'Thế hệ bạc' trở thành lực lượng quan trọng trong thị trường du lịch

'Vân Nam là nơi quanh năm đều là mùa xuân. Sống ở đây thật thoải mái!', lời chia sẻ giản dị nhưng tràn ngập hạnh phúc của bà Chu Kế Hoa, một người cao tuổi đang sống tại Đại Lý, Vân Nam (Trung Quốc) đã chạm đến trái tim nhiều người. Bà chăm sóc vườn hoa nhỏ trước sân căn nhà thuê như thể nơi này chính là 'tổ ấm' của mình...

Người cao tuổi ngày nay tìm kiếm trải nghiệm du lịch đậm chất địa phương, gắn kết văn hóa, hồi phục thể chất và nuôi dưỡng tinh thần (ảnh minh họa)

Người cao tuổi ngày nay tìm kiếm trải nghiệm du lịch đậm chất địa phương, gắn kết văn hóa, hồi phục thể chất và nuôi dưỡng tinh thần (ảnh minh họa)

Đi tìm “mùa xuân thứ hai”

Không riêng bà Chu, ngày càng nhiều người cao tuổi trên khắp Trung Quốc và cả thế giới đang tìm đến những miền đất yên bình, khí hậu ôn hòa để sống chậm lại, nghỉ dưỡng và phục hồi sức khỏe.

Từ vùng biển Bắc Đới Hà, những làng quê quanh co ở Quý Châu, đến các thị trấn cổ ở Chiết Giang hay những thung lũng xanh mướt ở Vân Nam... “du lịch di cư” đang dần trở thành xu hướng sống thời thượng của “thế hệ bạc”.

Bà Trương Mỹ Vân, một phụ nữ Thượng Hải đã ngoài 60, vừa trở về từ Bắc Đới Hà sau 20 ngày nghỉ dưỡng. Đối với bà, chuyến đi ấy không chỉ là một kỳ nghỉ, mà là một lần “tái sinh”.

Từ bình minh trên biển, giấc ngủ trưa yên tĩnh đến những buổi đi bộ thư giãn sau bữa tối, tất cả mang đến sự thư thái cả thể chất lẫn tinh thần. “Tôi đã gặp rất nhiều bạn tốt ở Bắc Đới Hà. Chúng tôi cùng nhau tận hưởng làn gió biển mặn mòi và chuyện trò về cuộc sống. Tôi vui lắm!”, bà nói, đôi mắt ánh lên sự trẻ trung.

Dân số từ 60 tuổi trở lên tại Trung Quốc đã vượt mốc 300 triệu người vào cuối năm 2024, tạo nên một làn sóng mới trong ngành du lịch và chăm sóc sức khỏe.

Với tiềm lực tài chính ổn định và tinh thần cầu tiến, lớp người cao tuổi “giàu có và tự do” đang làm thay đổi diện mạo ngành dịch vụ, từ những khu nghỉ dưỡng được cá nhân hóa đến các sản phẩm du lịch tích hợp chăm sóc y tế.

Theo Học viện Du lịch Trung Quốc, đến cuối năm 2025, sẽ có khoảng 190 triệu lượt người cao tuổi tham gia các chuyến du lịch chăm sóc sức khỏe. Không còn là những chuyến đi lướt qua, người cao tuổi ngày nay tìm kiếm trải nghiệm đậm chất địa phương, gắn kết văn hóa, hồi phục thể chất và nuôi dưỡng tinh thần.

Tại “làng trường thọ” Bama (Quảng Tây), ông bà Vương Kiến Quốc đã sống như những người bản địa hơn hai tháng. Mỗi sáng, họ thức dậy cùng mùi thơm ngào ngạt từ tiệm ăn sáng, dạo chơi bên bờ sông Panyang, chiều đến lắng nghe tiếng chim rừng và gió núi mát lành. “Chính môi trường tạo nên sức khỏe. Ở đây, không khí trong lành và nếp sống lành mạnh là liều thuốc bổ tự nhiên cho chúng tôi”, ông Vương nói.

Không dừng lại ở khung cảnh thiên nhiên, những điểm đến như Lệ Giang (Vân Nam), Thanh Thành Sơn (Tứ Xuyên) hay Wuzhen (Chiết Giang) còn “chữa lành” người cao tuổi bằng trải nghiệm văn hóa sâu sắc, từ vẽ thư pháp, pha trà đạo, đến học làm giấy Naxi và in vải thủ công... Du lịch giờ đây không chỉ để đi mà còn để sống, để hòa nhập và cảm thụ.

Du lịch di cư trở thành xu hướng sống thời thượng

Thấu hiểu nhu cầu của người cao tuổi, các địa phương đang không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng: Lối đi không rào cản, cầu thang máy, ghế nghỉ thông minh cùng các tiện ích y tế chuyên biệt.

Tại Hải Nam, ngành du lịch sức khỏe đã trở thành “thương hiệu địa phương”, nơi du khách cao tuổi được chăm sóc từ dinh dưỡng, thể thao, vật lý trị liệu đến phục hồi chức năng...

Công nghệ cũng không đứng ngoài cuộc. Những chiếc vòng tay AI theo dõi sức khỏe tim mạch, kính AR dẫn đường không rào cản… đều nhằm mục đích đưa người già đến gần hơn với thế giới hiện đại mà vẫn cảm thấy an toàn, được chào đón.

Du lịch nghỉ dưỡng tuổi già không chỉ là một trào lưu, mà đang trở thành phong cách sống nhân văn và bền vững. Những chuyến đi gắn liền với phục hồi sức khỏe, trải nghiệm văn hóa, kết nối cộng đồng và nghỉ dưỡng dài ngày đang vẽ nên bức tranh sống động về một “tuổi già không giới hạn”.

Giữa dòng chảy hối hả của xã hội hiện đại, những bước chân thong dong của người cao tuổi trên hành trình đi tìm “mùa xuân thứ hai” đã mang lại niềm cảm hứng sống tích cực, đồng thời là minh chứng sống động cho một chân lý: Hạnh phúc không đến từ việc đi đâu thật xa, mà từ cách ta chọn sống ở bất kỳ nơi đâu.

P.MINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/the-he-bac-tro-thanh-luc-luong-quan-trong-trong-thi-truong-du-lich-148327.html