Thành phố đã có những giải pháp trước mắt và lâu dài cho người dân vùng ngập lụt Chương Mỹ

Trước ý kiến của cử tri đề xuất TP phải có giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt tại một số xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ, UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố đã có những giải pháp trước mắt và lâu dài với mục tiêu để người dân có thể sống chung với lũ và phát triển bền vững…

Sáng 27/10, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cùng các đại biểu quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 7 đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Chương Mỹ sau Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri kiến nghị có phương án phòng chống ngập lụt

Tại buổi tiếp xúc, bày tỏ phấn khởi trước những kết quả của kỳ họp thứ sáu của Quốc hội. Cử tri đánh giá, kỳ họp đã có nhiều đổi mới, đặc biệt phần chất vấn được tiến hành kỹ lưỡng, thẳng thắn trách nhiệm, đi đến cùng các vấn đề cử tri quan tâm. Mọi ý kiến chất vấn đều hướng tới lợi ích dân tộc, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với cử tri.

Cùng với sự phấn khởi trước thành công của kỳ họp, các cử tri cũng bày tỏ băn khoăn về các vấn đề dân sinh vẫn còn gây nhiều nhức nhối trên địa bàn, tiêu biểu là việc khắc phục tình trạng ngập lụt tại địa phương; vấn đề xây dựng NTM; phát triển nông nghiệp(NN); tình trạng ô nhiễm Sông Đáy…

Cử tri huyện Chương Mỹ phát biểu tại buổi tiếp xúc

Nêu ý kiến với các đại biểu Quốc hội, cử tri Nguyễn Văn Vĩnh (xã Nam Phương Tiến) cho biết, do địa hình huyện được chia 3 vùng rõ rệt nên mùa mưa bão, 8 xã của huyện đều bị ngập lụt. Đặc biệt năm 2018 do hoàn lưu bão số 3, xã Nam Phương Tiến bị ngập lụt rất nặng. Cử tri kiến nghị các đại biểu quan tâm, đề xuất để huyện chủ động ứng phó với mưa lũ, trong đó quan tâm phê duyệt đầu tư dự án thoát lũ từ Kim Bôi về huyện, điều hành việc xả lũ thủy điện Hòa Bình; đầu tư kinh phí cải tạo các tuyến đê đảm bảo đê không bị xói mòn; đầu tư các công trình thoát lũ như cầu cống; nâng cấp các đường liên thôn để khi lũ về có đường thoát lũ và thuận tiện cho việc cung cấp thực phẩm hỗ trợ nhân dân; xem xét phê duyệt đất đai để di chuyển trụ sở của cấp xã và người dân lên vùng cao;

Nêu ý kiến về vấn đề xây dựng NTM, cử tri Vũ Văn Mệnh (xã Quảng Bị) cho biết, hiện việc xây dựng NTM rất khó khăn. Đặt mục tiêu đạt huyện NTM vào năm 2020 nhưng hiện tại toàn huyện chỉ đạt 22/32 xã NTM. Theo cử tri, những xã còn chưa đạt chuẩn NTM nguyên nhân là do có xuất phát điểm thấp, nhiều tiêu chí về hạ tầng, giao thông nội đồng, điện, trường học... chưa đạt. Cử tri mong muốn các đại biểu kiến nghị TP đầu tư hơn nữa về kinh phí để huyện hỗ trợ các xã trong vấn đề giao thông nông thôn; đảm bảo tiêu chí về điện để người dân đẩy mạnh mô hình nuôi trồng thủy sản; tiếp tục đầu tư về tiêu chí trường học…

Cử tri Hoàng Văn Toàn (thị trấn Chúc Sơn) bày tỏ, qua theo dõi báo đài, cử tri phấn khởi khi Việt Nam có nhiều Nghị định phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo cử tri, đây sẽ là nguồn sinh khí mới tạo ra nhiều năng suất chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế của Thủ đô và đất nước. Dù vậy, cử tri băn khoăn chất lượng sản xuất chưa đủ cạnh tranh do ngành trồng trọt của nước ta còn manh mún, sản xuất còn mang tính truyền thống, việc liên kết sản xuất còn gặp nhiều khó khăn… Để đẩy mạnh sản xuất trên địa bàn huyện, cử tri đề nghị các đại biểu kiến nghị Thành phố thường xuyên quan tâm, có các chính sách hỗ trợ ưu đãi phát triển NN; quan tâm điều tiết giá cả thị trường, đảm bảo các tổ chức doanh nghiệp yên tâm sản xuất không để tái diễn tình trạng được mùa mất giá; phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt dự án sản xuất NN theo chuỗi; có chính sách hỗ trợ các tổ chức, đơn vị kinh doanh tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi tạo động lực phát triển sản xuất; có chế tài xử lý những bên tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi không đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Toàn cảnh Hội nghị

