Thị trường sách hiếm tiếp tục bùng nổ

Trong khi doanh số bán sách in có thể tăng giảm tùy vào tình hình thị trường thì ngành sách hiếm tiếp tục bùng nổ, theo Bdtonline.

Nhà đấu giá Christie gần đây bán ra hai cuốn sách hiếm, The Thirteen Problems của Agatha Christie và The Hound of the Baskervilles của Arthur Conan Doyle - với giá lần lượt là 63.968 USD và 226.555 USD. Những cuốn sách này thuộc về Charlie Watts, tay trống của ban nhạc Rolling Stones.

Vài tháng trước đó, vào tháng 5/2023, cuốn Kinh thánh tiếng Do Thái cổ nhất, đầy đủ nhất đã thu hút được mức giá kỷ lục 38,1 triệu USD tại cuộc đấu giá của Sotheby. Ấn bản 1.000 năm tuổi này là tác phẩm tôn giáo có giá trị nhất từng được bán đấu giá.

Trong khi doanh số bán sách in có thể tăng giảm thì ngành sách hiếm tiếp tục bùng nổ. Một phần nguyên nhân là khoảng thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua.

Sách hiếm ngày càng được hoan nghênh

Sự phát triển mạnh mẽ của thời đại kỹ thuật số đã thay đổi cách mọi người mua và đọc sách. Ngày nay, doanh số sách in đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với sách nói, sách điện tử và cả các ấn bản PDF.

Tuy nhiên, độ bền của sách giấy là một giá trị không thể phủ nhận. Nhiều độc giả nhiệt thành vẫn luôn ca ngợi độ bền không gì sánh bằng của sách in. Và nếu những ấn bản này là sách hiếm thì giá trị vật chất và tinh thần của cuốn sách sẽ tăng theo cấp số nhân.

 Christie gần đây đấu giá thành công 2 cuốn sách hiếm. Ảnh: Forbes.

Christie gần đây đấu giá thành công 2 cuốn sách hiếm. Ảnh: Forbes.

Thị trường sách hiếm hiện nay trải rộng ở nhiều thể loại, từ tác phẩm văn học, Kinh thánh, bản đồ, đến các văn bản đóng bìa khác. Hiện nay, thị trường sách hiếm cũng đang đạt đỉnh ở mức độ chưa từng thấy.

Các cuộc đấu giá sách sưu tầm đã tăng 4% trong năm ngoái, từ 505.000 cuộc lên 526.000 cuộc. Tuy nhiên, giá sách sưu tập trung bình từ mức 2.094 USD/ ấn phẩm vào năm 2022 đã giảm xuống còn 1.863 USD/ ấn phẩm vào năm 2023. Dù đây không phải là tin tốt cho người bán, việc giá trung bình giảm đã thúc đẩy độc giả mua thêm các cuốn sách hiếm có giá dưới 100 USD và điều này khiến doanh số bán sách hiếm tăng 20%.

Theo báo cáo của IBIS World, có nhiều yếu tố, bao gồm đại dịch Covid-19 và sự phát triển của thương mại điện tử, đã góp phần vào sự tăng trưởng gần đây của thị trường sách hiếm.

Thời kỳ phong tỏa trong đại dịch Covid-19 khiến mọi người có thêm thời gian rảnh rỗi và dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách. Trong khi thị trường sách trực tuyến đã phát triển đáng kể từ giữa những năm 1990, các vấn đề về chuỗi cung ứng và khoảng thời gian đóng cửa do đại dịch Covid-19 đã giúp nâng tầm của thế giới sách số và các tác phẩm hiện đại.

Do đó, giá của các tác phẩm sách hiếm bị giảm xuống. Lúc này, mức giá của chúng lại trở nên dễ tiếp cận hơn với nhiều độc giả và thúc đẩy nhiều người mua một số cuốn sách hiếm giá cả vừa phải, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường sách hiếm.

Trong thị trường này, một số nhà bán sách và các cửa hàng đồ cổ từ lâu đã là những đơn vị chính kiểm soát thị trường. Họ hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của công chúng và dần khiến sở thích sưu tầm sách hiếm chỉ dành cho một số ít người được chọn, thường là những nhà sưu tập giàu có. Lâu nay, các nhà bán sách cũng có thể dễ dàng nâng giá những ấn phẩm sách hiếm và người mua thường không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc bỏ ra nhiều hơn giá trị thực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường sách hiếm ngày càng bùng nổ, số lượng nhà bán sách và đơn vị đấu giá, cả trực tuyến và trực tiếp, đều đã tăng trong vài năm qua và dần thay đổi hoàn toàn kiểu giao dịch cũ.

Khi khả năng tiếp cận sách hiếm của người mua được cải thiện và tính minh bạch ngày càng tăng, những khách hàng mới có thể nhanh chóng gia nhập hàng ngũ những nhà sưu tập dày dạn kinh nghiệm.

Cách thị trường sách hiếm hoạt động

Nhu cầu của công chúng và vốn hóa thị trường không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến giá trị của một cuốn sách hiếm. Có nhiều tiêu chí thúc đẩy giá cả, chẳng hạn như nhu cầu của công chúng, số lượng bản sao của một ấn bản cụ thể và tính xác thực của chúng.

Ngoài ra, giá trị thị trường của một cuốn sách hiếm cũng phụ thuộc vào tình trạng và cách bảo quản của nó. Người mua và nhà đấu giá luôn lưu ý tình trạng của sách, quan tâm đến cách bảo quản chúng nhằm tránh việc mua đi bán lại một cách hời hợt và làm giảm giá trị tác phẩm.

Với chủ nhân của các cuốn sách cổ, họ có thể liên hệ với các hiệu sách và từ đó kết nối với người mua tiềm năng. Ngoài các hiệu sách địa phương, họ cũng có thể liên hệ với các nhà đấu giá, hiện rất dễ dàng bằng các phương thức trực tuyến hay trực tiếp.

Với người mua, họ cũng ngày càng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các ấn phẩm sách hiếm. Đã qua rồi thời những người sưu tập sách chủ yếu ở độ tuổi 40 hoặc 50. Ngày nay, thế hệ trẻ lớn lên cùng với công nghệ ngày càng quan tâm đến sách giấy.

Sự tham gia của họ cũng giúp mở rộng danh mục tác phẩm trong thị trường, đặc biệt là các ấn bản phi tôn giáo, trong đó có tiểu thuyết. Vào cuối năm 2021, ấn bản đầu tiên của Harry Potter and the Philosopher’s Stone (Harry Potter và Hòn đá phù thủy) được bán với giá 471.000 USD tại nhà đấu giá Heritage. Đây cũng là kỷ lục thế giới về đấu giá tác phẩm văn học hiện đại. Ấn bản đầu tiên của cuốn The Chronicles of Narnia (Biên niên sử Narnia) của Clive Staples Lewis cũng được bán với giá 45.699 USD vào năm ngoái.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/thi-truong-sach-hiem-tiep-tuc-bung-no-post1472127.html