Thúc đẩy liên kết, hợp tác

Hằng năm, các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời hàng trăm công trình khoa học thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó có những công trình đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đáng chú ý như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chuyển giao thành công 11 công nghệ cho doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, trên thực tế, những kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các trường đại học, viện nghiên cứu đến được với doanh nghiệp, trở thành sản phẩm hàng hóa lại không nhiều. Kết quả thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2016-2019 chỉ có khoảng 5-10% số công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; nhiều đề tài phải "xếp ngăn kéo" mà chưa có cơ hội được kiểm chứng về giá trị thực tiễn.

Đây là điều đáng buồn, đáng tiếc và thiệt thòi cho chính các nhà khoa học; đồng thời là một trong những điểm nghẽn phát triển kinh tế của Việt Nam.

Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao nǎng suất lao động, làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu của nền kinh tế, việc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ của các trường đại học, viện nghiên cứu trở thành sản phẩm hàng hóa là hết sức cần thiết.

Do đó, mấu chốt nhất của vấn đề là chúng ta phải tiếp tục tăng cường, thúc đẩy hơn nữa sự liên kết, hợp tác hiệu quả giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp. Trong đó, phải đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, nơi biến kết quả nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu trở thành sản phẩm hàng hóa. Cùng với đó là bổ sung những chính sách khuyến khích đủ mạnh nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, thu hút các nhà nghiên cứu, nhà khoa học để giải quyết những "bài toán" mà doanh nghiệp đặt ra. Như vậy, những nghiên cứu khoa học mới thật sự mang tính khả thi cao, phát huy hiệu quả ứng dụng vào sản xuất và đời sống trong thời gian nhanh nhất.

Về phía các trường đại học, viện nghiên cứu, để có thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, cần tiếp tục tái cấu trúc hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng chế theo hướng ứng dụng thực tiễn. Đồng thời, tạo cơ chế thông thoáng thu hút các nhà khoa học tham gia nghiên cứu như: Được chia sẻ lợi ích tương xứng từ việc tạo ra các dự án, đề tài nghiên cứu; được trích phần trăm kinh phí từ việc chuyển giao các sản phẩm có khả năng thương mại hóa. Đặc biệt, các trường, viện cần nâng cao tính chủ động trong việc tìm đối tác, kết nối hiệu quả hơn nữa với doanh nghiệp. Có như vậy, mới bảo đảm những kết quả nghiên cứu không bị rơi vào cảnh "xếp ngăn kéo" vẫn tồn tại bấy lâu nay.

Về phía các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cần bám sát nhu cầu của thị trường, triển khai các đề tài đáp ứng "đặt hàng" của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thị trường, bản thân các nhà khoa học cũng cần chủ động hơn, tự “chào hàng”, thậm chí có thể định hướng thị trường cho doanh nghiệp, đồng thời phải tăng khả năng thuyết trình về sản phẩm, để nhà đầu tư thấy được lợi ích, cũng như khả năng thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, cần hoàn thiện hành lang pháp lý thị trường khoa học và công nghệ, tổ chức những hoạt động đối thoại giữa đại diện cơ quan nhà nước, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tìm tiếng nói chung trong việc tạo ra công trình chất lượng, có khả năng ứng dụng cao. Hoạt động này cũng sẽ giúp sợi dây liên kết, hợp tác giữa các bên thêm bền chặt, gắn kết với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/967113/thuc-day-lien-ket-hop-tac