Thắp lên ánh sáng cuộc đời cho trẻ tự kỷ: Những người mẹ đặc biệt

Con trẻ bị tự kỷ là nỗi buồn không chỉ của bậc làm cha mẹ mà cả xã hội. Nhưng rồi, bằng tất cả sự quan tâm, nỗ lực... đã có những đứa trẻ tự kỷ tốt lên từng ngày, có một cuộc sống bình thường. Phía sau những đứa trẻ ấy, là câu chuyện của những người mẹ - chưa bao giờ từ bỏ hy vọng 'thắp' tương lai cho con.

Là người mẹ có con bị tự kỷ, chị Nguyễn Thị Tùng Lâm cũng đồng thời là cô giáo dạy, can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Là người mẹ có con bị tự kỷ, chị Nguyễn Thị Tùng Lâm cũng đồng thời là cô giáo dạy, can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Sẵn sàng thay đổi “ước mơ” vì con

Lần đầu gặp chị Nguyễn Thị Tùng Lâm (quê thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh) tôi khá ấn tượng. Người mẹ ấy ít nói, gương mặt, ánh mắt thấp thoáng nét buồn nhưng đầy cương nghị. Chị là một cô giáo dạy trẻ tự kỷ, cũng đồng thời là một người mẹ có con bị tự kỷ.

Gần 17 năm về trước, chị Tùng Lâm là cô giáo trẻ dạy môn Văn có nhiều triển vọng. Bấy giờ, con trai đầu 32 tháng tuổi của chị có nhiều biểu hiện lạ so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Nhưng khi ấy, khái niệm rối loạn phổ tự kỷ chưa được nhắc đến nhiều như bây giờ và chị cũng chưa bao giờ nghĩ đến hai chữ tự kỷ. Trong lần ra Hà Nội nộp hồ sơ để thi cao học ngành ngữ văn, chị Tùng Lâm quyết định đưa theo con trai đi thăm khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Qua thăm khám của bác sĩ, chị Tùng Lâm biết con trai bị tự kỷ điển hình - có đầy đủ các dấu hiệu của trẻ tự kỷ. “Tôi bàng hoàng biết con trai bị rối loạn phổ tự kỷ. Đó không phải là bệnh có thể chữa trị bằng thuốc, mà buộc phải can thiệp cá nhân. Lúc này, ở Thanh Hóa chưa có các lớp học can thiệp dành cho trẻ tự kỷ. Qua tư vấn của các bác sĩ và chuyên gia, tôi hiểu hơn về tình trạng của con mình”.

Xác định việc can thiệp cho con phải lâu dài, thay vì nộp hồ sơ thi cao học như dự định, vì con, chị Tùng Lâm quyết định thay đổi mục tiêu - nộp hồ sơ thi vào Khoa Giáo dục đặc biệt Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. May mắn trúng tuyển, chị bắt đầu hành trình can thiệp cùng con. Ngoài việc cho con can thiệp tại lớp học đặc biệt, chị cũng đồng thời là cô giáo của con ở nhà. Con tiến bộ trông thấy, giảm thiểu được nhiều hành vi.

Ban đầu nộp hồ sơ thi vào khoa giáo dục đặc biệt, người mẹ ấy đơn giản chỉ muốn mình có thêm kiến thức để chăm sóc, can thiệp và dạy con. Tuy nhiên, sau khi học xong, chị lại quyết định chuyển hướng và xin về công tác tại Đơn nguyên tâm bệnh - Khoa Thần kinh tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa). Thấm thoắt, đã 14 năm chị gắn bó với nơi này.

Đến nay, từ một đứa trẻ bị tự kỷ với nhiều dấu hiệu điển hình, với sự can thiệp và đồng hành của mẹ, các hành vi của con trai chị giảm nhiều. Cháu biết giao tiếp cơ bản, tư duy phát triển... Hiện tại, chàng trai 19 tuổi đang theo học lớp lập trình viên hệ 3 năm.

“Là một người mẹ, cũng là cô giáo dạy trẻ tự kỷ, tôi hiểu việc trẻ bị tự kỷ không chỉ là bất hạnh với những đứa trẻ mà còn là nỗi buồn sâu thẳm với bậc làm cha mẹ. Từ cá nhân mình, tôi cũng thấu hiểu tâm trạng của cha mẹ khi có con bị tự kỷ. Hoang mang, lo lắng, thậm chí tôi đã từng có xúc cảm như mình rơi xuống vực thẳm, rồi đổ lỗi cho chính mình. Nhưng sau những xúc cảm ấy, cha mẹ phải biết được điều gì là tốt nhất, cần nhất cho con”, chị Tùng Lâm chia sẻ.

Những giọt nước mắt... hạnh phúc

Với chị Nguyễn Thị Thủy (thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung) mỗi lần nhắc lại những tháng ngày ròng rã đưa con bị tự kỷ đi can thiệp là thêm một lần người mẹ ấy rơi nước mắt - những giọt nước mắt hạnh phúc. 27 tháng tuổi, con trai Gia Minh của chị mới bập bẹ tập nói. Tuy nhiên, cháu nói rất ít, sau đó không nói nữa. Qua thăm khám của bác sĩ, chị mới biết con bị tự kỷ.

