Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ: Mầm hy vọng trong sâu thẳm nỗi buồn

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ tên thật là Nguyễn Văn Bổn, quê ở Giao Thủy, Đại Lộc, Quảng Nam. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm và cử nhân Văn khoa Huế.

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ tên thật là Nguyễn Văn Bổn, quê ở Giao Thủy, Đại Lộc, Quảng Nam. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm và cử nhân Văn khoa Huế. Giải thích về bút danh hiện nay, Tần Hoài Dạ Vũ cho biết: khi học lớp 9, anh có thơ in trên tờ Văn nghệ tiền phong (Sài Gòn) với bút danh "Tần Hoài", ngụ ý nhớ quê mẹ. Ấy là anh mượn điển tích bên Tàu liên quan đến Địch Nhân Kiệt trong câu "Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại" (Mây bay ngang núi Tần Lĩnh không biết nhà ta nơi nào), và cũng phảng phất thi hứng vong quốc hận từ bài "Bạc Tần Hoài" danh tiếng của Đỗ Mục. Ra Huế, đêm nằm trên căn gác nghe mưa càng nhớ quê, nhà thơ thêm vào bút danh 2 chữ "Dạ Vũ". Anh còn có các bút danh khác: Nguyễn Giao Thủy, Nguyễn Kim Vân. Tần Hoài Dạ Vũ đã ấn hành các tập thơ như: Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ (năm 1992), Suy niệm hoàng hôn (năm 2005), Ngọn lửa hiu quạnh (năm 1996), Tình yêu và vầng trăng lửa (năm 1997), Tình ca trong mưa (năm 2011)...

Ấn tượng đầu tiên khi cầm tập Thơ Tần Hoài Dạ Vu (Nhà XB Hội nhà văn-tháng 10-2016), đó là tập sách mang một hình thức khá lạ so với các tuyển tập thơ thường thấy. Việc đưa chân dung ảnh của tác giả lấp kín trang bìa làm gợi nhớ đến những tập sách Pháp dành cho các tác giả kinh điển như: Marcel Proust, Chekhov, Maxim Gorky, Hemingway, Tagore... Những phụ bản tranh phần lớn là các họa phẩm của các họa sĩ thân hữu tên tuổi: Chóe, Duy Ninh, Hoàng Đặng, Vũ Dương, Nguyễn Trọng Dũng, Trịnh Cung, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường... được tác giả lưu giữ. Khổ sách vuông vắn, số trang dày dặn (350 trang) và số lượng tác phẩm (180 bài) cũng là điều ít thấy ở các tập thơ... Tác phẩm mới của Tần Hoài Dạ Vũ lần này được tác giả cho biết, là tuyển tập thơ tuyển chọn tâm đắc nhất trong suốt quá trình sáng tác của anh. Nội dung tác phẩm chia thành 4 phần: Thơ gởi nỗi buồn, Thơ tình không có tuổi, Thơ đi tìm sự thanh bình. Thơ tặng lòng bao dung. Tuy nhiên, nhìn chung, tổng thể tác phẩm vẫn xoay quanh những chủ đề tình yêu, triết luận, hoài niệm quê nhà, và đọng lại... sâu thẳm một nỗi buồn. Theo nhận định của GS.TSKH Lê Ngọc Trà: "Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ là ký ức, là hoài niệm về tình yêu. Âm điệu chính trong thơ anh là nỗi buồn và tự vấn. Ngay những bài thơ viết hồi tuổi đôi mươi cũng đã rất buồn...". Nhà thơ Nguyễn Trác có lần nói: "Hồi còn ở Đà Nẵng tôi nhiều lần ngồi uống cà-phê và nghe thơ với Tần Hoài Dạ Vũ. Anh tên thật là Nguyễn Văn Bổn, hơn tôi 2 tuổi, người Đại Lộc, miền bán sơn địa Quảng Nam. Thơ Tần Hoài Dạ Vũ tài hoa và khá hiện đại. Nhưng cả thơ và cuộc đời anh, cũng buồn như đêm mưa trong bút danh ấy". Thật vậy, nỗi buồn trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ dường như đã đến với tác giả từ trong tiềm thức xa xăm, từ thuở nằm nôi: "Có mùa xuân rất vội/ Gọi nắng phía chân trời? Đâu hay lòng cũng vội/ Buồn khi còn trong nôi" (Mùa xuân rất vội). Nó đến với anh bao trùm mọi lúc mọi nơi: "Xổ nỗi buồn làm chăn/ Đắp hồn chiều giá rét... "(Bàn tay đợi nắng). Có khi là: "Anh nhúng một chân xuống dòng sông/ toàn thân bốc lên nỗi buồn tàn tạ" (Giấc mơ), và dự báo: "Tiệc đời khi đã mãn/ Nỗi buồn gởi về đâu/ Về trong nấm mộ nhỏ/ Đêm bao giờ thôi sâu?" (Bi ca).

