Thế khó của phim Việt

Theo đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, Luật Điện ảnh còn nhiều rào cản khiến giới làm phim khó hợp tác với nhà đầu tư quốc tế.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong năm 2021, nhiều hãng phim lớn quyết định phát hành song song ở rạp truyền thống và trực tuyến. Bên cạnh đó, các nền tảng phát hành phim trực tuyến như Netflix, HBO... cũng vào cuộc, hợp tác với hãng phim, đạo diễn tên tuổi ở nhiều quốc gia sản xuất nội dung.

Squid Game trở thành hiện tượng toàn cầu cho thấy cú bắt tay giữa Netflix và giới phim Hàn Quốc càng cho thấy rõ nét xu hướng phát triển mới của phim ảnh.

Nhìn lại thị trường Việt Nam, nhiều năm qua, hiếm hoi có dự án hợp tác giữa ê-kíp trong nước và quốc tế. Vào năm 2019, một tập trong series 8 tập Food Lore có tên Chàng dâng cá, nàng ăn hoa được đạo diễn Phan Đăng Di thực hiện là sự hợp tác giữa ê-kíp Việt và nhà đầu tư HBO. Nhưng từ đó, chưa có thêm dự nào được triển khai.

Phan Đăng Di: ''Cần đặt mục tiêu cụ thể cho điện ảnh Việt''

Trao đổi với Zing, đạo diễn Phan Đăng Di đánh giá việc hợp tác sản xuất giữa ê-kíp Việt Nam và nước ngoài sẽ là xu hướng trong tương lai. Theo anh, hiện tại, có hai cách thu hút nguồn lực từ quốc tế bao gồm đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam quay phim, nhà đầu tư ngoại quốc sản xuất nội dung về Việt Nam quay ở trong nước.

Kong: Skull Island quay ở nhiều địa điểm nổi tiếng tại Việt Nam. Ảnh: CGV.

"Với một đoàn phim lớn như Kong: Skull Island, chúng ta hầu như không học được nhiều về mặt nghề nghiệp. Nhưng dự án bom tấn là cơ hội giới thiệu phong cảnh Việt Nam đến quốc tế", anh cho hay.

Phan Đăng Di cho rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất nội dung thuộc về Việt Nam là xu hướng tiềm năng hơn. Đó cũng là đối tượng điện ảnh Việt cần phục vụ cũng như có bước chuẩn bị, đón đầu.

"Dự án của tôi hợp tác với HBO có kinh phí không lớn nên phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Họ để cho tôi tự do làm nội dung, sáng tạo. Nhân sự của họ chỉ sang hỗ trợ mình làm. Vì tự do nên tôi được phép thể hiện chất Việt Nam một cách thoải mái. Tôi nghĩ tương lai chúng ta nên đặt mục tiêu có nhiều dự án như vậy đến Việt Nam. Điều đó vừa hữu ích với người làm nghề, vừa có thể đưa hình ảnh, văn hóa Việt ra thế giới thay vì chỉ dùng hình ảnh Việt Nam làm nền", anh nói.

Nhận định về việc nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu chọn Hàn Quốc và một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Phan Đăng Di cho rằng Việt Nam còn quá nhiều rào cản về pháp lý mà ít có yếu tố hấp dẫn.

"Các kênh lớn đầu tư vào Hàn Quốc nhiều là chuyện hiển nhiên. Họ minh bạch về thủ tục, pháp lý, quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất của các nhà đầu tư lớn quốc tế. Họ cũng nổi tiếng vì nguồn nhân lực dồi dào, thiện nghệ, đặc biệt khả năng sáng tạo nội dung, đạo diễn cho đến diễn xuất đều đã ở đẳng cấp rất cao", anh giải thích.

Trong khi đó, theo đánh giá của đạo diễn Phan Đăng Di, nền tảng nguồn lực ở Việt Nam còn yếu, nhân sự không đồng đều. "Nhân sự yếu vì thiếu môi trường để trau dồi nâng cao nghề, trong lúc nền điện ảnh của chúng ta mới đủ sức làm sản phẩm phục vụ nội địa, chưa luyện được kỹ năng làm được những nội dung có thể xuất khẩu toàn cầu", anh nói thêm.

Ngoài ra, nam đạo diễn nhận xét chính sách ưu đãi dành cho các đoàn phim, nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam hầu như chưa có gì. Luật Điện ảnh có nhắc đến việc hoàn thuế, ưu đãi thuế cho các đoàn phim ngoại quốc nhưng tất cả những quy định này vẫn chỉ ở trên giấy.

"Không những thế, nhà đầu tư hoặc các đoàn phim đến Việt Nam thường vướng vô số thủ tục. Trong khi đến Thái Lan, Indonesia, Phillipines, họ được trải thảm đỏ với các chính sách ưu đãi thuế rõ ràng, miễn phí nhiều dịch vụ và được ngành du lịch cưng chiều. Đó là lý do các đoàn phim nước ngoài đều không mặn mà tới Việt Nam", anh nói.

Nói về những quy định trong Luật Điện ảnh Việt Nam sửa đổi, Phan Đăng Di đánh giá còn nhiều bất cập. Theo đó, việc xây dựng luật đang không dựa trên những đòi hỏi cần thiết của điện ảnh cũng như mục tiêu cụ thể về phương hướng phát triển của ngành.

Đạo diễn Phan Đăng Di. Ảnh: NVCC.

