Thị trường ô tô tăng tốc dịp cuối năm

Thị trường ô tô đang có xu thế tăng tốc vào 3 tháng cuối của năm nhờ nguồn cung từ xe nhập khẩu nguyên chiếc đã dồi dào hơn, các hoạt động marketting của hãng cũng sôi động hơn, đặc biệt trong bối cảnh triển lãm ô tô lớn nhất trong nước sắp diễn ra vào cuối tháng 10 này.

Lượng ô tô nhập khẩu đang tràn về nhiều khiến thị trường trở nên sôi động, gây áp lực cạnh tranh không nhỏ với xe sản xuất trong nước

Báo cáo cập nhật nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong tháng 9/2018 lượng tiêu thụ xe ô tô trên toàn thị trường đạt 25.350 chiếc, tăng hơn 19% so với tháng trước và 24% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, doanh số bán xe du lịch (cả lắp ráp và nhập khẩu) trong tháng này đã đạt khoảng 17.200 chiếc, tăng gần 3.400 chiếc so với tháng trước (ước khoảng hơn 24%). Trong đó, sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt 17.325 xe, tăng 16% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.026 xe, tăng 42% so với tháng trước.

Đây là kết quả tốt nhất từ đầu năm đến nay của thị trường ô tô, vốn có nhiều biến động.

Triển lãm ô tô lớn nhất trong năm (diễn ra từ 24 đến 27/10) được xem là cú huých lớn cho thị trường ô tô Việt Nam trong 3 tháng cuối năm

Doanh số bán ô tô tăng trưởng mạnh trong tháng 9 vừa qua nhờ sự đóng góp lớn của những sản phẩm nhập khẩu. Việc xe nhập khẩu đã bắt đầu “ùn ùn” kéo về khiến vị trí các hãng trên thị trường có sự thay đổi lớn. Sau nhiều tháng “nhường” vị trí dẫn đầu cho Hyundai Thành Công và Thaco (do chỉ có xe lắp ráp trong nước), tháng 9, Toyota Việt Nam đã giành lại “ngôi vương” trên thị trường ô tô.

Cụ thể, Toyota đạt doanh số bán 6.259 xe (trong đó, có sự đóng góp lớn của các mẫu xe nhập khẩu với hơn 2.000 chiếc). Đặc biệt là mẫu xe cỡ nhỏ Wigo, dù chỉ mở bán trong 5 ngày cuối tháng đã có doanh số 238 chiếc, trung bình mỗi ngày bán được 47chiếc (2 đối thủ là Hyundai i10 và Kia Morning bình quân bán 52 xe/ngày và 28 xe/ngày).

Doanh số bán ô tô của Ford Việt Nam cũng tăng trưởng ấn tượng trong tháng 9/2018, với 2.337 xe, tăng 76% so với tháng 8. Kết quả này đạt được nhờ tăng trưởng doanh số bán chủ yếu của hai mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc là Ranger với 624 xe và Everest mới với 541 xe.

Với Honda Việt Nam, các mẫu xe nhập khẩu như Civic, Accrod, CR-V, HR-V cũng đã giúp doanh nghiệp này đạt doanh số tới hơn 2.350 xe, cao hơn hẳn các đối thủ như Mazda hay KIA sản xuất lắp ráp trong nước.

Chiếc Mitsubishi Xpander do Mitsubishi Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia hiện đang có khoảng 4.000 khách hàng đang chờ đợi. Một con số ngoài sự đoán.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2018 vừa qua, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 11.507 chiếc, cao nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay. Và hiện số lượng xe nhập khẩu vẫn đang tràn về nhiều. Tuần đầu tháng 10 có 3.500 xe nhập khẩu nguyên chiếc làm thủ tục. Trong đó, chiếm số lượng lớn là xe nhập từ Indonesia và Thái Lan, được hưởng thuế 0%. Đây được dự báo sẽ là yếu tố gây khó khăn cho các sản phẩm lắp ráp trong nước khi giá thành hiện đang cao hơn khoảng 10-15%.

Dự đoán 3 tháng còn lại của năm thị trường ô tô sẽ “bùng nổ” để bù lại doanh số bấp bênh của nhiều tháng đầu năm. Và cuộc cạnh tranh giữa xe sản xuất trong nước với xe nhập khẩu sẽ rất khốc liệt.

Mặc dù các hãng liên tục giới thiệu nhiều mẫu SUV mới, giá hợp lý nhưng tâm lý người Việt Nam vẫn “chuộng” các dòng xe sedan hơn. Số liệu thống kê cho thấy tính đến hết tháng 9/2018, cả nước tiêu thụ gần 66.700 chiếc xe sedan 4 - 5 chỗ ngồi, chiếm trên 51% số xe bán ra. Lượng xe bán ra của dòng sedan 9 tháng qua đã tăng hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước khi con số xe sedan 9 tháng năm 2017 chỉ chiếm 42% các dòng xe trên thị trường; 9 tháng năm 2016 chỉ chiếm 43% các dòng xe trên thị trường.

Nguyễn Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thi-truong-o-to-tang-toc-cuoi-nam.aspx