Tháng Bảy - hành trình từ trái tim
Ở Báo Pháp luật Việt Nam, tháng Bảy là thời điểm được những người làm báo chúng tôi mong chờ. Năm nay càng nhiều cảm xúc hơn khi chúng tôi đi hàng ngàn cây số trong những ngày đầu đất nước chuyển mình sáp nhập, khi 'vùng trời nào của Tổ quốc cũng là quê hương' - năm thứ 18 của hành trình tri ân và cũng là kỷ niệm 40 năm ngày ra số báo đầu tiên.
“Có một bài ca không bao giờ quên”
Mỗi tháng Bảy về, những người làm báo Pháp luật Việt Nam vẹn nguyên một hành trình đầy cảm xúc và biết ơn trên dải đất khốc liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ, khúc ruột miền Trung ruột thịt - Hà Tĩnh - Quảng Trị (bao gồm Quảng Bình cũ). Năm nay Đoàn do đồng chí Phó Tổng Biên tập Trần Ngọc Hà dẫn đầu đoàn đã dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Khu di tích Thành cổ Quảng Trị.
Và như một mối duyên kỳ lạ, năm nào người đón chúng tôi tại Ngã ba Đồng Lộc, nơi túi bom “cả dân tộc đã đi qua” trong những năm bom đạn ác liệt chống Mỹ cũng là anh Đào Anh Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng tỉnh Hà Tĩnh, phụ trách mảng tuyên truyền - thuyết minh.
Anh là một trong số những thuyết minh đầu tiên của Khu di tích hơn 20 năm qua. Với chất giọng Can Lộc đặc trưng nhưng vô cùng trầm ấm, anh Tuấn luôn khiến chúng tôi nghẹn ngào khi nói về khoảng lặng của chiến tranh, nơi 10 cô gái tuổi 20 đã mãi mãi nằm lại nơi này sau một trận bom ác liệt… Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh những năm chống Mỹ, cứu nước là “yết hầu” trên con đường Trường Sơn huyền thoại, mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.
Ngày 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong Tiểu đội Võ Thị Tần thuộc C552, Tổng đội thanh niên xung phong 55 đã anh dũng hi sinh trong lúc đào lấp hố bom thông đường. Ngày nay, nhà Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc vẫn lưu giữ những kỷ vật khoác lên màu thời gian, những bằng chứng của tội ác chiến tranh thể hiện tinh thần bất khuất quật, cường của những cô gái thanh niên xung phong quả cảm.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong mỗi người làm Báo Pháp luật Việt Nam luôn tin rằng, sự hi sinh anh dũng và cuộc sống, chiến đấu của 10 nữ liệt sĩ cùng quân và dân ta ở Ngã ba Đồng Lộc sẽ mãi trường tồn, bất tử, trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam. Tháng Bảy hàng năm, Đoàn công tác tri ân của Pháp luật Việt Nam đã dâng lên linh hồn của 10 liệt nữ những nén hương, những bông hoa trắng thơm ngát tinh khôi với tất cả lòng biết ơn, trân trọng, thương yêu.
Tiếp đó chúng tôi tới vùng đất “chang chang cồn cát nắng trưa” Quảng Bình (nay thuộc Quảng Trị) để viếng khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến, trời rộng xanh ngắt, từng con sóng biển nhỏ yên nhẹ xô nhau vào bờ. Nắng hè tỏa rạng lên khu mộ vị tướng huyền thoại. Trước anh linh Người, chúng tôi dâng nén tâm hương với tất cả lòng ngưỡng vọng tôn kính.

Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.
Và dải đất vĩ tuyến 17 càng khốc liệt hơn, nơi những nỗi đau như chạm tới với những con số nhói lòng - Quảng Trị là nơi nằm lại của gần 70 ngàn liệt sĩ sau những cuộc chiến vệ quốc trường kỳ. Các anh yên nghỉ vĩnh hằng trong ấm áp tình đồng chí, đồng bào ở 72 nghĩa trang từ cấp xã đến cấp quốc gia. Sau 50 năm đất nước đã im tiếng súng bom, nhưng chưa một ai khẳng định được, đâu là cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cuối cùng...
