Thiếu bảo hộ lao động, nhiều người tàn phế

Không chỉ công nhân, tạp vụ bị máy cưa, máy xay thịt nghiền nát bàn tay mà còn hàng loạt thợ hồ cũng bị dập phổi, chấn thương sọ não vì rơi từ giàn giáo các tòa nhà cao tầng xuống đất bị thương nặng.

Máy cưa, máy xay thịt nghiền nát bàn tay

Mỗi năm có hàng chục bệnh nhân phải vào viện vì bị máy xay thịt, máy quay nước mía nghiền nát bàn tay.

Bác sĩ Võ Hòa Khánh, Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM kể, từng tiếp nhận công nhân 54 tuổi bị máy cưa cắt đứt lìa bàn tay trái. Các bác sĩ phải mất 6 tiếng để phẫu thuật kết hợp xương, nối ghép vi phẫu động, tĩnh mạch, thần kinh các ngón tay dưới kính hiển vi, nối gân gấp và gân duỗi bàn tay cho bệnh nhân.

Công nhân bị máy cưa cắt đứt lìa bàn tay.

Bà Thu (55 tuổi, ở quận 12), phải mang bàn tay bị kẹt trong máy xay thịt tới bệnh viện. Các ngón tay bệnh nhân bị dập nát nằm ở đầu ra của máy. Bệnh nhân cho biết đang làm ở công ty nấu suất ăn công nghiệp. Khi bà lấy tay bỏ miếng thịt vào cối xay. Khi máy xay thịt đang chạy, phụ nữ này đã thò tay vào cối xay và bị máy cuốn vào. Bàn tay của bệnh nhân đã bị dập nát không thể cứu vãn, các bác sĩ phải cắt bỏ đến cổ tay.

Trước đó, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cũng tiếp nhận chị L. bảo mẫu trường mầm non bị máy xay thịt cuốn chặt. Các ngón tay của bệnh nhân bị dập nát nên các bác sĩ phải mang luôn máy xay thịt cùng nạn nhân vào phòng mổ rồi tiến hành gây mê, phẫu thuật cắt bỏ 4 ngón tay.

Nữ công nhân bị máy xay thịt cuốn nát bàn tay

Chị L. cho biết do máy xay thịt bị lỏng nên người này muốn thao tác cho khớp lại. Tuy nhiên, vừa bấm công tắc điện thì tay chị này bị cuốn vào máy. Quá đau đớn và hoảng loạn, phụ nữ này hét to và được những người xung quanh ngắt điện đưa đi cấp cứu. Sau khi gây mê các bác sĩ đã tháo máy xay thịt ra khỏi tay bệnh nhân. Sau mổ bệnh nhân đối mặt với tình trạng nhiễm trùng vết thương phải cắt lọc da hoại tử.

Một bệnh nhân khác bị đứt lìa ngón tay do máy xay thịt cắt đứt, được các bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức phẫu thuật cố định xương gãy, khâu nối mạch máu, gân cơ.

Bác sĩ Lê Hoàng Văn Hải, trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình khuyến cáo việc nối lại chi chỉ có thể thực hiện thành công khi bệnh nhân đến sớm (tốt nhất trong vòng 3 giờ khi xảy ra sự cố). Phần chi đứt rời phải được bảo quản lạnh trong túi nylon, và phẫu thuật được thực hiện tại các cơ sở có đầy đủ trang thiết bị, cùng đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm.

Dập nội tạng, vỡ đầu vì ngã từ nhà cao tầng

Mới đây, Bệnh viện Quân Y 175, TP.HCM phải phẫu thuật lấy 2 thanh sắt đâm xuyên háng của C. (36 tuổi). Anh C. bị 2 thanh sắt dài đâm xuyên háng bên phải.

Các bác sĩ phải phẫu thuật khâu các vết thương ở đùi phải, háng phải, đùi trái, bẹn trái, vết thương thấu bụng. Hơn 1h30 phút sau, ca mổ thành công. Người bệnh cho biết làm thợ hồ xây dựng nhà cao tầng và ngã từ trên cao xuống.

Vài tháng trước, anh T.S (46 tuổi), cũng gặp nạn do ngã từ tầng 2 giàn giáo xuống đất. Sau khi rơi xuống, bệnh nhân nhanh chóng được các đồng nghiệp đưa vào bệnh viện quận Thủ Đức. Khám lâm sàng, chụp X-Quang, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị vỡ tá tràng, dập tụy, vỡ lách, rách mạc treo ruột non, xuất huyết ổ bụng lượng nhiều. Tình trạng này khiến các bác sĩ phải chuyển gấp bệnh nhân lên phòng mổ để tiến hành phẫu thuật khẩn cấp.

Một thợ hồ khác cũng rơi từ giàn giáo cao 5m xuống đất khi đang thi công nhà cao tầng ở TP.HCM. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng thở, chấn thương sọ não, xuất huyết não, vỡ xương hàm mặt, chảy máu mũi, gãy xương đùi.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho rằng nguyên nhân tai nạn lao động là do người lao động, mất chú ý, vi phạm nội quy, quy trình làm việc, không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân. Người sử dụng lao động không trang bị các thiết bị an toàn hoặc thiết bị không đảm bảo an toàn, không có phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

Như vậy, để hạn chế tai nạn lao động, cần nâng cao ý thức của cả người lao động và người sử dụng lao động về bảo hộ lao động.

NGUYỄN OANH

Năm 2017, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 1.492 vụ tai nạn lao động với 1.508 người bị nạn, trong đó có 102 người chết. Trong đó, có 71 vụ thuộc lĩnh vực thi công xây dựng, làm chết 66 người và bị thương nặng 4 người. Tổng thiệt hại do các vụ tai nạn lao động khoảng 19 tỷ đồng và mất 26.233 ngày nghỉ, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/thieu-bao-ho-lao-dong-nhieu-nguoi-tan-phe-9719.html