Theo dòng lịch sử hiện đại Việt Nam trong năm rắn
Một mùa xuân mới sắp về, xuân Ất Tỵ 2025 đánh dấu sự vươn mình mạnh mẽ của đất nước lên một tầm cao mới. Bên cạnh đó, năm cầm tinh con rắn cũng gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, đặc biệt là từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Năm Ất Tỵ 1905, đất nước ta vẫn còn chìm trong đêm trường nô lệ của thực dân Pháp, trong khi đó, các phong trào yêu nước, chống Pháp của nhân dân ta dù diễn ra mạnh mẽ nhưng đều bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Với một lòng nồng nàn yêu nước, tháng 2/1905, nhà yêu nước Phan Bội Châu (1867 - 1940) đã sang Nhật cầu viện, sau đó phát động phong trào Đông Du, đưa sinh viên Việt Nam sang Nhật học tập để về cứu nước. Lúc đầu, phong trào diễn ra rất thuận lợi, khoảng 200 sinh viên Việt Nam đã được đưa sang Nhật. Dù vậy, nhận thấy sự nguy hiểm của phong trào, thực dân Pháp đã câu kết với chính quyền Nhật trục xuất những người yêu nước Việt Nam về nước. Tháng 3/1909, Phan Bội Châu cũng bị trục xuất khỏi Nhật Bản. Dù thất bại, nhưng phong trào Đông Du có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần khích lệ tinh thần yêu nước, đoàn kết của nhân dân ta, khai sáng tư tưởng cho nhân dân trong sự nghiệp khôi phục độc lập dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam mới.
Đến năm Kỷ Tỵ 1929, dưới tác động mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong và ngoài nước, ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở nước ta. Ngày 17/6/1929, đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở miền Bắc, họp đại hội quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng, ra Báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận. Tiếp đó, đến tháng 8/1929, các hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Trung Quốc và Nam Kỳ đã quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Trước sự ra đời của hai tổ chức cộng sản trên, tháng 9/1929, các đảng viên tiên tiến của Đảng Tân Việt cũng tách ra để thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở nước ta trong một thời gian ngắn là xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam, là sự chuẩn bị cần thiết cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Bước sang năm Tân Tỵ 1941, khi mà tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến quan trọng, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Tại Pác Bó (Cao Bằng), Người đã triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Hội nghị đã thông qua nhiều quyết định quan trọng, đặc biệt là chủ trương thành lập tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) để đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân cùng đứng lên chống thực dân Pháp.
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp lại tiếp tục ngoan cố quay lại xâm lược nước ta. Để xoay chuyển cục diện chiến tranh, ngày 7/5/1953 (nhằm năm Quý Tỵ), thực dân Pháp cử tướng Na-va sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Trước tình hình đó, tháng 9/1953, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp đề ra kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 với quyết tâm giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận - chính diện và sau lưng địch. Thực hiện phương hướng chiến lược trên, quân ta đã mở một loạt chiến dịch tiến công địch trên nhiều hướng, ở hầu khắp các chiến trường ở Đông Dương. Kết quả là ta đã làm phá sản bước đầu Kế hoạch Na-va của Pháp - Mỹ, buộc quân chủ lực của chúng phải bị động, phân tán và giam chân ở miền rừng núi.
Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 đã tạo thế và lực để quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 21/7/1954 về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
Pháp chạy, đế quốc Mỹ lại nhảy vào miền Nam Việt Nam hòng biến nước ta trở thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của chúng. Sau nhiều lần thất bại, từ năm 1965 - 1968, Mỹ mở chiến lược Chiến tranh cục bộ nhằm “tìm diệt” và “bình định” các vùng giải phóng của ta. Mờ sáng ngày 18/8/1965 (nhằm năm Ất Tỵ), Mỹ huy động 9.000 quân, 105 xe tăng và xe bọc thép, 100 máy bay lên thẳng, 70 máy bay phản lực chiến đấu, 6 tàu chiến mở cuộc hành quân vào thôn Vạn Tường (Quảng Ngãi). Sau một ngày chiến đấu, một trung đoàn chủ lực của ta cùng với quân du kích và nhân dân địa phương đã đẩy lùi cuộc hành quân của chúng. Thắng lợi trong trận Vạn Tường đã mở đầu cao trào “Tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt” trên khắp miền Nam.
Hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đến ngày 30/4/1975 quân và dân ta đã đi đến thắng lợi cuối cùng bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mở ra kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, nhưng toàn thể dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đoàn kết một lòng, xây dựng đất nước vươn lên sau chiến tranh. Tháng 9/1977 (nhằm năm Đinh Tỵ), Việt Nam tham gia Liên hợp quốc. Đây được xem là một sự kiện trọng đại của đất nước, đánh dấu sự hội nhập trở lại của nước ta trên trường quốc tế. Từ đó đến nay, vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc cũng như nhiều tổ chức khu vực và quốc tế khác cũng ngày càng được nâng cao.
Trong năm Ất Tỵ 2025 tới đây, cả nước sẽ hướng tới kỷ niệm nhiều ngày lễ trọng đại của dân tộc, đó là kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2025), 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đặc biệt là kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).
Xuân Ất Tỵ 2025 sắp về, với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ cùng đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất cũng như trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để đưa đất nước ta ngày càng phồn vinh, cường thịnh, sánh vai cùng bè bạn năm châu như mong muốn của Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời.