Thế giới giữa hai cuộc siêu bầu cử (Kỳ I)
2024 là năm đặc biệt, siêu bầu cử, hơn 2 tỷ cử tri bỏ phiếu, ở khoảng 50 quốc gia, trong đó có Nga và Mỹ.
Kết cục bầu cử ở Nga và Mỹ không những chọn ra người đứng đầu, dẫn dắt, quyết định hành trình, vị thế của quốc gia, dân tộc mà còn chi phối mối quan hệ rất căng thẳng, phức tạp, kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước lớn, hai đối thủ hàng đầu và tác động mạnh mẽ đến tình hình thế giới, khu vực, quan hệ quốc tế.
Bầu cử ở xứ sở bạch dương đã xong. Xứ cờ hoa chuẩn bị vào chặng nước rút. Tương lai mỗi nước và quan hệ Mỹ, Nga thế nào? Thế giới chuyển biến ra sao? Vấn đề đặt ra có tầm mức lớn, rất trúng và quá cần thiết. Có điều, trong bối cảnh bất định, nhiều ẩn số của thế giới hiện nay, tìm ra câu trả lời đầy đủ, xác đáng rất khó, cần một thời gian đủ dài. Bước đầu, có thể đưa ra một số lý giải và dự báo.
Kỳ I. CHUYỆN Ở XỨ SỞ BẠCH DƯƠNG
Cuộc trưng cầu dân ý và sự hội tụ của nhiều nhân tố
Bầu cử Tổng thống Nga kết thúc cách đây hai tuần lễ. Đương kim Tổng thống Vladimir Putin đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 với mức tín nhiệm tới 87,28%, trong cuộc bầu cử thu hút 77,44% cử tri tham gia, những con số kỷ lục. Kết quả đúng như dự đoán, nhưng vẫn có phần bất ngờ và đặt ra nhiều vấn đề, không chỉ với nước Nga.
Bối cảnh thế giới, trong nước, có cả thuận lợi lẫn khó khăn đối với Tổng thống Putin. Nga giữ được lợi thế nhất định trên chiến trường; đất nước cơ bản yên ổn, nền kinh tế vươn lên top 5; duy trì quan hệ với nhiều nước ở Trung Đông, châu Phi, bất chấp sức ép trừng phạt trên các lĩnh vực của phương Tây.
Chiến dịch quân sự đặc biệt sang năm thứ ba, tổn thất về sinh lực, vũ khí, kinh tế, cơ sở hạ tầng…, tích lũy, ngấm sâu, tác động tăng dần theo thời gian. Tên lửa, UAV của Ukraine tấn công nhiều mục tiêu sâu trong lãnh thổ và binh sĩ xâm phạm một số khu vực biên giới của Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo có thể đưa quân đội sang Ukraine...
Đối thủ muốn chứng tỏ họ có thể tấn công vào bất cứ đâu và nước Nga đang bất ổn. Chưa bầu mà một số nước đã nói không chấp nhận kết quả, hàm ý đối đầu sẽ gia tăng, dân Nga càng khó khăn, nếu tiếp tục ủng hộ Tổng thống Putin. Nên kỷ lục trong bầu cử có phần bất ngờ với một bộ phận, là điều có thể lý giải được.
Với đa số người Nga, kết quả đó không bất thường. Đặc tính nổi bật của dân tộc Nga là lòng yêu nước, nhân ái, thủy chung, sức chịu đựng, hy sinh, mạnh mẽ, vững vàng… Sức ép, đe dọa càng khiến người Nga đặt niềm tin vào người đã dẫn dắt họ vượt qua khó khăn, thách thức. Truyền thống, văn hóa, tính cách Nga là nhân tố cơ bản. Kết quả bầu cử là thắng lợi chính trị của đất nước và Tổng thống Putin, có ý nghĩa như một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai nước Nga.
Lãnh đạo một đất nước rộng nhất thế giới, có nhiều đối thủ và giành được lòng tin của 146 triệu người dân là điều không đơn giản. Chèo lái “con tàu Nga” vượt qua sóng lớn, Tổng thống Putin tạo giữ được lòng tin của đa số người dân; chứng tỏ vai trò rất lớn của ông đối với nước Nga, nhất là trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Thách thức càng lớn, người Nga càng đoàn kết; lực nén lớn thì sức bật càng lớn. Nên có thể nói sức ép, sự chống phá từ bên ngoài cũng là yếu tố khiến người dân Nga tiếp tục trao cờ cho đương kim Tổng thống.
