Thông tấn xã Giải phóng: Xứng danh anh hùng (Bài 2: Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh)

Trong suốt 15 năm chiến tranh ác liệt (1960-1975), Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đã phải thay đổi, di chuyển căn cứ hàng chục lần: khi ở chiến khu Tây Ninh (1960), lúc dời sang Mã Đà thuộc chiến khu Đ (1961), rồi quay lại Tây Ninh (1961), có lúc phải đóng ở giáp biên giới Campuchia và thậm chí còn ở tạm trên đất Campuchia khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương (1971), lại trở về chiến khu Lò Gò (Tây Ninh) sau Hiệp định Paris được ký kết (1973) và đóng ở đây cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong hoàn cảnh bom đạn ác liệt, các phân xã TTXGP trên toàn miền Nam cũng liên tục thay đổi trụ sở do bị Mỹ- ngụy tấn công tận nơi làm việc. Ở khu V, TTXGP Trung Trung bộ cũng phải dời địa điểm nhiều lần theo Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V, lúc ở Tắk Pỏ hay Nước Là (H. Trà My, Quảng Nam). Sau đó chuyển theo Khu ủy khu V về tại Nước Oa (H. Trà My, nay là H. Bắc Trà My). Từ năm 1973, TTXGP Trung Trung bộ chuyển đến trú đóng gần Khu ủy khu V tại xã Phước Trà (H. Phước Sơn, nay là xã Sông Trà, H. Hiệp Đức, Quảng Nam) và đóng tại đây cho đến ngày giải phóng.

Giải phóng Huế (ảnh TTXGP).

Ngay sau khi ra đời, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực, phương tiện kỹ thuật và phải hoạt động trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, nhưng TTXGP đã trụ vững và trưởng thành, không ngừng phát triển cả về tổ chức và lực lượng trên khắp miền Nam. Về tổ chức, TTXGP có bộ phận Tổng xã ở chiến khu Dương Minh Châu (mật danh R) và các phân xã ở các khu vực trong toàn miền Nam. Tổng xã TTXGP có các bộ phận: nghiệp vụ tin (B7), ảnh (B22), kỹ thuật điện báo (B8), đào tạo (B23). Ngoài ra còn có bộ phận chuyên trách theo dõi, tổng hợp nguồn tin của các hãng thông tấn trên thế giới như AP (Mỹ), Reuters (Anh), AFP (Pháp), Kyodo (Nhật)... để làm tin tham khảo, làm báo cáo nội bộ cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao... Trong từng bộ phận cũng chia thành nhiều đơn vị chuyên sâu như Phòng Nhiếp ảnh Giải phóng; các phòng Tin thế giới, Tin trong nước, Tin đối ngoại, Tin quân sự, Tin chính trị, Tin binh vận, Tin đô thị... Bộ phận kỹ thuật, điện báo. Ngoài ra, ở Tổng xã của TTXGP còn có bộ phận điện đàm đặc biệt phục vụ riêng Ban Tuyên huấn các khu và Thường vụ T.Ư Cục miền Nam.

Ở chiến trường khu V, ngay từ cuối năm 1960, TTXGP Trung Trung bộ đã có hai bộ phận nghiệp vụ: Bộ phận thông tin (viết tin, bài và chụp ảnh), do đồng chí Võ Thế Ái phụ trách thuộc sự quản lý của Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V; Bộ phận kỹ thuật - đài minh ngữ (đài truyền tin bằng chữ công khai, không qua mật mã) do đồng chí Thái Mật phụ trách, thuộc Cụm điện đài Văn phòng Khu ủy khu V. Tháng 4-1961, đồng chí Thái Mật chuyển công tác ra Bắc, đồng chí Nguyễn Hồng Sinh phụ trách đài cho đến ngày giải phóng... Nhiệm vụ của đài minh ngữ là phát tin tức từ chiến trường về VNTTX ở Hà Nội và cho TTXGP ở Tây Ninh để báo cáo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cung cấp tin, ảnh cho các cơ quan thông tấn báo chí (tùy theo đối tượng), đồng thời thu tin tham khảo từ VNTTX chuyển vào cung cấp cho các đồng chí lãnh đạo Khu ủy khu V phục vụ công tác nghiên cứu, nắm bắt tình hình, chỉ đạo ở chiến trường. Để mở rộng địa bàn hoạt động của TTXGP ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, ngày 30-4-1968, VNTTX ở Hà Nội tăng cường đồng chí Vũ Đảo (trưởng đoàn) và 7 phóng viên, kỹ thuật viên vào công tác tại liên tỉnh Phú YênKhánh Hòa. Tại mặt trận Quảng Đà, trong các năm 1968-1970, VNTTX đã tăng cường lực lượng phóng viên từ Hà Nội vào, gồm các nhà báo Đinh Trọng Quyền (Tổ trưởng), Trần Mai Hạnh, Lương Thế Trung, Nguyễn Quốc Toản và các điện báo viên Ngọc Thạch, kỹ thuật viên buồng tối Bùi Đức Mẫn hoạt động dưới sự chỉ đạo của đặc khu Quảng Đà, Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V.

