Thêm những ngày cách ly xã hội – Đặt trái tim và ý chí lên trên thách thức

Với đại đa số người dân cả nước, thông tin được chờ đợi nhất trong chiều qua chính là kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, trong đó có nội dung về việc thực hiện cách ly xã hội.

Với đại đa số người dân Hà Nội, chắc chắn, tâm lý chờ kết luận này không phải là chờ một thông tin về việc sẽ gỡ bỏ cách ly xã hội, cũng không phải là việc sẽ tiếp tục cách ly thêm 7 hay 14 ngày, mà nói như bạn tôi, là để “đọc kỹ yêu cầu mới”.

Bởi, là địa phương có số ca bệnh nhiều nhất cả nước, với ổ dịch ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) còn đang diễn biến phức tạp, với những ca bệnh có lịch sử di chuyển và thời gian ủ bệnh kéo dài, 66,6% trường hợp dương tính với SARS - CoV - 2 mà không rõ triệu chứng..., thì việc tiếp tục thực hiện biện pháp này một cách quyết liệt hơn ở Thủ đô là vô cùng cần thiết.

15 ngày đầu tiên thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy hiệu quả tích cực và sự đúng đắn, khi giúp nước ta chặn được chuỗi lây lan, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống Covid-19. Số ca bệnh vốn có xu hướng tăng nhanh theo ngày đã đi ngang ở mức rất thấp; cá biệt có ngày không ghi nhận ca nhiễm mới. Tính đến sáng 16-4, tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh đã đạt gần 64% với 171 ca trên tổng số 268 ca của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui, chúng ta vẫn chưa thể sớm buông gánh lo dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là với Hà Nội. Trong số hơn 11.000 người dân của thôn Hạ Lôi được lấy mẫu xét nghiệm, tính đến ngày 15-4, có hơn 8.000 người âm tính, 5 ca dương tính, còn lại chưa có kết quả. Qua rà soát, huyện Mê Linh có 783 người liên quan đến chợ hoa Mê Linh, lấy mẫu 684 trường hợp F1, phát hiện 6 ca dương tính, 462 người âm tính, còn lại chưa có kết quả. Huyện Thường Tín có hơn 150 người liên quan đến ca nhiễm mới trên địa bàn; đã lấy mẫu xét nghiệm 39/47 trường hợp F1, đang chờ kết quả… Những số liệu này cho thấy, tình hình dịch bệnh tuy đang trong tầm kiểm soát nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chỉ một giây phút lơ là, chủ quan là có thể dẫn tới "vỡ trận" - bài học này chúng ta đã được trải nghiệm từ thực tế của nhiều quốc gia trên thế giới.

Người còn là của còn, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của mỗi người dân luôn là điều quan trọng nhất. Và để duy trì được mục tiêu này, không có biện pháp nào hiệu quả bằng cách ly xã hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, trong một cuộc họp với Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố đã nhấn mạnh, “càng gần đến thắng lợi sẽ càng gian nan”, cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội để giảm tối đa thiệt hại.

Phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng vào chiều tối 15-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Đức Chung yêu cầu: "Trong 7 ngày tới, tinh thần này càng phải kiên quyết hơn, thực hiện tốt hơn. Trong tuần tới, nếu chúng ta phản ứng nhanh hơn với các trường hợp nghi ngờ thì sẽ khoanh được dịch".

15 ngày qua, người dân Hà Nội đã sát cánh bên nhau đi qua một chặng đường thật không dễ dàng. Phía trước thêm ít nhất 7 ngày nữa, đòi hỏi mỗi người càng phải đoàn kết, quyết tâm lớn hơn và cũng đòi hỏi các biện pháp phải được thực thi một cách cứng rắn hơn, triệt để hơn để chúng ta có thể thắng "kẻ thù vô hình": Covid-19.

Không thể phủ nhận, Covid-19 đang khiến cho cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn chưa từng có. Một Hà Nội vốn sôi động, náo nhiệt, phố phường ồn ào xe cộ trở nên dần thưa vắng, hàng quán đóng cửa im lìm, mọi người ở nhà thực hiện giãn cách xã hội và động viên vui với nhau là đang hưởng kỳ nghỉ Tết thứ hai - Tết Cô-vy - kéo dài nhất trong đời.