Nơi ấy, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam - Bắc 20 năm đằng đẵng. Nơi những người vợ, người chồng, người con chiều chiều chạy dọc sông gọi mẹ đang giặt bên kia bờ… Nơi mỗi tên làng, tên xóm là những trận đánh lịch sử… Nơi hàng ngàn liệt sĩ tuổi 20 đã mãi mãi ở lại, hòa vào núi sông, cây cỏ mùa hè “đỏ lửa” năm 1972…
Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 chỉ cách nhau chưa đầy 30km là hai Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia lớn nhất cả nước với khoảng 10 ngàn mộ/nghĩa trang. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 có một phần mộ to lớn khác thường ở phía Đông mà cứ mỗi khi dâng hương tại khu tưởng niệm trung tâm, không ít người trong chúng tôi đều lặng lẽ tìm về.
Đây là phần mộ chung của một tiểu đội giữ Cứ điểm 241 Tân Lâm (huyện Cam Lộ cũ). Trong trận đánh cuối cùng, họ quyết trụ lại trong hầm công sự để giữ cứ điểm. Một quả bom dội trên nóc hầm, họ ngã xuống, hài cốt hòa lẫn vào nhau và được về an táng chung vào nấm mồ này.


Phó Tổng Biên tập Trần Ngọc Hà thắp hương tại các mộ phần anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và cùng các đồng nghiệp thỉnh chuông tại Nghĩa trang.
Thành cổ Quảng Trị dội vang bởi trận chiến 81 ngày đêm mùa hè rực lửa năm 1972 giữa ta với quân Mỹ - ngụy (nơi đây đã phải hứng chịu 328 ngàn tấn bom, đạn - tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản 1945). Để giữ từng tấc đất thiêng Thành cổ, hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống, hầu hết đang trong độ tuổi đôi mươi đẹp nhất đời người. Mỗi tấc đất là một cuộc đời lính có thật, mỗi mét vuông đất là mét vuông máu. “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”.
“Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ/Cỏ non Thành cổ, người mẹ nào, người vợ nào nghẹn ngào nuốt lệ/Khi chồng con không trở về”… Mỗi lần bước chân vào Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi đều rưng rưng bước đi thật nhẹ trong lời ca khúc này… Và họ đã trở thành bất tử như thế, để mỗi độ tháng Bảy về, chúng ta đều nghẹn ngào “thắp một nén hương cho người nằm dưới mộ. Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ, xin chớ vô tình”…
Chúng tôi thấy mình bé mọn giữa đất trời tháng Bảy miền Trung
Trở lại với tháng Bảy miền Trung, dải đất khốc liệt, kiên trung, mỗi chúng tôi trên hành trình của mình đều thấm thía hơn bao giờ những khúc ca bi tráng, máu xương của cha anh mình đã ngã xuống, cho màu xanh bình yên, cho những xóm làng, phố thị đã đổi thay từng ngày. Dấu tích chiến tranh chỉ còn lặng im nơi bạt ngàn các nghĩa trang yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ khi họ còn quá trẻ. Nơi ấy, nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn, về lịch sử hào hùng của cha anh. Nơi mỗi người dân Việt từ những người bình thường, nhỏ bé nhưng khi có giặc đều “đứng dậy chói lòa” - bởi đất nước của những người “không bao giờ khuất”…

Những người làm Báo Pháp luật Việt Nam bên gốc cây bồ đề tại Ngã ba Đồng Lộc.
Năm 2020, trong một chuyến tri ân tháng Bảy, Báo Pháp luật Việt Nam đã trồng một cây bồ đề nhỏ tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Ở nơi đất trời thiêng liêng bạt ngàn nắng gió ấy, cây bồ đề ấy giờ đã vươn cao, rợp bóng, như một chứng nhân lặng lẽ cho lòng biết ơn đang ngày một lan rộng, bén rễ và lớn mạnh...
