-e-ngai-164013.html