Một số ý kiến của cử tri cũng đề nghị các đại biểu quan tâm đẩy nhanh khu đô thị vệ tinh Xuân Mai; cải tạo tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Đáy; đầu tư nguồn nước sạch sông Đà cho người dân; quan tâm nâng cấp cải tạo mặt đê, kè những điểm sạt lở để người dân tham gia giao thông được an toàn…

Cần giải pháp căn cơ cho vùng lũ

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải bày tỏ vui mừng khi các cử tri theo sát hoạt động của Quốc hội cũng như đoàn ĐBQH thành phố, dù các hoạt động thuộc vấn đề của địa phương hay cả nước. Đánh các ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc hôm nay rất chất lượng, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã dành thời gian trao đổi với các cử tri về những kiến nghị đề xuất.

Với các kiến nghị về chính sách phát triển NN, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, tới đây HĐND TP sẽ ban hành 12 chính sách hỗ trợ sản xuất NN. Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất NN theo chuỗi đòi hỏi vai trò lớn chính quyền địa phương và các sở ngành. Huyện phải chủ động liên kết các sở để xây dựng các chuỗi, ngoài ra phải quy hoạch được vùng sản xuất để đảm bảo quy mô đủ, kêu gọi các hộ dân liên kết với nhau, những mô hình đã có phải làm tốt hơn trong thời gian tới.

“Thực hiện liên kết, tốt hơn hiệu quả hơn sẽ hạn chế được phụ thuộc vào thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá” – Bí thư Thành ủy lưu ý.

Về tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy, Trưởng đoàn ĐBQH cho biết, đây là chủ trương của Chính phủ và TP Hà Nội nhiều năm qua. Thành phố đã có kế hoạch nạo vét sông Đáy do Bộ NN làm chủ đầu tư và đã thực hiện giai đoạn I, sau mấy năm bị gián đoạn hiện Bộ NN đang tiếp tục triển khai làm sống lại dòng sông này, đảm bảo duy trì nguồn nước tưới tiêu cho NN.

"Hiện có 700 nguồn xả thải vào sông Đáy, 152 cống xả thải vào sông Đáy, 72 cổng xả thải vào sông Nhuệ. Vì vậy Thành phố, Sở TNMT, Công an TP phải kiên quyết kiểm tra, xủa lý. Thành phố, huyện, xã phải kiểm soát các vi phạm xả thải, đấu tranh xử lý kiên quyết" - Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh

Trước ý kiến của người dân về tính trạng khắc phục ngập lụt mỗi năm tại một số xã trên địa bàn huyện, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố đã có quy hoạch và một loạt dự án ngắn và dài hạn với mục tiêu làm sao sống chung với lũ và phát triển bền vững.

Về nguyên nhân về tình trạng ngập lụt không phải là do nguồn xả lũ Hòa Bình mà còn do bị tác động của biến đổi khí hậu, do vậy cần chuẩn bị các giải pháp căn cơ để ứng phó với tình trạng này; trước mắt, cần quy hoạch lại các khu dân cư, trụ sở đảm bảo bền vững nhưng lại phải gắn với vùng sản xuất, văn hóa, lịch sử…

Để khắc phục tình trang lũ rừng ngang, hiện TP đã giao cho Sở NN nghiên cứu khả năng rút nước ở Hữu Bùi, nghiên cứu trạm bơm, trước hết quy hoạch lại khu dân cư trụ sở, xây thêm các đê quây, đê bao. Các công trình hạ tầng, hệ thống điện phải nâng cốt lên cao hơn.

Với các kiến nghị về hạ tầng giao thông nông thôn, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải lưu ý đây là việc không bao giờ kết thúc, dù chương trình NTM của địa phương đã đạt. Chính quyền địa phương phải làm tốt công tác đầu tư, khắc phục những hạn chế về hạ tầng thì mới có thể phát triển trong thời gian tới…

Tú Linh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/thanh-pho-da-co-nhung-giai-phap-truoc-mat-va-lau-dai-cho-nguoi-dan-vung-ngap-lut-chuong-my-d2059016.html