“Khi biết con bị tự kỷ, cũng như các bố mẹ khác, tôi thực sự rất buồn. Nhưng tới khi cho con đi can thiệp, với sự hỗ trợ tương tác của cô giáo, tôi còn bàng hoàng hơn khi phát hiện trước đó con không “nhận biết” được bố mẹ. Có nghĩa, bên con từ khi lọt lòng, nuôi con, nhưng con hơn 2 tuổi vẫn không biết bố là ai, mẹ là ai, cứ rời vòng tay bố mẹ là con lao chạy ra ngoài, mặc kệ xe cộ. Con thường xuyên khóc, cáu gắt...”.

Khi hiểu rõ tình trạng của con cũng là lúc chị Thủy bắt đầu hành trình “thắp” hy vọng cho con và cả chính mình. Chị xin nghỉ việc. Sau thời gian nỗ lực đưa con đi can thiệp và chăm sóc, niềm vui đã mỉm cười với gia đình chị. Từ một đứa trẻ tăng động, ít nói, chậm phát triển, Gia Minh giờ đây đã là học sinh lớp 5 hoạt ngôn, đặc biệt em còn học môn Văn khá tốt, em thích hát, chơi các loại nhạc cụ...

Từ một cậu bé có nhiều dấu hiệu bị tự kỷ, với sự nỗ lực và đồng hành của bố mẹ, Phạm Chí Kiên (đứng thứ 2 từ bên phải sang) giờ đây đã trở thành một chàng trai phát triển tốt cả về tư duy và kỹ năng sống.

Từ một cậu bé có nhiều dấu hiệu bị tự kỷ, với sự nỗ lực và đồng hành của bố mẹ, Phạm Chí Kiên (đứng thứ 2 từ bên phải sang) giờ đây đã trở thành một chàng trai phát triển tốt cả về tư duy và kỹ năng sống.

Về nỗ lực can thiệp cho con, chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ: “Hiện nay, trẻ bị tự kỷ không phải là chuyện hiếm gặp. Bố mẹ đừng quá bi quan, suy nghĩ quá nhiều rồi tự trách mình. Thay vào đó, hãy nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế có chuyên môn để biết mình cần phải làm gì. Đến giờ, tôi vẫn nhớ câu nói của cô giáo đã can thiệp cho con mình, rằng 20% con tốt lên là nhờ thầy cô, nhưng 80% còn lại quyết định bởi sự đồng hành của cha mẹ. Chính sự động viên, chia sẻ của cô giáo đã khiến tôi quyết định mình cũng phải “học” cùng con. Tôi học các bác sĩ, cô giáo về phương pháp can thiệp, dạy con. Bởi thực tế, thời gian con đến cơ sở để học, can thiệp chỉ vài tiếng trong ngày, còn lại là ở với bố mẹ. Nếu bố mẹ không sát sao, đồng hành cùng con, rất khó có kết quả tốt nhất”.

Cũng như chị Thủy, câu chuyện đồng hành cùng con trai bị tự kỷ của chị Ngô Thị Hà (thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh) khiến người nghe cảm động.

“Khi con 2 tuổi, tôi phát hiện cháu có nhiều biểu hiện lạ. Ngoài việc chậm nói, nói những từ vô nghĩa, cháu thường đi nhón chân, hay đập phá đồ đạc... Tôi tình cờ xem chương trình trên ti vi nói về tình trạng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ, lúc này mới giật mình nhìn lại con mình. Vội vàng đưa con đi khám và hoảng hốt nhận kết quả con bị tự kỷ với hầu hết triệu chứng điển hình”, chị Hà nhớ lại.

Sau đó là liên tục 4 năm mẹ con chị Hà những chuyến ngược xuôi từ miền núi Lang Chánh xuống TP Thanh Hóa để con được can thiệp kịp thời. “Ban đầu, tôi chỉ hy vọng con có thể nói được, cảm nhận được, hiểu được những điều bố mẹ nói, biết kiềm chế cảm xúc... Nhưng rồi, kết quả đã vượt ngoài mong đợi. Con biết nói, biết đọc, không còn ném đồ... Nếu so với trước đây, tình trạng tự kỷ ở con đã giảm khoảng 60%. Đặc biệt, dù là trẻ tự kỷ nhưng khả năng ghi nhớ của con khá tốt, con học tốt môn Toán và tiếng Anh. Chứng kiến con tốt lên từng ngày, người mẹ có con bị tự kỷ như tôi như tìm lại được nguồn sống của chính mình”, chị Hà chia sẻ.

Từ một đứa trẻ bị tự kỷ, Phạm Chí Kiên - con trai chị Hà giờ đây đã trở thành chàng trai 16 tuổi khỏe mạnh, phát triển tốt cả về tư duy và các kỹ năng sống cần thiết.

Câu chuyện của những người mẹ như chị Tùng Lâm, chị Hà, chị Thủy và nhiều bậc làm cha mẹ có con bị tự kỷ là hành trình của những nỗ lực không mệt mỏi. Ở đó, bất hạnh, đau khổ đã bị đẩy lùi bởi tình yêu thương và sự trách nhiệm.

Bài và ảnh: Thu Trang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/thap-len-anh-sang-cuoc-doi-cho-tre-tu-ky-nhung-nguoi-me-dac-biet-34442.htm