Thiếu kinh phí 'làm khó' nỗ lực thông đường do thiên tai

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, ngành đường bộ đã triển khai nhiều giải pháp như xây dựng kịch bản ứng phó, ứng dụng công nghệ chống sạt lở… nhưng lại không đủ nguồn vốn thực hiện.

Đợt mưa lũ hồi cuối tháng 7 vừa qua khiến giao thông nhiều đoạn QL6 tê liệt (Trong ảnh: Lực lượng chức năng vất vả thu dọn bùn đất chảy xuống từ taluy dương đoạn Km 199+791 QL6) - Ảnh: Tùng Minh

Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm

Thống kê của Tổng cục Đường bộ VN, chỉ tính riêng thiệt hại về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, năm 2017, mưa lũ đã gây sạt lở hơn 3,6 triệu m3 taluy dương, đứt gần 160m đường, hư hỏng gần 900.000m2 đường khác và hỏng 10 cây cầu, hơn 5.200m hộ lan. Riêng tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tới 25 vị trí sạt lở.

Mới đây nhất, hoàn lưu cơn bão số 3 gây mưa lớn từ ngày 18 - 19/7 vừa qua tại các tỉnh khu vực Bắc bộ cũng làm ngập lụt và sạt lở taluy dương, ta luy âm của nhiều tuyến quốc lộ. Hàng loạt vị trí taluy trên các tuyến QL15 và QL15C (tỉnh Thanh Hóa) bị sạt lở, gây tắc nghẽn giao thông, chia cắt một số địa bàn trọng yếu.

"Khi ngân sách còn khó khăn, việc bố trí đầu tư cho hạ tầng phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu có thể chưa đạt được những mục tiêu mong muốn. Nhưng xây dựng các kịch bản ứng phó khi có sự cố xảy ra và chủ động dự báo sớm, chi tiết đến từng khu vực là những yêu cầu không thể chậm trễ để có thể chủ động phòng tránh và giảm thiểu những thiệt hại không mong muốn về hạ tầng giao thông”.

Ông Nguyễn Xuân Cường
Phó tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

Ông Trần Bá Đạt, Phó ban thường trực Ban Phòng chống thiên tai (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, tổng thiệt hại cho việc khắc phục những sự cố, sạt lở trên khoảng 500 - 700 tỷ đồng/năm.

“Kinh phí để khắc phục được lấy từ nguồn vốn bảo trì của Tổng cục Đường bộ VN. Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch, Tổng cục Đường bộ VN đã trích khoảng 5-10% kinh phí của quỹ phục vụ công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, con số này chưa đáp ứng yêu cầu sửa chữa bước 1 và kiên cố hóa bước 2 hư hỏng do bão lũ”, ông Đạt nói.

Ông Uông Huy Hoàng, Giám đốc Công ty CP Vận hành và Bảo trì đường cao tốc VN (VEC O&M thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN) cho hay, dù còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi khi có sự cố, thiên tai đe dọa nguy cơ mất ATGT trên cao tốc, các lực lượng sẽ kịp thời ứng trực kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Ở góc độ chuyên gia, ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích cơ sở dữ liệu ATGT (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) cho rằng, ở nhiều nơi hiện chưa soạn được những “kịch bản” ứng phó đối với từng loại hình thiên tai. Việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, cụ thể hóa được các tình huống, kịch bản sát thực tế để có phương án ứng phó phù hợp, nhất là phương châm “4 tại chỗ” chưa quan tâm đúng mức. Trong khi đó, công tác dự báo thời tiết vẫn chưa chính xác, chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Có rất nhiều thứ phải làm, nhưng 3 điều quan trọng nhất khi bàn giải pháp ứng phó thiên tai thảm họa là hoàn thiện về hạ tầng phòng chống thiên tai, xây dựng kịch bản ứng phó và nâng cao chất lượng công tác dự báo”, ông Đạt nói.

