Thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII

Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ VXII nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 11 đến 13-10 đã thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ với 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, Nghị quyết tán thành những nội dung cơ bản đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI và mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm phát triển Thủ đô 5 năm 2020 - 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045 nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội.

Đánh giá tình hình 5 năm 2015-2020 nêu rõ: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt, nỗ lực, quyết tâm thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP đi vào cuộc sống. Thành ủy đã triển khai kịp thời, hiệu quả 8 chương trình công tác lớn toàn khóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

TP đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP. Ảnh: Vân Hà

TP đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP, có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó có 3 chỉ tiêu hoàn thành sớm 2 năm (chỉ tiêu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo).

Đại hội thông qua mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, trong đó có 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Mục tiêu tổng quát: Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP “xanh-thông minh-hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là TP kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

5 định hướng lớn gồm: Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn…

Tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển.

Phát triển nhanh và bền vững. Quản trị xã hội hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng…, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương, văn minh đô thị. Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn…

Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh toàn diện; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả.

3 khâu đột phá gồm: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô.

Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch… Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thong-qua-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tp-ha-noi-lan-thu-xvii-213600.html