Qua nhiều lần bổ sung nhân lực, vật lực, từ năm 1971 đến đầu năm 1973, khi được tăng cường thiết bị kỹ thuật mới từ miền Bắc vào, TTXGP ở khu vực miền Trung Trung bộ có số lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tăng lên nhiều (riêng chiến trường khu V có 116 người, Trị Thiên- Huế 40 người), đó là chưa kể các đợt có các đoàn phóng viên đi theo các chiến dịch, năng lực tác nghiệp gần bằng Tổng xã TTXGP tại Tây Ninh.

Trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, lực lượng của TTXGP vẫn ngày một lớn mạnh, được tôi luyện qua từng trận đánh, khắp các chiến trường. Năm 1966, VNTTX tiếp tục chi viện cho TTXGP một đội ngũ phóng viên có trình độ đại học, kịp thời bổ sung cho các ban biên tập và các phân xã địa phương và có lực lượng dự phòng đi các chiến trường khi cần thiết. Với lực lượng phóng viên, biên tập viên và điện báo viên được tăng cường, TTXGP đã phát triển mạnh mẽ. Cùng với bộ phận Tổng xã ở chiến khu R, TTXGP còn có hệ thống thông tấn báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Đảng ở khắp các khu, tỉnh thành miền Nam, từ đất mũi Cà Mau ra tận Quảng Trị và Cục Chính trị quân giải phóng miền nên đã thường xuyên cử phóng viên, điện báo viên đi tiền phương theo các mũi tiến công của bộ đội trên các mặt trận và các chiến trường trọng điểm.

Trong 2 năm 1971-1972, VNTTX tăng cường hàng chục phóng viên, điện báo viên được cử đi các mặt trận Quảng Đà, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum... Chiến dịch Xuân hè 1972 tại Quảng Trị, VNTTX đã cử phóng viên đi theo các đơn vị quân đội, và cử phóng viên từ Phân xã Vĩnh Linh vào vừa đưa tin ảnh giải phóng Quảng Trị, vừa đưa tin ảnh Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Cũng trong chiến dịch Xuân hè, phóng viên TTXGP có mặt trong các mặt trận Tây Nguyên như Đắk Tô, Tân Cảnh, Kon Tum. Mùa Xuân 1975, trước trận đánh Buôn Ma Thuột, mở màn cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, lực lượng tại chỗ của TTXGP ở Tây Nguyên đã có không dưới 10 phóng viên và kỹ thuật viên kịp thời theo sát các cánh quân của chiến dịch.

...Trong nửa đầu năm 1973, ngay sau khi Hiệp định Paris vừa được ký kết, một đoàn 108 phóng viên trẻ tốt nghiệp các trường đại học Ngoại giao, Tổng hợp, Ngoại ngữ và được bồi dưỡng nghiệp vụ phóng viên tin - ảnh tại VNTTX (khóa GP10) đã chi viện cho TTXGP từ Quảng Trị trở vào các tỉnh Nam bộ. Đây là khóa đào tạo dành riêng cho Giải phóng xã nên lấy tên là GP, ghép lại thành GP10. Lớp này là lớp đào tạo phóng viên đi B cuối cùng, có lượng phóng viên đông đảo, có trình độ học vấn cơ bản và có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển của TTXVN. Tiếp theo đoàn chi viện lớn này, từ cuối 1973, năm 1974 và đầu năm 1975, VNTTX tiếp tục cử thêm các đoàn kỹ thuật viên, điện báo viên liên tục vào chi viện cho TTXGP. Theo thống kê, từ năm 1959 đến năm 1975, VNTTX đã cử vào chiến trường gần 450 người.

Với khẩu hiệu "Làn sóng điện không bao giờ tắt", từ lúc ra đời chỉ có một số máy phát 15W, TTXGP không ngừng nỗ lực vượt khó, cải tiến phương tiện kỹ thuật tại chỗ và tiếp nhận các phương tiện kỹ thuật mới được tăng cường, hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Nhờ vậy, TTXGP nhanh chóng trở thành cơ quan thông tấn có phương tiện kỹ thuật tốt và có tính bảo mật cao nhất trong khối thông tin báo chí cách mạng ở miền Nam lúc bấy giờ.

Với những phương tiện kỹ thuật hiện đại được tăng cường, các cán bộ, nhân viên kỹ thuật TTXGP nhanh chóng triển khai lực lượng, thiết lập một hệ thống thiết bị kỹ thuật mạnh, mở ra bước ngoặt mới mang tính đột phá, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu thu phát tin, ảnh thông suốt, nhanh nhạy và chính xác từ căn cứ T.Ư Cục miền Nam với VNTTX ở Thủ đô Hà Nội, chuẩn bị sẵn sàng phục vụ cho giai đoạn cách mạng mới: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

(còn nữa)

NGÔ ANH VĂN (Sưu tầm và biên soạn theo tư liệu của TTXVN)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_232931_thong-tan-xa-giai-phong-xung-danh-anh-hung-bai-2-truong-thanh-trong-khoi-lua-chien-tranh-.aspx