Thành phố Hồ Chí Minh lập Ban Chỉ đạo xây dựng Thành phố học tập

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng Thành phố học tập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HUTECH

Theo đó, Ban Chỉ đạo xây dựng Thành phố học tập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 44 thành viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi làm Trưởng ban và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thành phố Dương Anh Đức làm Phó Trưởng ban Thường trực.

Ban Chỉ đạo còn có các phó trưởng ban và nhiều thành viên thuộc các sở, ngành liên quan.

Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết định thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.

Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo bao gồm 27 thành viên, trong đó, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, làm Tổ trưởng tổ này.

Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc có nhiệm vụ tổ chức triển khai, tham mưu thực hiện các tiêu chí của Bộ tiêu chí Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch thực hiện xây dựng Thành phố học tập giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn thành phố.

Nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo do người đứng đầu tổ chức phối hợp liên ngành phân công.

Ban Chỉ đạo họp định kỳ hàng quý hoặc sáu tháng một lần để rà soát, đánh giá tình hình, kết quả đạt được theo yêu cầu đề ra và giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có).

Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực chuẩn bị nội dung cuộc họp. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng Thành phố học tập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định hiện hành.

Trước đó, ngày 30/3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ vinh danh, đón nhận danh hiệu "Thành phố Hồ Chí Minh là thành viên Mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO".

Tại lễ vinh danh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động triển khai thực hiện Chương trình hành động xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024-2030" trên địa bàn thành phố.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị thực hiện 5 nhiệm vụ sau khi gia nhập Mạng lưới học tập toàn cầu:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo.

2. Công tác triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập phải gắn với triển khai thực hiện các đề án học tập.

3. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

4. Nội dung được xác định cụ thể thông qua việc xác định các chỉ tiêu thực hiện, phù hợp với từng cơ quan.

5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Thiên Ân

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-lap-ban-chi-dao-xay-dung-thanh-pho-hoc-tap-179240425150906717.htm