Thanh kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm về mua sắm phòng dịch

Theo Bộ Tài chính, cùng với việc thực hiện 3 cuộc thanh tra, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá toàn diện về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp sai phạm, trong đó có công tác mua sắm phòng chống dịch.

Đã hỗ trợ 74 nghìn tỷ đồng chống dịch

Cử tri tỉnh Nam Định cho biết, tính đến hết tháng 8/2021, cả nước đã chi 18.800 tỷ đồng ngân sách cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nguồn kinh phí trên, đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra xác minh đối tượng được hưởng trợ cấp không được công khai, minh bạch, không tuân thủ các quy định dẫn đến việc sai sót, thậm chí kê khai trùng lặp đối tượng, địa chỉ không chính xác, hoặc giả mạo để “lọt lưới” số tiền này.

Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Tài chính, để ứng phó với dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều chính sách tài khóa về thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã được ban hành và khẩn trương triển khai thực hiện; NSNN tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch, đảm bảo đời sống cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tăng cường thanh tra, giám sát để chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong mua sắm phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: TL.

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2021, NSNN đã quyết định chi 45,1 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 và 28,9 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng cộng là 74 nghìn tỷ đồng (trong đó, trung ương đã chi 26,3 nghìn tỷ đồng, các địa phương đã chi từ ngân sách địa phương 47,7 nghìn tỷ đồng).

Cùng với nguồn NSNN, thời gian qua đã đẩy mạnh xã hội hóa huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho công tác phòng, chống dịch, mua vắc-xin đẩy mạnh tiêm phòng Covid-19 cho nhân dân, tiến tới miễn dịch cộng đồng.

Qua đó, đã phát huy hiệu quả rất tích cực, dịch đã cơ bản được kiểm soát từ cuối tháng 9/2021, các hoạt động kinh tế - xã hội đã dần được khôi phục trong trạng thái “bình thường mới”, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, góp phần hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân, vừa phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Chống thất thoát, tham nhũng trong chi phòng chống dịch

Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sử dụng kinh phí cho phòng, chống Covid-19, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, tại các nghị quyết Quốc hội đã yêu cầu siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các giải pháp hỗ trợ nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, nhất là lãng phí trong quản lý, sử dụng NSNN, đất đai, tài nguyên. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, đơn vị và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 9/2/2021 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Chính phủ đã giao các bộ, ngành địa phương thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, chế độ phòng, chống dịch Covid-19.

Trong tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chi trong phạm vi dự toán, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng NSNN nói chung và kinh phí chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nói riêng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Tại Nghị quyết số 42/2021/QH15 về Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kinh phí chi cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Căn cứ Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành quyết định kế hoạch kiểm toán năm 2022. Trong đó bao gồm kiểm toán chuyên đề về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ, thời gian thực hiện kiểm toán trong quý I/2022.

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 127/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 9/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP về ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 621/QĐ-TTCP phê duyệt kế hoạch 3 cuộc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, UBND TP.Hồ Chí Minh, thời gian thực hiện thanh tra trong quý I/2022.

"Căn cứ vào các quy định hiện hành, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá toàn diện về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành và thực hiện các chính sách, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp sai phạm (nếu có)", văn bản gửi đến cử tri tỉnh Nam Định, Bộ Tài chính nêu rõ./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thanh-kiem-tra-chan-chinh-cac-sai-pham-ve-mua-sam-phong-dich-99089.html