Không có gì hoàn hảo tuyệt đối; vẫn còn những vấn đề khiến một bộ phận người dân, xã hội chưa hài lòng. Nhìn chung, Tổng thống Putin đã cơ bản đáp ứng mong muốn của đa số người dân. Có thể nói bầu ông Putin làm Tổng thống trong 5 nhiệm kỳ là sự lựa chọn phù hợp của lịch sử dân tộc Nga. Kết cục đó là sự hội tụ của nhiều nhân tố, truyền thống, văn hóa dân tộc, tính cách Nga, thời thế, hoàn cảnh lịch sử và vai trò, phẩm chất người lãnh đạo.
Duy trì, củng cố và thúc đẩy phát triển
Bước vào nhiệm kỳ mới, nước Nga và Tổng thống Putin có điểm tựa vững chắc từ nhân dân, từ kết quả trên mặt trận quân sự, lĩnh vực kinh tế, duy trì ảnh hưởng với nhiều nước phương Nam…
Bên cạnh đó cũng xuất hiện khó khăn, thách thức mới. Đất rộng, người thưa, chiến trường trải dài, Nga khó tránh khỏi đòn tấn công, khủng bố bất ngờ của tên lửa, máy bay, UAV… Vụ khủng bố đẫm máu ở Moscow ngày 22/3 là một ví dụ. Tổng thống Putin và người phát ngôn Điện Kremlin lần đầu tiên tuyên bố, Nga “trong tình trạng chiến tranh” ở Ukraine.
Bối cảnh mới, nên Tổng thống Putin cần và sẽ có điều chỉnh chiến lược, chiến thuật và sách lược. Nước Nga cần thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản, trên mặt trận quân sự, chính trị, xã hội, kinh tế, ngoại giao; theo phương châm: duy trì, củng cố và thúc đẩy phát triển phù hợp, hiệu quả.
Quân sự, mặt trận ưu tiên hàng đầu, cần củng cố thế trận, bảo vệ lãnh thổ; đẩy mạnh hoạt động tác chiến, cố gắng thực hiện mục tiêu chiến lược, tạo điều kiện kết thúc cuộc xung đột với kết quả khả dĩ nhất có thể. Xung đột càng kéo dài thì tổn thất, bất lợi càng lớn, cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế…
Trong một vài tháng tới, viện trợ bên ngoài chưa kịp đến và phát huy tác dụng ngay, Ukraine có thể khó khăn về máy bay, tên lửa… Nga sẽ phát triển lực lượng, trang bị thêm phương tiện, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động quân sự với cường độ lớn hơn, vừa mở rộng phạm vi, mục tiêu tấn công vừa tập trung có trọng điểm, bảo đảm hiệu lực đánh và giữ. Tuy nhiên, khó có thể duy trì cường độ cao, liên tục trong thời gian dài.
Năm 2023, kinh tế Nga tăng trưởng ở mức cao so với châu Âu (xấp xỉ 3,5%), nhưng có phần quá nóng, khiến lạm phát tăng mạnh. Dự báo năm 2024, mức tăng trưởng sẽ thấp hơn, trong khi nhu cầu vẫn cao. Bảo đảm hài hòa giữa chi phí cho quốc phòng và nâng cao đời sống nhân dân là bài toán khó. Nga cần thực hiện các biện pháp linh hoạt, phù hợp để phát triển kinh tế, nhất là mũi nhọn dầu khí, đáp ứng nhu cầu quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân; góp phần quan trọng giữ ổn định chính trị, xã hội.
Tiếp tục củng cố, mở rộng quan hệ, nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước, nhất là đối tác lớn, bạn bè truyền thống, những nước có chung nguy cơ, đối thủ, tương đồng lợi ích, có vai trò quan trọng, trên các địa bàn chiến lược. Mật độ hoạt động ngoại giao có thể cao hơn. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tống thống Putin nhiều khả năng là Trung Quốc, nhằm thúc đẩy hợp tác “không giới hạn”.
Nhiều nước cũng có nhu cầu quan hệ, hợp tác hai chiều, cùng có lợi với Nga. Người đứng đầu Điện Kremlin đã nhận được lời mời từ hơn chục nước và tham dự một số hội nghị quốc tế lớn. Sau Trung Quốc, Tổng thống Nga có thể đến thăm Brazil, Iran, Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Cuba, Mông Cổ… Kế hoạch sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về mục tiêu, tầm quan trọng của quan hệ với đối tác và bảo đảm an toàn cao.
(còn tiếp)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/the-gioi-giua-hai-cuoc-sieu-bau-cu-ky-i-266008.html