Hàng nghìn m3 đá rơi xuống sau mưa lũ phá hủy kết cấu hạ tầng đường tỉnh 129 (Lai Châu) vào tháng 6/2018 - Ảnh: Yến Chi

Có công nghệ nhưng thiếu kinh phí

Nói về công tác ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm thiểu hậu quả của thiên tai, ông Uông Huy Hoàng cho biết, đối với mái taluy các tuyến đường của VEC hầu hết được gia cường bằng các vật liệu mới có tính bền vững như hệ thống mỏ neo gia cường hoặc trồng các loại cây có khả năng bám rễ để giữ được mái taluy ổn định chống trôi, trượt. Với hệ thống mặt đường được phủ vật liệu có khả năng chịu được sự thay đổi nhiệt độ một cách bất thường.

Đề cập kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực GTVT, ông Trần Bá Đạt cho biết, tổng cục đang quản lý, bảo trì khoảng 24.600km. “Trước mỗi mùa mưa lũ, Tổng cục Đường bộ VN đều có kế hoạch triển khai đến các đơn vị, yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch đảm bảo giao thông. Thực tế, các đơn vị đều nắm rõ các vị trí xung yếu thường xuyên ngập lụt, dễ sạt lở, đứt đường gây ách tắc. Do vậy, tổng cục yêu cầu các đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ để phân luồng khi có ách tắc giao thông trong khu vực. Ngoài ra, đơn vị quản lý bảo trì các tuyến đường cũng có nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch để huy động 4 tại chỗ khi có sự cố xảy ra. Tuy đã có kịch bản đối phó theo từng địa bàn nhưng thường kịch bản không sát được so với thực tế do bão lũ xảy ra”, ông Đạt cho biết.

“Việc phòng chống thiên tai bão lũ hàng năm được tổng cục tổng kết, rút kinh nghiệm đồng thời có những chỉ đạo ngay đầu mùa mưa, lũ. Tổng cục đã xây dựng tất cả các kịch bản có thể xảy ra tại mùa mưa đối với từng tuyến quốc lộ, từ đó đưa ra phương án đối phó phù hợp với từng kịch bản cũng như phương án phân luồng giao thông. Khi xảy ra các sự cố làm sao có thể thông xe sớm nhất.

“Các đơn vị quản lý đường cũng rà soát lại các điểm trọng yếu của từng quốc lộ. Tận dụng tối đa phương châm 4 tại chỗ (nhân lực tại chỗ; vật tư, vật liệu tại chỗ; máy móc thiết bị tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) sẽ có sự chủ động trong việc xử lý các sự cố xảy ra khi mưa, lũ về đối với hệ thống quốc lộ”, ông Đạt nói.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, nhiều năm qua, việc áp dụng các tiến bộ khoa học mới đã được thực hiện vào việc duy tu, duy trì hệ thống đường bộ trên cả nước. Chẳng hạn như, việc dùng neo giữ mái ổn định hoặc trồng cỏ vetiver để giữ mái dốc ta-luy.

“Tổng cục cũng đã khảo sát, dự báo những điểm có nguy cơ sạt lở, đứt đường nhưng để ứng dụng công nghệ, kiên cố hóa phòng tránh thường tốn nguồn kinh phí rất lớn và theo quy trình của dự án xây dựng cơ bản. Ví dụ, như dự án kiên cố hóa các điểm sạt lở trên QL6 vừa được thực hiện kinh phí đã lên đến cả nghìn tỷ đồng. Công nghệ hoàn toàn có thể đáp ứng được nhưng để kiên cố hóa hàng trăm điểm trên hệ thống quốc lộ, nhất là các tỉnh miền núi để giảm thiểu thiệt hại phải cần nguồn vốn rất lớn”, ông Cường nói.

Trần Duy

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/thieu-kinh-phi-lam-kho-no-luc-thong-duong-do-thien-tai-d271583.html