Dưới gốc cây bồ đề, Phó Tổng Biên tập Trần Ngọc Hà xúc động chia sẻ: “Mỗi năm trở lại, thăm cây như gặp lại một tâm hồn tươi trẻ. Cây lớn phổng phao, khỏe mạnh giữa bạt ngàn cây lá ở đây, như khỏa lấp đi những đau thương dày lên thành sẹo ở mảnh đất ác liệt thời đạn lửa... Và tôi cũng thấy mình bé mọn giữa đất trời tháng Bảy miền Trung. Giữa miền đất thấm đẫm máu xương này, sự khiêm nhường nào cũng thấy là chưa đủ. Chúng tôi hiểu: Được sống, được viết, được góp phần nhỏ bé cho công lý và lẽ phải là một món nợ ân tình với những người đã không trở về”...
“Bản thân tôi chỉ có những lúc quá bận rộn thì mới bỏ lỡ một vài chuyến đi. Và năm nào cũng vẹn nguyên những cảm xúc. Có rất nhiều điều kỳ diệu tôi và các đồng nghiệp đã được chứng kiến, khiến chúng tôi hiểu rằng đó là một hành trình thực sự có ý nghĩa. Và điều lớn nhất chúng ta mong muốn trong những chuyến đi này, đó là mỗi người sống chậm lại, sâu lắng hơn, những người trẻ và mỗi chúng ta biết ơn những người nằm xuống, biết ơn những người đã hóa thân thành dáng hình xứ sở, biết ơn bao hy sinh xương máu của cha anh đã ngã xuống cho Tổ quốc. Không có những thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, thì không thể có sự yên bình của chúng ta hôm nay. Những chuyến đi này là một mạch nguồn quan trọng để cho chúng ta trưởng thành, lớn lên và mãi là một truyền thống tốt đẹp của Báo Pháp luật Việt Nam, luôn được viết tiếp với tất cả sự biết ơn, trân trọng”...
Nhà báo Vân Tùng, Phó Tổng thư ký Báo Pháp luật Việt Nam điện tử rưng rưng bày tỏ: “Đã 18 lần chúng tôi đặt chân đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị... nhưng kỳ lạ thay, mỗi lần trở lại, tim vẫn nhói lên một cảm giác rất thực, như thể nỗi đau mới lần đầu chạm tới. Giữa bạt ngàn bia mộ trắng, không gian lặng thinh, 9 hồi chuông vang lên chiêu hồn liệt sĩ cũng không đủ phá vỡ cảm giác im lặng, như lời gọi không thành tiếng, vọng từ lòng đất. Ở nơi ấy, thời gian như ngừng trôi, gió như ngừng thổi, chỉ còn tiếng lòng của những người sống hòa vào nỗi lặng thầm của những người đã khuất. Sự im lặng trong không gian thiêng liêng làm nên một nỗi buồn đẹp đẽ, trong vắt khiến ta không thể quay lưng, không thể vô cảm. Mỗi bước chân đi qua, mỗi nhành hoa cắm xuống, mỗi cái cúi đầu tưởng niệm… là một lần thấy mình nhỏ bé trước những mất mát không lời”.

Anh chị em Báo Pháp luật Việt Nam rưng rưng thắp hương tại phần mộ 10 cô gái Nghĩa trang Đồng Lộc.
Nhà báo Xuân Hoa, Trưởng Ban Chuyên đề tâm sự: “Ở Việt Nam, gia đình nào cũng mang trong mình một phần của lịch sử đất nước. Gia đình tôi cũng vậy, chú ruột của tôi đã nằm xuống ở chiến trường Bắc Bình Định năm xưa (nay là tỉnh Gia Lai). Gia đình tôi đã đi suốt cả chiều dài đất nước để tìm chú nhưng vô vọng, đành tự an ủi chú đã “về” với người thân qua từng cơn gió trong lành của vùng trời Tổ quốc, qua từng chiếc lá đang xanh mơn man mỗi ngày trên mảnh đất quê hương... Công tác ở Báo Pháp luật Việt Nam, trong mỗi chuyến hành trình tri ân về với đất lửa miền Trung, tôi như thấy nỗi đau mất mát của gia đình được an ủi phần nào, cũng như càng thấm thía mục đích cao đẹp của những chuyến tri ân đầy ý nghĩa mà Báo đã duy trì từ năm 2007 đến nay”...
