Thủ lĩnh trẻ trên tuyến đầu biển đảo xứ Thanh

Có mặt trong đoàn thực tế sáng tác tại Đảo Mê, khi được giới thiệu 'Đảo trưởng' Lê Việt Dũng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Nếu như không khoác bộ quân phục sĩ quan với quân hàm Đại úy trên vai thì Dũng chỉ như một thanh niên, trẻ hơn tuổi 28 của anh.

Vườn tăng gia của Tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mê.

Sinh ra trong gia đình có bố là sĩ quan quân đội, Lê Việt Dũng rất tự hào về bố và sớm có thiện cảm với màu xanh áo lính dù đọng lại trong tuổi thơ anh là hình ảnh bố thường xuyên vắng nhà, có thời gian bố đi Trường Sa ba năm mới về, ở nhà có hai mẹ con cun cút. Ngoài bố Dũng là sĩ quan cấp cao, ông nội và ông ngoại Dũng cũng đều là những lão thành cách mạng, cán bộ đảng viên kì cựu. Tuy vậy, khi còn trẻ Dũng chưa xác định vào bộ đội, tuổi trẻ với khát vọng bay nhảy đã khiến anh chọn một lĩnh vực khác để thử sức mình, nhưng sau đó được gia đình định hướng, động viên nên Dũng đã “lựa chọn lại”, thi vào Trường Sĩ quan Pháo binh và theo học trường này.

Quyết định theo con đường binh nghiệp, Dũng đã suy nghĩ kĩ nên yên tâm gắn bó và đi những bước đi tự tin nhiệt huyết. Suốt những năm là học viên Trường Sĩ quan Pháo binh, Dũng luôn nỗ lực phần đấu tu dưỡng và học tập, kết quả tốt nghiệp ra trường của Dũng đạt loại giỏi, cùng với kết quả rèn luyện tại trường anh đã được phong quân hàm trung úy. Tháng 10 năm 2017, Dũng được phân công về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa. Anh được điều ra nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mê làm Trung đội trưởng Trung đội Pháo 85-ĐKZ.

Dũng luôn tâm niệm, trách nhiệm của tuổi trẻ khi cống hiến cho đất nước là ở những nơi tuyến đầu, những nơi khó khăn gian khổ. Đã là thanh niên phải xung kích đi đầu, là bộ đội thì đó là tuyến đầu đó là nơi biển đảo, biên giới xa xôi rất cần tinh thần đi đầu xung kích trong mọi nhiệm vụ. Dũng luôn nghĩ rằng, được cống hiến phấn đấu nơi đảo xa là một niềm tự hào. Thông thường mỗi cán bộ trẻ sẽ chỉ thử thách vài năm rồi sẽ về các đơn vị trong đất liền, nhưng Lê Việt Dũng lại gắn bó những hòn đảo tiền tiêu của tỉnh Thanh Hóa suốt từ đó cho đến nay, từ cán bộ trung đội đến cương vị người chỉ huy cao nhất đảo.

6 năm kể từ khi ra trường cũng là 6 năm gắn bó với biển đảo quê hương của Lê Việt Dũng. Nhìn lại thì đó là một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của chàng sĩ quan trẻ. Từ vị trí trung đội trưởng, bước đầu Dũng thể hiện được bản thân trong môi trường thực tế công tác, áp dụng những kiến thức được đào tạo trong nhà trường vào thực tiễn, anh luôn được đơn vị đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 3 năm 2019, Dũng được bổ nhiệm làm Trợ lí Tham mưu Tiểu đoàn. Từ Đảo Mê, cuối năm 2019 Lê Việt Dũng lại được điều động qua đảo Đảo Nẹ làm Phó đại đội trưởng Đại đội hỗn hợp Đảo Nẹ. Hòn Nẹ là một đảo nhỏ nằm án ngữ ngay cửa biển Lạch Trường, nơi giáp ranh giữa hai huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc, có vị trí thiết yếu về quân sự, là một điểm nóng ven biển Bắc Trung bộ những năm chiến tranh chống Mĩ. Bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn Dũng còn rèn luyện tác phong công tác, năng lực quản lí, từng bước hoàn thiện bản thân. Chỉ một năm sau anh đã được tín nhiệm giữ cương vị Đại đội trưởng. Sau đó, từ Đảo Nẹ, Dũng lại trở về Đảo Mê làm Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mê. Cuối năm 2022, anh được tín nhiệm giữ cương vị Tiểu đoàn trưởng.

Là người đứng đầu đơn vị Dũng luôn duy trì nghiêm kỉ luật đơn vị, tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động khác như tuần tra bảo vệ bảo, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trên biển khi có thiên tai, giông bão hay gặp nạn. Do đặc thù nhiệm vụ nên các bộ phận trên đảo đóng quân nhỏ lẻ, phân tán, với cương vị Tiểu đoàn trưởng Dũng luôn bao quát các bộ phận, sâu sát tỉ mỉ.

