Thí sinh có thể dự thi nhiều đợt trong năm

Thí sinh có thể dự thi nhiều đợt, làm bài thi trên máy tính, thi tại tổ chức khảo thí độc lập và sử dụng kết quả cao nhất... là những thay đổi dự kiến trong việc thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn sau 2021-2025 mà Bộ GD-ĐT vừa trình lên Chính phủ.

Thí điểm trước khi mở rộng

Theo lộ trình Bộ GD-ĐT đưa ra, giai đoạn 2021-2025 cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi, nhất là phương thức tổ chức thi trên máy tính.

Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi THPT 2019. Ảnh minh họa.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), phương án thi sau năm 2020 được xây dựng trên 3 nguyên tắc. Đó là bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh; không gây xáo trộn đối với việc dạy, học của giáo viên và học sinh; không gây bức xúc xã hội và áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin trong tổ chức thi.

Trước những phương án mang tính kỳ vọng này, nhiều chuyên gia giáo dục đã bày tỏ sự đồng tình, tuy nhiên cũng không ít khoăn về lộ trình thực hiện liệu có quá gấp. Bởi để thi được trên máy tính, thí sinh trước hết phải thuần thục với các thao tác trên máy tính. Vấn đề này, xem chừng cần một lộ trình lâu dài để có thể triển khai ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Cùng với đó là tầm quan trọng của ngân hàng câu hỏi, thiết kế bài thi phù hợp nhằm đánh giá được năng lực của học sinh...

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng hình thức thi trên máy tính cần thí điểm ở một số nơi đủ điều kiện, học sinh đã làm quen. Sau đó, ngành giáo dục đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi mở rộng.

Với việc thi trên máy tính, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Hiện nay, công nghệ thông tin góp phần không nhỏ trong việc đổi mới các hoạt động giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong khâu kiểm tra đánh giá. Vì vậy, tổ chức thi, đánh giá năng lực trên máy sẽ giúp giảm được khâu coi thi, chấm thi và có thể sẽ hạn chế được một số tác động tiêu cực của con người. Chúng ta có thể tham khảo và áp dụng các kinh nghiệm của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong việc xây dựng phương án cũng như tổ chức kỳ thi này.

PGS.TS Trần Trung Kiên cho rằng, để triển khai phương án này, cần tính toán lộ trình cẩn trọng bởi nhiều vùng sâu, vùng xa còn khó khăn về cơ sở vật chất và sự tiếp cận với công nghệ thông tin của người học còn hạn chế. Theo ông, trong giai đoạn này, quan trọng nhất vẫn là thiết kế được bài thi phù hợp, đánh giá được năng lực của học sinh. Do đó, việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi vô cùng quan trọng.

Liên quan đến việc ứng dụng công nghệ, thi trên máy tính, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng cần thí điểm ở một số thành phố lớn, đủ điều kiện trước, không nên vội vàng áp dụng đại trà bởi các vùng ở Việt Nam phát triển không đồng đều.

"Nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính, chúng ta phải tính đến yếu tố này và chấp nhận sẽ vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy. Mục tiêu lớn nhất của kỳ thi là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, phụ huynh", ông Đỗ Văn Dũng góp ý.

Ngân hàng câu hỏi cần được chuẩn hóa

Với việc học sinh được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT và nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT, theo PGS.TS Trần Trung Kiên, phương án này sẽ giảm tải cho kỳ thi và giảm áp lực cho thí sinh, bởi vài năm gần đây, tỷ lệ học sinh sau THPT muốn đi học nghề khá cao nên những đối tượng này sẽ không cần phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Trung Kiên băn khoăn là liệu có ảnh hưởng đến động lực học tập của một bộ phận học sinh phổ thông không khi các em không phải tham gia kỳ thi.

Nhận định về phương thức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của tổ chức khảo thí độc lập, đáp ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT; kết quả của đợt thi nào cao nhất lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu), PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Chuẩn bị cho việc đánh giá năng lực học sinh lớp 12 tốt nghiệp theo Chương trình GDPT mới vào năm 2024 - 2025, giải pháp tối ưu để giảm thiểu rủi ro trong việc in ấn các đề thi và tổ chức chấm thi trên giấy là thi trên máy tính. Phương pháp này ngăn chặn một cách hữu hiệu việc can thiệp của con người làm sai lệch các kết quả thi. Đề thi trên máy tính được chuẩn hóa và mỗi thí sinh có một đề thi khác nhau.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Phương Nga cũng cho rằng, đồng hành với những ưu điểm của việc đổi mới toàn diện việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT là những thách thức lớn và nhỏ đối với từng đối tượng khác nhau. Đầu tiên là đối với những học sinh sẽ thi tốt nghiệp lớp 12 vào năm 2024 - 2025. Các em có tối thiểu 4 năm để chuẩn bị và làm quen với việc thi trên máy tính (máy tính bảng hoặc máy tính bàn). Tiếp theo là đối với giáo viên ở các trường THPT, giáo viên phổ thông phải thuần thục việc sử dụng máy tính, các trường THPT cần phải có phòng máy tính để tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh của trường được sử dụng máy tính.

Nhưng thách thức lớn nhất vẫn là làm sao các tầng lớp trong xã hội hiểu được đầy đủ mức độ hữu ích, sự công bằng khách quan và hiệu quả kinh tế của việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính sử dụng công nghệ cao. Cùng với đó là nguồn kinh phí lớn đầu tư ban đầu để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và hệ thống phần mềm trí tuệ nhân tạo và hệ thống các kiểm tra trực tuyến.

“Việc đầu tư ban đầu có thể nói là khá khổng lồ, nhưng về hiệu quả kinh tế lâu dài sẽ tiết kiệm được tổng kinh phí hằng năm chi cho mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung trên toàn quốc”, PGS.TS Nguyễn Phương Nga nhận xét.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/thi-sinh-co-the-du-thi-nhieu-dot-trong-nam-592627