Thu hẹp khoảng cách từ huyện lên phố
ĐBP - Sáp nhập về TP. Ðiện Biên Phủ, 4 xã: Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng, Pá Khoang đang được quan tâm đầu tư về mọi mặt, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới, rút ngắn khoảng cách giữa các xã, phường trên địa bàn thành phố.
Các công trình mới được xây dựng ở Mường Phăng. Ảnh: Xuân Tư
Bước sang năm 2021, cán bộ và nhân dân xã Mường Phăng phấn khởi khi hàng loạt công trình, dự án mà người dân mong mỏi, kiến nghị bao lâu nay chuẩn bị được khởi công xây dựng. Nào là đường điện sinh hoạt bản Co Líu; đường bê tông nội bản Lóng Luông 2, Khẩu Cắm, Tân Bình; đường bê tông liên bản Khẩu Cắm - Co Luống, kênh thủy lợi Nậm Liếng (bản Che Căn) và sửa chữa trụ sở, nhà văn hóa xã. Tổng mức đầu tư được phân bổ năm 2021 là 9 tỷ đồng. Ðây là số vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhiều nhất từ trước đến giờ xã được phân bổ trong 1 năm, gấp 6 - 7 lần những năm trước. Các con đường nội bản, liên bản là đường đất nay sắp được bê tông hóa sạch đẹp. Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: “Các bản được làm đường đã tổ chức họp dân phổ biến triển khai. Bà con đều đồng tình ủng hộ và sẵn sàng góp công, hiến đất để làm đường. Dự kiến sẽ làm đường rộng 3m để thuận lợi đi lại, chở nông sản, nguyên vật liệu xây dựng cho các hộ dân. Năm 2018, Mường Phăng cơ bản về đích nông thôn mới, còn 4 chỉ tiêu nhỏ chưa đạt, trong đó có đường liên thôn, bản. Với sự đầu tư lớn năm 2021, tiêu chí này sẽ được hoàn thiện, nâng cao”.
Vui nhất xã Mường Phăng có lẽ là người dân bản Co Líu, bởi được đầu tư đường điện sinh hoạt với tổng mức duyệt là 1,5 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2021 được phân bổ 500 triệu đồng. Bản Co Líu nằm ngay mặt đường Nà Nhạn - Mường Phăng, dẫn vào di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Người dân đến đây lập bản từ năm 1979 nhưng đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Anh Lò Văn Thiên, Trưởng bản cho biết: “Tùy vào điều kiện mà 26 hộ gia đình của Co Líu sử dụng điện nước hoặc bình nạp năng lượng. Phải dùng tiết kiệm, chỉ thắp sáng và sạc điện thoại, đặc biệt là vào mùa khô ít nước thì chỉ dám thắp sáng 1 - 2 tiếng buổi tối. Nằm ngay mặt đường, có nhiều đường điện kéo qua mà cả bản lại không có điện nên bà con đã kiến nghị nhiều lần. Biết sắp được đầu tư đường điện, ai nấy đều vui mừng, mong nhanh chóng xây dựng, lắp đặt xong để không phải sống trong bóng tối, có thể mua sắm ti vi, đồ điện về sử dụng bắt kịp với các bản khác”.
Xã Nà Tấu cũng được đầu tư nhiều công trình với phân bổ vốn năm 2021 là 11,6 tỷ đồng. Ngay khi sáp nhập, Phòng Kinh tế thành phố đã phối hợp với xã khảo sát nhu cầu đầu tư tại địa bàn. Theo Chủ tịch UBND xã Nà Tấu Lò Văn Toản: “Sáp nhập vào thành phố, Nà Tấu được quan tâm, tạo điều kiện phát triển hơn với nguồn đầu tư lớn. Các công trình được đầu tư năm nay đã đáp ứng 80% nhu cầu so với khảo sát trước đó, các tuyến đường và kênh mương chính đều được phân bổ vốn xây dựng, chỉ còn các tuyến nhỏ, đường ngõ, nhánh”. Trên địa bàn xã đang chuẩn bị khởi công 5 công trình, bao gồm: Ðường bê tông bản Hua Rốm, kênh mương bản Cang, thủy lợi bản Phiêng Ban, đường bê tông liên bản Nà Tấu 1 - Nà Tấu 2, Hồng Líu - Pá Khôm. Ðó đều là những công trình người dân mong mỏi từ lâu. Như đường liên bản Nà Tấu 1 - Nà Tấu 2 vốn là đường đất, dự kiến sẽ bê tông hóa dài 1,2km, rộng 2,5m, nối 2 bản với trên 100 hộ và dẫn vào khu nương, ruộng, làm kinh tế của bà con. Chủ tịch UBND xã Lò Văn Toản thông tin thêm: “Các bước triển khai đến người dân đã xong, đơn vị thi công cũng đã hoàn thiện thủ tục giấy tờ, sẵn sàng khởi công”.
Theo kế hoạch đầu tư công năm 2021 của TP. Ðiện Biên Phủ, 4 xã mới sáp nhập (Nà Nhạn, Nà Tấu, Pá Khoang, Mường Phăng) được đầu tư xây dựng 30 danh mục dự án với kế hoạch vốn gần 36,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Các công trình chủ yếu là cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, như: Ðường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, đường điện sinh hoạt; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công sở, trường học... Trước đó, khi 4 xã sáp nhập năm 2020 là năm cuối của giai đoạn đầu tư công (2016 - 2020) nên khó bố trí vốn ngay, và các xã vẫn thực hiện tiếp nhận đầu tư từ huyện Ðiện Biên nhưng thành phố đã tận dụng các nguồn lực để quan tâm, phân bổ 3,5 tỷ đồng cho 6 công trình thiết yếu tại 4 xã. Bà Ðặng Thị Hường, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố, chia sẻ: “Mặc dù khó khăn, hạn chế nguồn lực nhưng thành phố vẫn đặc biệt quan tâm, ưu tiên hết mức cho 5 xã của thành phố nói chung, 4 xã mới sáp nhập nói riêng, dựa trên khảo sát nhu cầu và tình hình thực tế của từng xã”. Với sự “chịu chi” của thành phố, khoảng cách giữa vùng trong - vùng ngoài có thể được thu hẹp nhanh hơn, tạo sự phát triển đồng đều, mang lại diện mạo mới khang trang, đủ đầy cho 4 xã từ huyện lên phố nói riêng, TP. Ðiện Biên Phủ nói chung.