Là người có “thâm niên tham dự” các chuyến tri ân miền Trung nhiều nhất, chị Lê Thị Hoa, Trưởng Ban Trị sự của Báo Pháp luật Việt Nam cũng là người luôn lặng lẽ chuẩn bị lễ vật một cách đầy thành kính; lo từng chai nước cho đồng nghiệp trong mỗi chuyến đi, truyền cảm hứng, kết nối đồng nghiệp bằng chính sự lặng thầm của mình.
Anh Nguyễn Bá Trung, Kế toán trưởng, dù mới công tác chưa lâu, đã thấm thía sâu sắc: “Tri ân và bồi đắp là hai khía cạnh thống nhất. Chính sự kết hợp ấy khiến hành trình không còn là nghi lễ, mà là sự kết nối giữa người với người, giữa hiện tại và lịch sử”...
Trong không gian tĩnh lặng của Thành cổ Quảng Trị, điểm kết thúc hành chính của chuyến Tri ân tháng Bảy miền Trung năm thứ 18, nhà báo Vũ Đình Tiến chia sẻ: “Tôi đang bắt đầu triển khai một dự án mà tôi tin là hành trình dài nhất và cũng đầy áp lực nhất trong sự nghiệp báo chí của mình: 1.000 tập phim - 1.000 câu chuyện Pháp luật và Cuộc sống. Đây không chỉ là một dự án phim. Nó là tâm huyết, là khát khao đưa pháp luật đến gần hơn với Nhân dân bằng hình ảnh, bằng cảm xúc, bằng đời sống thật. Trước kế hoạch này, thật lòng, tôi vẫn còn nhiều trăn trở. Đứng giữa những hàng mộ trắng, tôi thấy trách nhiệm của mình không chỉ là làm báo hay làm phim, mà là giữ gìn sự tử tế, giữ lấy ánh sáng của công lý và lòng nhân trong từng câu chuyện. Chuyến đi làm tôi yên tâm hơn. Vì tôi biết, nếu mình vẫn còn trái tim nóng, còn lòng biết ơn, thì chắc chắn mình sẽ đi đến cùng con đường đã chọn. Mỗi nén hương gửi tới hương linh các liệt sĩ là một lời tôi hứa thầm với chính mình: sẽ không gục ngã trước những khó khăn nhỏ bé”...
Cho những ân tình ở lại
Trong hành trình về vùng đất thiêng năm nay, như truyền thống hằng năm, Báo Pháp luật Việt Nam đã tri ân, tặng những món quà ý nghĩa, thiết thực cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách có cuộc sống còn khó khăn tại các tỉnh miền Trung.
Trong chuyến đi lần thứ 18, cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp đối tác, Báo Pháp luật Việt Nam đã trao tặng 1 căn nhà tình nghĩa trị giá 100 triệu đồng cho một gia đình chính sách tại Quảng Trị; 6 sổ tiết kiệm, tổng trị giá 60 triệu đồng cho các cán bộ ngành Tư pháp, Thi hành án dân sự, các hộ nghèo và tặng 1 chiếc laptop trị giá 20 triệu đồng cho Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị.
Bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị xúc động chia sẻ: “Chúng tôi rất biết ơn nghĩa cử của Báo Pháp luật Việt Nam. Mỗi năm, các anh chị luôn dành thời gian vào với đất lửa miền Trung, viếng thăm Khu di tích Thành cổ Quảng Trị và trao tặng những món quà ý nghĩa. Đôi cây mẫu đơn trước đài tưởng niệm và những món quà đó thiết thực hàng năm không chỉ thể hiện sự biết ơn, trân trọng của các nhà báo, mà còn hỗ trợ chúng tôi lan tỏa giá trị lịch sử trân quý của dân tộc. Đặc biệt, chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi, số hóa di tích nên món quà càng có ý nghĩa thiết thực và ấm áp”…

Nhà báo, Phó Tổng Biên tập Trần Ngọc Hà tận tay trao sổ tiết kiệm tới những gia đình chính sách, khó khăn và trao nhà tình nghĩa cho thân nhân gia đình liệt sỹ.
Từ năm 2007, hoạt động tri ân miền Trung vào mỗi tháng Bảy đã trở thành truyền thống, được khởi xướng bởi Tiến sĩ Đào Văn Hội, nguyên Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những anh hùng liệt sĩ và sẻ chia với đồng bào khó khăn. Tháng 3/2023, khi được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam tiếp tục duy trì và phát triển hành trình ý nghĩa này bằng nhiều hình thức mới, góp phần lan tỏa và nâng cao chất lượng hoạt động tri ân.
