Thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu tổ chức triển lãm thư pháp ở Việt Nam

Lần đầu tiên tại Việt Nam, bộ sưu tập 90 bức thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh được trưng bày trong một cuộc triển lãm có chủ đề Hương thơm quê mẹ.

Không gian tầng 4 của nhà sách Hải An (2B Nguyễn Thị Minh Khai, Đa Kao, Q.1, TP.HCM) từ ngày 26.3.2021 đến hết ngày 5.4.2021 vô cùng trang nhã với những góc thiền tập, thưởng trà và với những “nhân vật chính” là các bức thư pháp của thiền sư. Đây là sự kiện nhân dịp ra mắt cuốn sách giai phẩm thư pháp Hương thơm quê mẹ của thiền sư Thích Nhất Hạnh (Phanbook và NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành).

Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Phanbook

Lễ khai mạc triển lãm đã diễn ra vào chiều 26.3 trong một không gian ấm cúng, yên ắng, không tiếng vỗ tay mà chỉ là những bàn tay tạo hình hoa nở sau mỗi bài thiền ca. Hàng trăm tăng thân, doanh nhân, trí thức... những người yêu mến tinh thần thiền tập của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có mặt thưởng lãm 90 bức thư pháp được viết bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hán...

Nhiều bài thơ, 145 cuốn sách đã được xuất bản tại Việt Nam của thiền sư cũng xuất hiện tại triển lãm. Đặc biệt, triển lãm cũng trưng bày những câu thư pháp Truyện Kiều được thiền sư viết như: Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao, Quanh co theo giải giang tân/ Khỏi rừng rau đã tới sân Phật đường, Trước sau cho vẹn một lời, Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Trong ngày khai mạc triển lãm, sư thầy Pháp Nguyện đã có buổi giới thiệu với giới truyền thông những câu thư pháp của thiền sư. Thầy là thị giả thân cận với sư ông Thích Nhất Hạnh trong 6 năm, từ 2008 đến 2014, là người phụ giúp cho sư ông trong công việc thư pháp.

Suốt thời gian thầy Pháp Nguyện làm thị giả cho sư ông, cũng là khoảng thời gian các triển lãm thư pháp của sư ông diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Thầy Pháp Nguyện cũng là một thành viên biên soạn cuốn sách Hương thơm quê mẹ và cũng là người tham gia tổ chức các sự kiện nhân dịp ra mắt cuốn sách và triển lãm thư pháp diễn ra tại Việt Nam.

Thầy Pháp Nguyện, thị giả thân cận với sư ông Thích Nhất Hạnh giới thiệu những câu thư pháp của thiền sư.

Cùng xuất hiện với sư thầy Pháp Nguyện còn có sư cô Chân Không (sinh năm 1938). Sư cô đã ngâm các bài thơ Việt, Anh của thiền sư. Sư cô Chân Không là người làm việc chặt chẽ với thiền sư trong việc sáng lập Làng Mai và giúp thực hiện các khóa tu tâm linh quốc tế.

Với sự kiện này, ban tổ chức cho biết, đây không chỉ là dịp để mọi người nhìn ngắm thư pháp mà trong suốt 9 ngày triển lãm còn có rất nhiều hoạt động diễn ra, các hoạt động này nhằm truyền tải tinh thần sống tỉnh thức mà sư ông đã dạy cho các học trò. Đó là các workshop giới thiệu sách, các buổi thiền tập, thiền ca.

Sư cô Chân Không ngâm các bài thơ Việt, Anh của thiền sư.

Một góc thú vị trong triển lãm là không gian trưng bày các pháp cụ trong thiền quán của thiền sư. Đây là góc không xuất hiện trong cuốn sách thư pháp Hương thơm quê mẹ mà người xem đến tận nơi mới có thể nhìn ngắm. Trong khoa học cũng như trong các pháp môn thực tập của đạo Bụt, có những phương pháp và công cụ được sử dụng nhằm giúp chúng ta kiểm nghiệm và khám phá thế giới, đồng thời giúp chúng ta hiểu hơn và đi tới một cái nhìn chính xác hơn về thực tại. Những đồ vật này đơn giản được sử dụng như những phương tiện minh họa, giúp chúng ta tiếp xúc được với chánh pháp và vượt thoát những ý niệm cũng như những ảo tưởng về thực tại. Triển lãm mô phỏng lại những dụng cụ thường được thiền sư sử dụng để giảng dạy trong nhiều năm qua.

Những pháp cụ được trưng bày gồm có: chuông nhỏ và dùi cui, cây bắp và hạt bắp, hộp diêm và ngọn lửa nhỏ, búa và đinh, bốn viên sỏi, thiền quýt.

