Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phú Thọ cần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế với tầm nhìn dài hạn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hỗ trợ giới thiệu, xúc tiến đầu tư để kêu gọi thu hút dự án trong và ngoài nước vào Phú Thọ. Đồng thời, tỉnh có biện pháp xúc tiến đầu tư phù hợp, chuẩn bị mặt bằng, hạ tầng sẵn sàng, nguồn nhân lực tốt trong thu hút đầu tư.

Chất lượng tăng trưởng chưa cao

Chiều ngày 28/7, tại trụ sở Chính phủ, làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trước tình hình dịch bệnh ở các địa phương miền Trung, Phú Thọ cần tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đặc biệt không được mất cảnh giác trong phòng, chống dịch COVID-19.

Phú Thọ nên phát huy mạnh hơn các lợi thế của vùng Trung du miền núi phía Bắc

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 8,38%/năm trong giai đoạn 2016-2019, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tăng từ 76% lên 79,7%, khu vực nông, lâm nghiệp giảm từ 24% xuống còn 20,3%.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 1,24%. Phần lớn các ngành sản xuất công nghiệp đều sụt giảm, nhu cầu thị trường giảm, tiêu thụ khó khăn, thiếu nguyên liệu đầu vào; khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 0,07%. Khu vực dịch vụ, thương mại gặp khó khăn, chỉ tăng trưởng 1,21%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,52%/năm, đến năm 2020 còn 4,4%.

Về giải ngân vốn đầu tư công, đến hết ngày 23/7 các nguồn vốn bố trí cho các công trình, dự án (bao gồm vốn kéo dài) đạt 1.379 tỷ đồng, bằng 47,5% kế hoạch vốn đã giao. Lãnh đạo tỉnh khẳng định cam kết, không điều chỉnh chỉ tiêu năm 2020, phấn đấu đạt ở mức cao nhất; phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.

Với kết quả trên, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh Phú Thọ cũng cần thấy các bất cập, tồn tại như chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu còn chậm, nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao. Tỉnh có nhiều sản phẩm mới, chất lượng tốt như chè, bưởi nhưng nói chung, chưa có nhiều dự án của các doanh nghiệp chủ lực, quy mô lớn, chưa có những “đại bàng lớn” đậu ở Phú Thọ… Do đó, tỉnh cần quan tâm hơn tới cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh kết nối cổng dịch vụ công quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Phú Thọ có lợi thế, tiềm năng to lớn, còn rất nhiều dư địa mà nếu trong chỉ đạo biết phát huy, thúc đẩy, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành thì nhất định cửa ngõ phía Tây của Hà Nội sẽ phát triển tốt.

Đặt mục tiêu cao hơn cho Phú Thọ

Về phía tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm giới thiệu, định hướng một số nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, giúp phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trên địa bàn Phú Thọ.

Thủ tướng hoan nghênh kiến nghị này, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hỗ trợ giới thiệu, xúc tiến đầu tư để kêu gọi thu hút dự án trong và ngoài nước vào Phú Thọ. Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh có biện pháp xúc tiến đầu tư phù hợp, “biết đâu làm đó, thúc đẩy mạnh mẽ”. Tỉnh phải chuẩn bị mặt bằng, hạ tầng sẵn sàng, nguồn nhân lực tốt trong thu hút đầu tư.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, giai đoạn 2021- 2026, Bộ Công Thương nhất trí với tỉnh Phú Thọ về những mục tiêu ưu tiên và giải pháp của địa phương, đặc biệt đồng bộ và phát triển nhanh chóng hạ tầng cho các lĩnh vực giao thông, kinh tế, năng lượng, công nghệ thông tin…Đây là điểm mạnh Phú Thọ sẽ tạo đột phá trong thu hút doanh nghiệp đầu tư tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh trên địa bàn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ Phú Thọ trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để tạo ra chuyển biến mạnh trong đầu tư

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra, Phú Thọ nên phát huy mạnh hơn các lợi thế của vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng phía Bắc vì địa phương có khả năng kết nối rất cao với các trục kinh tế và các điểm hút, hạ tầng lớn giao thông. “Rõ ràng, không chỉ phát triển nội tại của Phú Thọ mà còn có điều kiện làm vệ tinh liên kết với trung tâm kinh tế lớn, đặc biệt là các trung tâm công nghiệp và thương mại”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ tỉnh trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để tạo ra chuyển biến mạnh trong đầu tư. Hiệp định Thương mại tự do EVFTA là điểm nhấn lớn cho địa phương trong thời gian tới để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực, đặc biệt giá trị gia tăng trong hoạt động xuất khẩu khai thác tốt thị trường châu Âu. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các địa phương trong đó có Phú Thọ để cùng rà soát, bổ sung các kế hoạch, phát triển thương mại nội địa, thương mại nông thôn kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, thực tế Phú Thọ đã có nền tảng công nghiệp tốt, kể cả công nghiệp nặng, chế biến chế tạo, Bộ Công Thương tin tưởng địa phương có điều kiện tốt để phát triển tốt khai thác cơ hội mới này. “Phú Thọ cần sự kết nối mạnh mẽ hơn với các bộ ngành, Trung ương như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các ngành khác để ta rà soát chiến lược, đồng thời cũng như quy hoạch để làm cơ sở phát triển tốt khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn của tỉnh”- Bộ trưởng bày tỏ.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới của Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh, “chúng ta phải thấy mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng vẫn là tỉnh nghèo”, cần phấn đấu quyết liệt hơn, vươn lên mạnh mẽ hơn, xứng danh đất Tổ. Trên nền tảng đã có như có sản phẩm tốt, cơ sở hạ tầng và thời cơ là có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Phú Thọ tạo thuận lợi, đẩy mạnh xâm nhập các thị trường mới.

Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, sẽ tự cân đối được thu chi ngân sách. Thủ tướng cho rằng, phải đặt mục tiêu cao hơn, trong khoảng 3 năm nữa phải tự cân đối được ngân sách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Phú Thọ cần xác định lại mô hình tăng trưởng, lựa chọn, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế với tầm nhìn dài hạn hơn, phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, dịch vụ du lịch. Tiếp tục thúc đẩy, khắc phục các tồn tại trong khai thác sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đồng thời quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giảm tỷ lệ nghèo.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-phu-tho-can-chuyen-dich-manh-me-co-cau-kinh-te-voi-tam-nhin-dai-han-141145.html