Đạo diễn bày tỏ: "Khái niệm 'xây dựng nền điện ảnh tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc' nghe hay nhưng không thể dựa vào để xác định phương hướng và mục tiêu cho nền điện ảnh này. Chúng ta cần phải biết rõ điện ảnh Việt thực sự muốn gì? Muốn hội nhập, tăng tính cạnh tranh, tạo thêm lợi nhuận cho hoạt động điện ảnh, làm ra được những tác phẩm có chất lượng cao, được ghi nhận rộng rãi trên trường quốc tế hay vẫn muốn thắt chặt kiểm soát bằng các hình thức kiểm duyệt".

Anh cho rằng nếu chọn “kiến tạo và phát triển”, cơ quan chức năng cần đặt mục tiêu cụ thể cho nền điện ảnh Việt 10-20 năm tới. Ví dụ, mỗi năm điện ảnh Việt sản xuất, xuất khẩu được bao nhiêu phim, số lượng phim hợp tác quốc tế, phim đến Việt Nam quay, phim Việt được chọn hoặc thắng giải tại các LHP lớn của thế giới...

Cuối cùng, anh khẳng định nếu Việt Nam muốn tham gia xây dựng nội dung cho nền tảng quốc tế cần có chính sách ưu đãi, và chuẩn bị nguồn lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu.

"Nếu không giải quyết tận gốc vấn đề thì mọi thứ vẫn ở đó nhưng không bao giờ thuộc về mình. Netflix đã sản xuất nội dung ở Thái Lan, Indonesia, HBO đặt trụ sở ở Singapore. Nhưng các nền tảng đó chưa vào Việt Nam làm nội dung. Đó là do Việt Nam đang thiếu cơ chế mở, chưa thông thoáng trong kiểm duyệt và ưu đãi".

NSX Bích Ngọc: ''Nên bỏ thẩm định kịch bản với đoàn phim quốc tế''

Trong buổi hội thảo về Luật Điện ảnh sửa đổi, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho hay dự thảo có sự thay đổi nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. "Đặc biệt trong các điều khoản về hợp tác quốc tế dường như chưa có sự chủ động cũng như vai trò dẫn dắt của Nhà nước để nhà làm phim phát triển, vươn tầm quốc tế", bà nói.

Theo bà, việc hợp tác quốc tế không chỉ là cơ hội tốt để quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam ra thế giới. Đối với nhà làm phim trong nước, khi hợp tác với quốc tế mới có thể nâng cao được năng lực chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất.

Bà nêu ví dụ ở Thái Lan, có 749 đoàn phim quốc tế đến hợp tác sản xuất, thu 150 triệu USD trong năm 2019. Tại Hungary, nơi được coi là phim trường quốc tế cho châu Âu, Mỹ và hiện tại là Netflix thu hút 320 triệu USD vốn đầu tư sản xuất phim vào năm 2018. Và 94% doanh thu đó đến từ các dự án hợp tác quốc tế.

Cũng như đạo diễn Phan Đăng Di, bà Bích Ngọc cho rằng Việt Nam sẽ là điểm đến trong tương lai của các nhà đầu tư quốc tế như Netflix, Amazon...

"Với điều kiện Việt Nam có những chính sách cởi mở, tôi tin chắc sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Khi có hợp tác quốc tế mới giúp thúc đẩy quy mô của thị trường điện ảnh và sự sáng tạo của người làm phim", bà nhấn mạnh.

Bà cho rằng nhiều năm qua, Việt Nam không có nhiều dự án quốc tế đến quay hình cũng như đầu tư sản xuất do quy trình cấp phép và thẩm duyệt kịch bản khó khăn.

Cảnh trong phim Gái già lắm chiêu V. Ảnh: CGV.

Nhà sản xuất Bích Ngọc kể thời gian qua có nhiều phim nước ngoài đến Việt Nam khảo sát. Họ muốn làm phim ở Việt Nam vì bối cảnh đẹp, phong phú. Bà kể: "Đến khâu thẩm định kịch bản họ rất sợ. Đối với họ, kịch bản là tài sản trí tuệ, cần bảo mật. Do đó, họ đã dời sang các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á hợp tác".

"Theo quy định một trong ba vị trí đạo diễn, biên kịch hoặc nhà sản xuất là người nước ngoài thì phải xin phép, thẩm định kịch bản trước khi bấm máy. Còn nhân sự ở vị trí khác thì luật không yêu cầu. Nhưng thực tế, khi đoàn phim đến các địa phương quay, cơ quan chức năng lại yêu cầu trình giấy phép. Luật Điện ảnh cần có cơ chế phù hợp để bắt kịp xu hướng mới. Tôi nghĩ chỉ khi bỏ khâu thẩm định kịch bản mới thu hút được các đoàn phim nước ngoài. Thay vào đó, ê-kíp của Việt Nam chịu trách nhiệm về nội dung tác phẩm, đảm bảo không vi phạm điều cấm trong luật", bà đề xuất.

Trả lời Zing về ý kiến nên đơn giản hóa thủ tục cấp phép, thẩm định kịch bản với dự án hợp quốc tế, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phản hồi:

"Thủ tục thẩm định, cấp phép của Việt Nam không rườm rà, phức tạp. Đó chỉ là nhìn nhận, quan điểm riêng từ phía nhà làm phim. Về ý kiến loại bỏ việc thẩm định kịch bản đối với phim hợp tác quốc tế là sai. Trên thực tế, một số kịch bản của phim hợp tác gặp phải vấn đề phản ánh không đúng về chính trị, an ninh, sai sự kiện lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Nếu không có hoạt động thẩm định kịch bản sẽ phát sinh nhiều vấn đề, bộ phim vi phạm pháp luật của nước ta. Đối với những nhà làm luật, họ nhìn ở góc độ toàn diện, làm sao để cân bằng giữa việc phát triển điện ảnh đi liền với chính trị, kinh tế".

Bích Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-kho-cua-phim-viet-post1268605.html