Thủ tướng: Mọi hoạt động của ngành Nông nghiệp phải xoay quanh người nông dân
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của các ngành Nông nghiệp phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho họ.
Ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành với vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Kết luận cuộc làm việc, , Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến phát biểu và nhấn mạnh, thành tích của ngành NNPTNT trong nhiệm kỳ qua và những tháng đầu năm 2021 góp phần quan trọng vào ổn định tình hình đất nước, đồng thời thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với thành quả như vậy, diện mạo, cảm quan, môi trường sinh thái, không gian sống của nông nghiệp, nông thôn, nông dân được cải thiện đáng kể. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng nâng cao.
Đến hết năm 2020 và cả 5 năm 2016 - 2020, có 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành Nông nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nổi bật như tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 5 năm đạt 2,62%/năm, năm 2020 tăng 2,68%; tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm hơn 190 tỷ USD, năm 2020 đạt 41,53 tỷ USD.
Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%, cao hơn so với mức 40,7% của năm 2015. Hết năm 2020 có hơn 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt xa mục tiêu (có 50%). Thu nhập cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, tăng 1,92 lần năm 2015.
Chia sẻ các khó khăn, vướng mắc của Bộ NNPTNT, Thủ tướng cho rằng phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Theo đó, nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực.
“Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của các đồng chí phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho họ”, Thủ tướng nói thêm. Đây là điều quan trọng nhất.
Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần chỉ đạo là tăng cường phân cấp, phân quyền và đi đôi với kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công tư trên nguyên tắc cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa 3 chủ thể: người dân, Nhà nước, doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ ra một số mô hình mà Bộ NNPTNT nghiên cứu áp dụng như lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công. Đồng thời cũng gợi mở việc trích lập quỹ phát triển hạ tầng thủy sản, đây cũng là một mô hình hợp tác công tư, tập hợp nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Bộ NNPTNT phải khai thác hiệu quả trên đất, nâng cao giá trị gia tăng, chứ không chỉ nghĩ đến trồng lúa, ngô, khoai, sắn. Cần sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp và tổ chức mô hình hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với tình hình mới.
Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cho rằng, cần phát triển mạnh mẽ, hợp lý hệ thống hợp tác xã gắn với tái cơ cấu ngành NNPTNT, nhất trí cho rằng cần xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này. Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
Với Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) quốc gia 2021 – 2025, cần xác định 5 điểm quan trọng: xác định thương hiệu sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu; có doanh nghiệp để có đầu vào, đầu ra; phải có sự tham gia của ngân hàng; áp dụng khoa học công nghệ...