Vinh dự càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Nếu tự hài lòng với bản thân mà không học hỏi, cầu tiến thì sẽ khó mà nâng cao kiến thức, năng lực quản lí chỉ huy để áp dụng hiệu quả trên cương vị chức trách, đảm bảo cho đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Bởi vậy, tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ, Dũng luôn nghiên cứu tài liệu, chỉ thị, nghị quyết các cấp và các văn bản chỉ đạo của cấp trên nhằm hiểu rõ tinh thần, mục đích yêu cầu để triển khai thực hiện đúng, trúng, chính xác và hiệu quả. Với những thành tích trong quá trình công tác, Dũng từng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là Chiến sĩ thi đua toàn quân cùng nhiều phần thưởng khác của Quân khu 4 và BCHQS tỉnh Thanh Hóa. Anh cũng vinh dự được đại diện cho LLVT tỉnh Thanh Hóa và Quân khu 4 tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Cương trực và quyết đoán trong công việc nhưng trong đời thường Dũng luôn chân thành, cởi mở. Do tuổi còn trẻ, lại ở cương vị chỉ huy cao nhất nên Dũng luôn nhắc mình khiêm tốn, ứng xử đúng mực, tránh gây hiểu lầm với những cấp dưới lớn tuổi hơn. Thuận lợi với Dũng là anh em trong đơn vị cũng là những người lính, rất hiểu kỉ luật của Quân đội cũng như sự phân công công tác, thực hiện nhiệm vụ theo chức trách và luôn tôn trọng cấp trên. Vì còn trẻ nên Dũng cũng có ưu thế, am hiểu về công nghệ thông tin, nhanh nhạy trong tiếp nhận tri thức, điều hành hoạt động, khiến cho hệ thống từ chỉ huy đến các bộ phận luôn thông suốt, xử lí kịp thời khi có tình huống.

Dũng cho biết, một thuận lợi với cán bộ chiến sĩ Đảo Mê đó là luôn nhận được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Thường trực tỉnh ủy, UBND, UBMTTQ tỉnh, BCHQS tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa, của Thị xã Nghi Sơn về vật chất, tinh thần. Vào các dịp lễ tết, lãnh đạo Quân khu 4, tỉnh Thanh Hóa và BCHQS tỉnh đều ra thăm, chúc tết động viên cán bộ chiến sĩ trên đảo. Cấp trên cũng quan tâm đầu tư các công trình phục vụ sẵn sàng chiến đấu và đời sống sinh hoạt cho bộ đội tại đảo như nhà ở, bể chứa nước, các công trình chiến đấu... Dù vậy nơi đây cũng vẫn còn những khó khăn do điều kiện tự nhiên mang lại như việc đi lại xa xôi, điện nước sinh hoạt có thời điểm còn thiếu, thời tiết biến đổi thất thường, có mùa nắng nóng khô hạn kéo dài, có mùa lại bão lũ triền miên, ảnh hưởng đến cuộc sống và thực hiện nhiệm vụ. Anh em đóng quân xa nhà, thiếu thốn tình cảm, chỉ bù đắp một phần bằng tình đồng chí đồng đội. Ngoài thực hiện nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn hỗn hợp đảo còn tổ chức tăng gia sản xuất hiệu quả. Nhiều năm nay Đảo vẫn duy trì một đàn bò khoảng hai mươi con cùng đàn lợn, đàn dê và các loại gia cầm khác. Rau xanh đảo tự túc 100%, một số sản phẩm khác mang từ đất liền ra chủ yếu để làm phong phú thêm bữa ăn bộ đội.

Đảo Mê là hòn đảo Anh hùng, gắn với thành tích sự phấn đấu hi sinh của quân và dân xứ Thanh trong những năm chiến tranh. Phát huy truyền thống đó, các thế hệ cán bộ chiến sĩ của đảo qua nhiều năm luôn phấn đấu, tu dưỡng xứng đáng là những người lính nơi tuyến đầu trên vành đai bảo vệ quê hương xứ Thanh từ sớm, từ xa. Là đảo quân sự nên trên hòn đảo diện tích 4,2 km vuông chỉ có những người lính giữ đảo. Dù khoảng cách không xa đất liền nhưng sự cách biệt cũng đem lại một số khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt cũng như công tác hậu phương của người lính, từ chỉ huy cao nhất như Dũng hay các anh em khác. Dũng đã có gia đình, vợ con anh hiện ở Thành phố Thanh Hóa. Vì nhiệm vụ và công việc chỉ huy bận rộn, những lần về nhà cũng chỉ là những chuyến về tranh thủ vội vã hoặc kết hợp vào đất liền vì công việc đơn vị. Một điều khiến Dũng yên tâm công tác đó là sự giúp đỡ, hậu thuẫn từ gia đình, bố mẹ và nhất là vợ anh đã luôn ủng hộ chồng phát triển sự nghiệp.

Tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mê được thành lập ngày 26 tháng 3 năm 1965, đúng ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ra đời trong những ngày cuộc Kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt, Mĩ leo thang đánh phá miền Bắc, cán bộ chiến sĩ đơn vị đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm chống Mĩ, Tiểu đoàn đã đánh 2.000 trận lớn nhỏ, bắn rơi 33 máy bay, bắn chìm 18 tàu chiến Mĩ. Chỉ 4 năm sau khi thành lập, năm 1969, Tiểu đoàn Hỗn hợp Đảo Mê đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Thế hệ như Đại úy Lê Việt Dũng đại diện cho tuổi trẻ hôm nay tiếp tục duy trì thế trận Đảo Mê, vững vàng nơi đầu sóng bảo vệ quê hương đất nước. Anh chia sẻ, nhiệm vụ bảo vệ biển đảo là thiêng liêng cao cả, nhiều anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, ngã xuống trên đảo, thế hệ những người lính Đảo Mê hôm nay sẽ phát huy truyền thống ấy, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiện Nguyễn (Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quoc-phong-an-ninh/thu-linh-tre-tren-tuyen-dau-bien-dao-xu-thanh/202151.htm