Ở bài thơ Chiều mưa uống rượu nổi tiếng, được nhiều người ưa thích, viết từ thời trai trẻ có những đoạn như: "Buồn xuống ngang vai chiều tới chậm/ lòng tôi mưa bụi nữa đấy em/ không chắc đêm nay mà ngủ được/ rượu tàn không ấm nhớ không tên", "Dừng chân dưới cột đèn châm thuốc/ không gió mà tay lạnh rất đầy/ mùa thu về nữa trên cây lá/ mai mốt sẽ buồn như heo may"... Hoặc ở bài Nằm bệnh, nửa đêm dậy uống rượu, nỗi buồn cũng hiển hiện hòa lẫn cơn say: "Ta say, bệnh cũng say ừ nhỉ (!)/ buồn cũng say luôn giữa chiếu ngồi"... Một người bạn, người đồng nghiệp thân thiết của Tần Hoài Dạ Vũ, nhà thơ Lê Nhược Thủy nhận xét: "Tần Hoài Dạ Vũ làm thơ và dường như còn làm công việc của kẻ vác thánh giá đi khắp nơi rao giảng tình yêu một cách tận tụy, đáng mến và luôn khao khát vươn tới ôm choàng cái chớp sáng của hạnh phúc, vì vậy, tình yêu trong thơ anh trở thành một cuộc hành trình tìm kiếm, lặng lẽ mà đau xót. Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ là những giai điệu rung lên ở cái biên giới đầy hư thực ấy". Còn Tần Hoài Dạ Vũ thì nêu quan niệm về thi ca của mình: "Theo tôi, làm thơ là phải luôn luôn hiện-tại-hóa những gì đã sống. Chính vì vậy mà nhà thơ là người phải đau hai lần nỗi đau, vui đến hai lần niềm vui, bồi hồi đến hai lần nỗi bồi hồi thương nhớ của mình. Mà thơ tình thường mấy có khi vui! Và như thế, có nghĩa nhà thơ hầu như phải sống thường trực với nỗi cô đơn và những cơn đau của đời mình".

Tuy nhiên, cơn đau, nỗi buồn trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ không phải là nỗi niềm tuyệt vọng, bế tắc khôn cùng. Bởi: "Em, chỉ có em là tình yêu mãi mãi/ Vì em/là nỗi buồn sâu thẳm trong tâm hồn tôi" (Nỗi-buồn-tình-nhân). TS Phạm Thị Ly cho rằng: "Nỗi buồn của thơ anh không xuất phát từ cái nhìn bi quan về cuộc sống... Nỗi buồn trong thơ anh là khát vọng về tình yêu và cái đẹp, là ưu tư về thân phận con người, là những vật vã của tâm hồn trong cơn sinh thành những cảm nhận về cuộc sống, những suy tưởng và sáng tạo...". Trong phần tựa Thư gởi người bạn mai sau, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ viết: "Hãy cho tôi xin một cốc rượu đầy của sự lãng quên, mà chút bọt sôi trong lòng cốc là âm thanh ray rứt vọng lại từ những tháng ngày quá khứ. Rồi chìm tan. Trong hồn tôi sẽ không còn gì nữa, cho dù chỉ là một gợn sóng nhỏ của viên sỏi trót lỡ tay đánh rơi trên mặt hồ lạnh, hay tiếng hót xa vắng của một loài chim lạ nửa khuya về sáng vào những đêm chợt bàng hoàng tỉnh thức".

Anh cũng gởi lời nhắn nhủ: "Hỡi người bạn trẻ đang đọc thơ tôi, bạn thấy chưa, đi không phải chỉ để đến, mà còn để ở lại. Tôi muốn xác lập một hy vọng đích thực giữa cuộc đời này. Ta phải nằm thật chính giữa cuộc đời này, mới có thẩm quyền gửi những tình cảm và ước vọng của ta vào cuộc đời đó".

T.T.S

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_157941_tho-ti-nh-ta-n-hoa-i-da-vu-ma-m-hy-vo-ng-trong-sau.aspx