Thống nhất quy định về di sản tư liệu trong hệ thống pháp luật

Sau 20 năm ban hành và hơn 10 năm sửa đổi, bổ sung, hiện Luật Di sản văn hóa đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn. Việc sửa đổi luật này được giao Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch chủ trì soạn thảo nhằm khắc phục bất cập, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức sáng 8/4, nhiều nội dung đáng chú ý trong Dự thảo luật đã được các đại biểu bàn thảo, cho ý kiến.

Bố cục của dự thảo luật Di sản văn hóa sửa đổi gồm 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Dự thảo Luật tập trung vào 3 chính sách: 1 là hoàn thiện các quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; 2 là nâng cao chất lượng đội quản lý nhà nước về di sản; 3 là tăng cường xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất là dự thảo Luật di sản văn hóa sửa đổi chưa có sự thống nhất với Luật lưu trữ sửa đổi trong xác định di sản tư liệu. Di sản tư liệu có thể là mộc bản, bút tích, cuốn sách, bộ phim, bức ảnh,… Xác định khái niệm này trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi sẽ dẫn đến các biện pháp bảo tồn tương ứng với các bảo vật, di sản. Tuy nhiên, Đại diện Bộ Nội vụ, đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Lưu trữ sửa đổi viện dẫn kinh nghiệm Quốc tế cho rằng tất cả di sản là tài liệu lưu trữ thì phải được thực hiện theo luật lưu trữ.

Việc quản lý di sản tư liệu hiện chưa có kinh nghiệm, cơ sở quản lý, có khả năng chỉ đi vào luật một cách chung chung mà không bảo tồn được. Vì vậy, cơ quan soạn thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi cho rằng cần phải đưa khái niệm này vào luật.

Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá 2 khái niệm này có thể được điều chỉnh ở cả 2 luật, miễn là thống nhất về nguyên tắc ứng xử.

Bên cạnh đó, các tư liệu hiện nay tại các cơ sở lưu trữ cũng chưa được bảo vệ đầy đủ. Việc có thêm biện pháp bảo tồn từ khía cạnh di sản là điều đáng khích lệ. Điểm thuận lợi là 2 dự thảo Luật này đang cùng trong thời gian soạn thảo, chỉnh lý, vì vậy có thể thống nhất để sửa đổi tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Đỗ Minh - Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thong-nhat-quy-dinh-ve-di-san-tu-lieu-trong-he-thong-phap-luat-217533.htm