Tháo bỏ những 'điểm nghẽn' kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân

Tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 dự kiến diễn ra ngày 19/9 tới, một trong những chủ đề sẽ được thảo luận là 'tăng cường nội lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó'. Trước thềm diễn đàn, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - một diễn giả tại diễn đàn, về những vấn đề, giải pháp mà ông sẽ đề xuất.

Hiện vẫn còn nhiều ách tắc, tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh: TL

PV: Thưa ông, xin ông cho biết vấn đề mà ông quan tâm và sẽ trình bày tại diễn đàn lần này là gì?

TS. Nguyễn Đình Cung: Vấn đề trọng tâm tôi sẽ đưa ra tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 là một số giải pháp từ phía Nhà nước để phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trở thành động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Như chúng ta đã biết, nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và sẽ tiếp tục mở ngay trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực được dự báo là sẽ có biến động khó lường hơn. Vì vậy, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và có sức chống chịu đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển là một trong các yếu tố quyết định sức chống chịu của nền kinh tế.

TS Nguyễn Đình Cung

Từ trước đến nay, chúng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể qua từng thời kỳ về khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể như Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030 đã đưa ra chủ trương “phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%”, với những giải pháp hết sức thiết thực.

Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã đề ra hàng loạt các giải pháp khá cụ thể.

Các giải pháp được đề ra là đầy đủ, phù hợp, có hệ thống, tập trung vào các vấn đề cơ bản của môi trường pháp lý đối với kinh doanh hiện nay. Tuy vậy, các chủ trương, giải pháp này đã chưa được thực hiện một cách đầy đủ và nhất quán.

PV: Vậy ông có những kiến nghị gì để các chủ trương, giải pháp về phát triển kinh tế tư nhân được thực hiện đầy đủ, đạt kết quả như kỳ vọng?

TS. Nguyễn Đình Cung: Từ những chủ trương, định hướng của Đảng, trong tham luận của mình, tôi đã kiến nghị cụ thể hóa thêm một số giải pháp tập trung gỡ “các điểm nghẽn” đang kìm hãm phát triển của doanh nghiệp tư nhân, bao gồm: tăng nhanh số doanh nghiệp gia nhập thị trường; mở rộng quyền tự do kinh doanh; đảm bảo an toàn tối đa trong hoạt động kinh doanh; đổi mới cách thức, thái độ làm việc của công chức và cơ chế kiểm soát chất lượng văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ; hỗ trợ có chọn lọc với các doanh nghiệp lớn; “cởi trói” cho ngành dịch vụ…

Tiếp cận theo phương pháp “chọn bỏ” thay vì “chọn cho”

Trong xây dựng luật pháp, phải tiếp cận theo phương pháp “chọn bỏ” trong soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, dân sự và áp dụng nguyên tắc kể trên để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy pháp pháp luật hiện đang theo nguyên tắc “chọn cho”, nhất là các luật chuyên ngành, đảm bảo người dân được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm như Hiến pháp 2013 đã quy định.

Trong đó, tôi muốn nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh, giảm rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ. Để làm được điều này cần có một số yếu tố sau: Luật pháp phải rõ ràng, nhất quán, minh bạch và đặc biệt là dự đoán trước được; có hệ thống tài phán (tòa án, trọng tài…) cung cấp dịch vụ công lý công bằng, tin cậy và hiệu quả; có thể chế thực thi luật pháp công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Trong điều kiện nước ta hiện nay, các yếu tố nói trên còn chưa đầy đủ ở mức độ khác nhau. Theo tôi, có một số giải pháp, nếu được thực hiện, sẽ tăng đáng kể mức độ an toàn trong đầu tư kinh doanh, đồng thời cũng giảm đáng kể rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Cụ thể đó là, bỏ thông tư, quyết định của các bộ như một loại văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; tập trung sửa đổi, bổ sung pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, luật pháp quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng.

Pháp luật trong lĩnh vực này còn thiếu cụ thể, thiếu nhất quán, chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn..., tạo chi phí tuân thủ lớn và gây nhiều rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Trước hết, nên xem xét, bỏ đi một số luật không còn cần thiết, hợp nhất một số luật có phạm vi điều chỉnh chồng lấn; sau đó, mới sửa đổi, bổ sung nâng cao chất lượng các văn bản còn lại.

Hạn chế tối đa tiến tới loại bỏ hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Các hoạt động kinh tế phát sinh hay dựa trên hợp đồng dưới mọi hình thức giữa các bên đều là việc kinh tế dân sự; không thuộc đối tượng áp dụng của luật hình sự… Trong trường hợp luật pháp chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu và có thể áp dụng khác nhau, thì sử dụng cách hiểu và cách áp dụng có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, thực hiện cuộc cải cách thủ tục hành chính tư pháp tương tự như cải cách hành chính hành pháp đã thực hiện trong gần 30 năm nay.

PV: Ông đề cập đến tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh. Vậy giải pháp ông đề xuất là gì?

TS Nguyễn Đình Cung: Có thể nói, chúng ta đã đạt được bước tiến dài và rất căn bản trong tự do kinh doanh. Tuy vậy, vẫn còn không ít dư địa mở rộng hơn nữa quyền tự do kinh doanh.

Một số giải pháp tương ứng có thể là, bỏ yêu cầu khai báo ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Thực ra, yêu cầu khai báo ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là không phù hợp với tinh thần và nội dung của Luật Doanh nghiệp.

Bãi bỏ, thu hẹp tối đa danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng. Có thể nói, đây là một trong các rào cản lớn nhất hiện nay đối với tự do kinh doanh ở nước ta.

Cùng với đó, bãi bỏ, thu hẹp tối đa danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, thực hiện phổ biến hậu kiểm dựa trên đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp có liên quan.

PV: Xin cảm ơn ông!

Coi mục tiêu doanh nghiệp tăng thêm là ưu tiên trong kế hoạch hàng năm

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 30 năm qua, đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, số lượng chưa nhiều, tốc độ gia tăng số doanh nghiệp đang hoạt động hàng năm là không cao và đang giảm dần.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, thì trong giai đoạn 2024 - 2030, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất Chính phủ phải xác định số lượng doanh nghiệp tăng thêm hàng năm khoảng 143.000 là một mục tiêu ưu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm.

Muốn đạt mục tiêu đầy thách thức nói trên cần phải có hàng loạt giải pháp tương ứng nhằm tăng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm, tăng số doanh nghiệp quay lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng vì các lý do khác nhau, giảm số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, phá sản…

Các giải pháp, biện pháp cụ thể sẽ được thể hiện trong một chương trình khuyến khích khởi nghiệp, đồng hành và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân kéo dài và liên tục trong suốt thời kỳ 2024-2030. Như vậy, chương trình này có thể sẽ được bổ sung, sửa đổi, làm mới hàng năm, nhất là nội dung liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp, để phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực tế đã thay đổi.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thao-bo-nhung-diem-nghen-kim-ham-su-phat-trien-cua-doanh-nghiep-tu-nhan-135822-135822.html