Khu vực trưng bày 5 pháp cụ đặc biệt thường được thiền sư sử dụng để giảng dạy trong nhiều năm qua.

Thầy Pháp Nguyện giải thích, mỗi pháp cụ đều có một tác dụng trong cách sư thầy thiền và giảng dạy cho học trò. Ví dụ như cái chuông nhỏ và dùi cui – đây là pháp khí được sử dụng để giúp chúng ta dừng lại và tiếp xúc với giây phút hiện tại, trở về với hơi thở ý thức. Trong túi vải của thiền sư thường có một bao nhỏ đựng chuông và dùi thỉnh chuông. Thầy hay dùng chiếc chuông nhỏ này để dạy các em thiếu nhi cách thỉnh chuông và nghe chuông.

Hay hình ảnh cây bắp và hạt bắp, thiềnsư dùng hình ảnh này để giảng cho chúng ta về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta thường quên lãng và không muốn thừa nhận rằng chúng ta từng là một hạt giống, một cậu bé/cô bé sinh ra từ tế bào của cha và mẹ. Vì vô minh, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng chúng ta là những cá thể riêng biệt, có thể hoàn toàn độc lập với cha mẹ của mình. Những lúc giận cha, giận mẹ, chúng ta có thể nghĩ rằng “Tôi không muốn dính líu đến ông/ bà nữa”… Phương pháp quán chiếu này giúp ta nhìn thấy một dòng chảy liên tục của sự sống, và đặt lại nhiều câu hỏi để soi rọi bản thân…

Những bức thư pháp mang nhiều thông điệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại triển lãm.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng chia sẻ: “Trong thư pháp của tôi, có mực, trà, hít thở, chánh niệm và sự tập trung. Viết thư pháp là một môn thiền định. Tôi viết các từ hoặc câu mà có thể nhắc nhở mọi người về sự thực tập chánh niệm. Khi viết thư pháp, tôi luôn tìm cách viết như thế nào để có thể chế tác và duy trì được năng lượng niệm, định, tuệ và từ bi trong suốt thời gian viết.

Khi bắt đầu vẽ một vòng tròn, tôi thở vào và vẽ nửa vòng tròn trong khi thở vào, rồi tôi thở ra và vẽ nửa vòng còn lại trong khi thở ra. Trong suốt thời gian vẽ vòng tròn, tôi cũng đồng thời ý thức rằng trong bàn tay này của tôi có bàn tay của cha, của mẹ, của ông bà tổ tiên. Vì vậy mà khi tôi vẽ vòng tròn này thì cha, mẹ, ông bà tổ tiên và cả các vị thầy tâm linh của tôi cũng đang vẽ cùng tôi. Và vì chúng tôi cùng nhau vẽ vòng tròn này nên không hề có một cái ngã riêng biệt.

Do vậy, chỉ vẽ một vòng tròn thôi nhưng ta có thể có được tuệ giác về vô ngã (anatta)”.

Cuốn sách thư pháp "Hương thơm quê mẹ".

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những thiền sư có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay; tác giả của hàng trăm cuốn sách, trong đó, rất nhiều cuốn được xếp hạng bestseller như: An lạc từng bước chân, Phép lạ của sự tỉnh thức, Đường xưa mây trắng, Giận, Chúa ngàn đời, Bụt ngàn đời... Ông là một văn nhân, một thi nhân, một học giả và cũng là một người đấu tranh cho hòa bình bằng phương pháp bất bạo động.

Phương pháp thực tập chánh niệm của thiền sư Thích Nhất Hạnh nổi tiếng khắp thế giới vì thực hành đơn giản nhưng mang lại hiệu quả sâu sắc, đem đến tinh thần hòa ái, trị liệu tâm thức con người trong xã hội hiện đại nhiều áp lực, khủng hoảng.

Hiện nay, thiền sư Thích Nhất Hạnh đang an dưỡng ở chùa Từ Hiếu (Huế).

Triển lãm Hương thơm quê mẹ mang một thông điệp hướng về đất mẹ - quê hương Việt Nam, và xa hơn, là tâm tình với địa cầu tươi xanh và xinh đẹp đã dưỡng nuôi và chở che con người.

Về cuốn sách Hương thơm quê mẹ, sách hơn 200 trang song ngữ Việt - Anh, gồm 2 phần: Thư pháp tiếng Việt và Thư pháp tiếng Anh, in màu trên nền giấy couche matt, giấy lót scan.

Dưới đây là một số hình ảnh tại triển lãm:

Bài: Trâm Anh - Ảnh: Trung Dũng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thien-su-thich-nhat-hanh-lan-dau-to-chuc-trien-lam-thu-phap-o-viet-nam-27967.html