Thủ tướng Chính phủ thăm nhà lưu niệm Bác Hồ tại Huế

Chiều ngày 1/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo cao cấp của Chính phủ gồm có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, các Bộ, ngành đã có chuyến thăm và dâng hương tại nhà lưu niệm Bác Hồ, địa chỉ 112 (nay là 158) Mai Thúc Loan, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại nhà lưu niệm Bác Hồ

Tại di tích này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình sống ở Thừa Thiên Huế hơn 10 năm, qua hai thời kỳ.

Thời kỳ thứ nhất (1895-1901) từ 5 đến 11 tuổi với tên gọi Nguyễn Sinh Cung. Thời kỳ thứ hai (1906-1909) từ 16 đến 19 tuổi, Người mang tên Nguyễn Tất Thành. Đây là nơi ghi đậm dấu ấn thời kỳ đầu tiên của Người và gia đình đến sống ở kinh đô Huế.

Năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) thi đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ tại Trường thi Nghệ An, một năm sau ông tham gia kỳ thi Hội tại kinh đô Huế nhưng không đỗ. Để chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo, ông xin vào học Trường Quốc Tử Giám – Huế và được chấp nhận. Ông về quê bàn với gia đình đưa vợ con cùng vào Huế để gia đình có điều kiện giúp đỡ ông học hành và ông cũng có thời gian chăm sóc, nuôi dạy các con. Đến Huế, nhờ người quen giới thiệu ông đã thuê một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba (là ngôi nhà di tích 158 Mai Thúc Loan hiện nay).

Đoàn lắng nghe thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác tại Huế

Trong sáu năm sống tại đây, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có điều kiện hòa nhập với đời sống của người dân đất kinh kỳ. Ông Nguyễn Sinh Sắc ngoài thời gian học tập còn chẩn bệnh, bốc thuốc cho bà con quanh vùng, bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) với nghề dệt vải, ngày đêm tảo tần canh cửi cùng chồng nuôi dạy các con nên người. Hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung tuổi còn nhỏ nhưng với tư chất thông minh, rất thích tìm hiểu đời sống hiện thực ở chốn kinh thành, lại được nghe cha cùng các bậc cao niên thường hay kể về đời sống của vua quan triều Nguyễn, sự hách dịch, ngạo mạn của thực dân Pháp cùng với nổi thống khổ của bà con lao động, về sự kiện thất thủ kinh đô vào ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5/7/1885) đã giết chết hàng ngàn người dân vô tội, làm ly tán biết bao gia đình… những biến động chính trị, xã hội ở đất kinh kỳ đã khắc sâu vào tâm hồn Người, góp phần hình thành nên khát vọng cứu nước, cứu dân sau này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc viết vào sổ lưu niệm

Tại ngôi nhà này, bà Hoàng Thị Loan đã hạ sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận (bé Xin) và cũng tại đây bà ốm nặng và qua đời vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901) khi mới 33 tuổi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem cuốn sách nói về các di tích, địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ và gia đình ở Thừa Thiên Huế

Đoàn chụp ảnh lưu niệm

Ngôi nhà lưu niệm của Bác Hồ tại Huế

Khung cửi tại nhà lưu niệm

Gian bếp đơn sơ, giản dị của gia đình Bác

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc góp ý cán bộ hướng dẫn nhà lưu niệm bổ sung thêm thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Người cho người dân và du khách

Với giá trị lịch sử sâu sắc, ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, ngày 2/2/1993.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-chinh-phu-tham-nha-luu-niem-bac-ho-tai-hue-124606.html