Và trong những ngày thực hiện cách ly xã hội, khi nền kinh tế bị đình trệ, cuộc sống của hàng triệu người, đặc biệt là những hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, những người lao động chân tay, những người sống dựa vào công việc mùa vụ... ở Thủ đô bị ảnh hưởng lớn đến mưu sinh. Đã có những bức bối, dồn nén đang muốn được bung ra khi trong những ngày cuối cùng của giãn cách đợt đầu, người trên phố đông hơn, hàng quán "nửa đóng nửa mở" hoạt động nhiều hơn...

Để tháo gỡ căn bản khó khăn này cho nhóm yếu thế và những người bị ảnh hưởng do dịch, ngay sau khi Chính phủ ký ban hành Nghị quyết về gói an sinh xã hội với số tiền lên tới 62.000 tỷ đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ngành, địa phương đã lập tức vào cuộc, quyết liệt triển khai, phấn đấu về cơ bản sẽ thực hiện việc chi trả ngay cho các đối tượng thụ hưởng trong tháng 4 này.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trong cuộc họp sáng 15-4, cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, cùng với triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời, đúng đối tượng, nhanh chóng triển khai thêm các gói hỗ trợ riêng của thành phố để bảo đảm không một người dân nào của Thủ đô bị bỏ lại phía sau.

Có thể hôm qua, chúng ta vừa thấy những hình ảnh không đẹp giữa lúc khó khăn chất chồng, như một phụ nữ đứng tuổi mang theo túi vải to để vơ trọn chiếc bàn xếp đầy những gói hàng từ thiện; dòng người chen lấn, xô đẩy, thậm chí cãi vã nhau để lấy gạo ở một điểm "ATM" gạo... Nhưng đó chỉ là "chấm xám" rất rất nhỏ trên bức tranh rực rỡ ghép hình đất nước bằng triệu triệu trái tim hồng chia sẻ.

Cùng với những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị dành nhiều nguồn lực chăm lo, hỗ trợ, tiếp thêm sức mạnh để nhà nhà, người người cùng nắm tay nhau đi qua đại dịch, thì những ngày qua, các tổ chức, cá nhân làm từ thiện, thay vì tổ chức các hoạt động tự phát, riêng lẻ, đã kết hợp chặt chẽ và thông qua các tổ chức chính quyền, đoàn thể ở mỗi địa phương để tiến hành hoạt động, vừa bảo đảm tốt việc phòng, chống dịch, vừa để mỗi phần quà khi đến tay người nhận mang đúng ý nghĩa: "Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy 1 gói mỗi ngày"...

Cùng với đó, còn rất nhiều những ấm áp của tương thân, tương ái không hề xuất hiện trên mặt báo hay bất cứ mạng xã hội nào, nhưng vẫn đang bền bỉ trao đi yêu thương: Một người bán nước chè đầu ngõ, giờ phải nghỉ bán, ngày ngày đều được hàng xóm mang sang một suất cơm nóng hổi; một người chạy xe ôm, tuy có sức khỏe và phương tiện, nhưng trong hoàn cảnh thực hiện nghiêm cách ly, không có thu nhập, đang được người dân cùng phố sẻ chia từng mớ rau, lạng thịt...

Đêm qua, những tòa nhà vẫn thắp sáng đèn "Tôi yêu Việt Nam"; sáng nay, những lá cờ đỏ sao vàng vẫn rực rỡ phủ kín ô cửa các chung cư trên phố phường Hà Nội.

Tinh thần ấy, sự vững tin ấy của mỗi người dân Thủ đô chắc chắn sẽ tiếp tục là sức mạnh to lớn nhất giúp mỗi người tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội và đưa chúng ta đi qua những ngày tới với niềm tin chiến thắng.

Vân An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/964669/them-nhung-ngay-cach-ly-xa-hoi-%E2%80%93-dat-trai-tim-va-y-chi-len-tren-thach-thuc