Tháo gỡ 'nút thắt' để phát huy dư địa tái cơ cấu ngân sách nhà nước

Thời gian qua, công tác tái cơ cấu ngân sách đã được Bộ Tài chính triển khai quyết liệt và đạt những bước tiến quan trọng. Dư địa để tiếp tục triển khai công tác này vẫn còn nhưng sẽ dần thu hẹp, đặt ra yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải nỗ lực hơn nữa.

Nhiều mặt hàng NK có thuế suất 0% khi các Hiệp định FTA có hiệu lực. Trong ảnh: Công chức Hải quan Cao Bằng kiểm tra thực tế hàng hóa. Ảnh: T.Bình.

Thu ngân sách Trung ương đang giảm

Bản báo cáo gửi Quốc hội về đánh giá tình hình ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 của Chính phủ đã đưa ra một bức tranh tổng thể đáng khích lệ. Năm 2018, tổng thu NSNN vượt khá, tăng tới 8% so với dự toán, cao hơn mức tăng trưởng GDP. Tỷ trọng huy động ngân sách bình quân của 3 năm 2016 - 2018 đạt 24,5% GDP, trong đó tỷ trọng thu từ thuế và phí là 21,2% GDP, đều đạt mục tiêu đề ra tương ứng là trên 23,5% và khoảng 21,5%. Những tháng đầu năm 2019, NSNN liên tục thặng dư.

Điểm quan trọng cần nhắc tới là cơ cấu ngân sách chuyển dịch tích cực, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết 07-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020. Trong tổng thu, thu nội địa giai đoạn 2011 - 2015 là 68% nhưng giai đoạn 2016 - 2018 lên đến 80,3%, tỷ trọng thu từ dầu thô chỉ còn khoảng 4%. Tuy nhiên, tỷ trọng thu của ngân sách Trung ương đang giảm, có nguy cơ khó đạt mục tiêu.

Một trong những lý do là theo phân cấp ngân sách, ngân sách Trung ương có 2 nguồn chính là thu từ xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô trong khi thời gian gần đây, Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu, cắt giảm thuế quan về 0% rất nhiều. Đó là một khó khăn hiện ngành Tài chính đang nỗ lực vượt qua. Chính sách thu tiếp tục được hoàn thiện theo hướng giảm nghĩa vụ thuế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng ưu đãi, cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo yêu cầu hội nhập. Đồng thời, công tác quản lý về tài chính nói chung, đặc biệt là thuế, hải quan được hiện đại hóa, đẩy mạnh cải cách để phục vụ người dân, DN tốt hơn.

Đánh giá cụ thể hơn về vấn đề tái cơ cấu NSNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay: Qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu, Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Việt Nam đã phục hồi tỷ lệ động viên vào ngân sách từ mức 21% - 22% GDP lên mức bình quân gần 24% GDP. Cơ cấu thu chuyển dịch quan trọng, thu từ sản xuất, kinh doanh, từ thuế phí đã đạt hơn 80% tổng thu ngân sách. Trong cơ cấu chi NSNN, Việt Nam đã kiên định giảm bội chi từ trên 5% GDP vào năm 2015 xuống còn 2,74% GDP năm 2017, phấn đấu đến năm 2020 khoảng 3% GDP. Với kết quả đó, nợ công đã giảm từ 63,8% GDP đến nay còn 58,4% GDP và xu hướng đang giảm xuống vững chắc. Trong tổng nợ công đã cơ cấu lại, kỳ hạn nợ dài hơn, bình quân trên 12 năm, lãi suất chỉ còn 4,2% - 4,5%/năm và đây là tỷ lệ hợp lý cơ cấu lại nợ công.

Thu tăng, chi khó giảm

Sự tích cực nói trên là không thể phủ nhận, dư địa tái cơ cấu NSNN vẫn còn rất lớn, song thách thức cũng không ít. Đó là các vấn đề như: Dân số già hóa, biến đổi khí hậu, hội nhập sâu và dư địa tài khóa khó điều chỉnh tăng thu. Tất cả các yếu tố trên đều ảnh hưởng tới thu ngân sách cũng như tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện chi khó giảm, lại khó điều chỉnh tăng thu sẽ tác động tới bội chi và nợ công.

Những thách thức đó đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện lại hệ thống chính sách thuế, giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách thuế với quan điểm thúc đẩy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa để vừa huy động hợp lý vào ngân sách nhưng vừa đảm bảo mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc về chống chuyển giá, phòng chống gian lận thuế. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách minh bạch, đề cao vai trò của kế hoạch tài chính trung hạn, vai trò quản lý ngân sách theo đầu ra; tiếp tục cơ cấu lại nợ công để giảm tỷ lệ nợ công cũng như quản lý chặt chẽ nợ nước ngoài của quốc gia, nợ Chính phủ; cần nâng cao vai trò của Kho bạc Nhà nước trong quản lý thu chi NSNN và nợ công; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Chia sẻ về giải pháp, ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho rằng: Trong thời gian tới, các chính sách tài chính phải góp phần ổn định vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh; thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, môi trường; đồng thời tạo dư địa tài khóa để xử lý các rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện chính sách thu theo hướng minh bạch, hiệu quả, mở rộng cơ sở thu và điều chỉnh các ưu đãi; nâng cao hiệu quả quản lý thu thông qua việc hiện đại hóa công tác quản lý. Về chi NSNN, sẽ tăng tích lũy cho đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước; quản lý chi gắn với kết quả đầu ra.

Vụ trưởng Vụ NSNN cũng cho rằng, cần kiểm soát quy mô chi trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của đất nước; ưu tiên xử lý các bất cập trong quản lý vốn đầu tư công, khắc phục các vấn đề phân bổ dàn trải, chậm, giải ngân không đạt kế hoạch, chuyển nguồn kéo dài; đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý. Ngoài ra, tăng cường xã hội hóa việc cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở hoàn thiện cơ chế chính sách và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ công giữa các đơn vị, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, trong việc tiếp cận nguồn kinh phí NSNN cho phát triển dịch vụ sự nghiệp công,… Đó sẽ là những nút thắt quan trọng cần sự nỗ lực “tháo gỡ” của tất cả các lĩnh vực để nhiệm vụ tái cơ cấu NSNN tiếp tục thành công.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/thao-go-nut-that-de-phat-huy-du-dia-tai-co-cau-ngan-sach-nha-nuoc-105697.html