Năm 2023, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam và ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị tặng 10 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng tới Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, khó khăn tại địa bàn Quảng Trị. Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Đi (thôn Cu Dong, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), có chồng và con là liệt sĩ, hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn. Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Vui (thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị), có chồng và con trai là liệt sĩ. Mẹ Vui đã 101 tuổi, hiện nằm liệt giường, được con gái và con rể chăm sóc… Báo cũng tặng sổ tiết kiệm cho bà Nguyễn Thị Thu (trú thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), là nữ du kích cùng bố chồng hàng ngày chèo đò vận chuyển người, lương thực qua sông Thạch Hãn phục vụ chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1972...
Với lãnh đạo, người dân miền Trung, Báo Pháp luật Việt Nam không chỉ là một tờ báo, mà còn là một người bạn thân thương. Cũng năm 2023, Đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam đã trao tặng Mái ấm Tư pháp trị giá 100 triệu đồng cho anh Đinh Thanh Sơn (công chức tư pháp - hộ tịch xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Là một cán bộ tư pháp được đánh giá năng nổ, tích cực trong công việc. Tuy nhiên, gia đình anh Sơn có hoàn cảnh còn rất khó khăn và thuộc diện hộ nghèo của xã. Trong căn nhà mới khang trang, anh Sơn xúc động: “Một năm rồi tôi vẫn không quên được ngày Báo Pháp luật Việt Nam trao tặng món quà ý nghĩa. Hiện nay gia đình tôi đã dần ổn định cuộc sống, có ngôi nhà khang trang, nhờ đó mà tôi có thêm động lực để yên tâm công tác, phấn đấu hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Những phần quà mang theo tấm lòng sẻ chia, sự tri ân sâu sắc của những người làm báo ngành Tư pháp, tiếp thêm nguồn động viên tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công và các địa phương giàu truyền thống cách mạng. Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ: “Đoàn Báo Pháp luật Việt Nam mỗi tháng Bảy về với mảnh đất anh hùng miền Trung với lòng biết ơn vô hạn những người đã cống hiến tuổi xuân, máu xương và cả cuộc đời mình cho đất nước! Còn đó những người vợ, người mẹ, những gia đình có chồng, có con, có người thân hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Những món quà hôm nay từ đội ngũ người làm báo Pháp luật Việt Nam hy vọng góp phần nhỏ bé giúp các mẹ Việt Nam Anh hùng, những gia đình chính sách dịu bớt nỗi mất mát do chiến tranh, những hoàn cảnh còn khó khăn vơi đi những nhọc nhằn trong cuộc sống”…

Và trên hành trình này, ở mỗi chặng đường, mỗi điểm đến chúng tôi gặp lại những gương mặt thân thương của anh chị em thường trú tại miền Trung với các khâu hậu cần chu đáo, chỉn chu. Nhà báo Nguyễn Quang Tám, phụ trách Văn phòng đại diện Báo Pháp luật Việt Nam tại Đà Nẵng (gồm bắc Duyên hải miền Trung), một trong những người đầu tiên cùng Ban Biên tập tiền trạm cho những hành trình tri ân tháng Bảy bồi hồi xúc động: “Trong tôi, thị xã Quảng Trị hôm nay chính là một khúc ca hòa bình. Tháng Bảy lắng đọng những cung bậc tình cảm, biết ơn, thiêng liêng, để mỗi bước chân nơi Thành cổ lại dặn mình: Phải làm gì để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước anh linh các anh hùng liệt sĩ? Làm gì để góp phần sưởi ấm, xoa dịu những mất mát, hy sinh của gia đình người có công, để đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” luôn ngời sáng, để mảnh đất này thêm tươi xanh đầy sức sống?”…
Vĩ thanh
Trở lại miền Trung tháng Bảy, nơi nắng gió hòa vào từng bước chân, nơi mỗi địa danh là một khúc tráng ca, chúng tôi cúi đầu trước những con người đã hóa thành bất tử. Máu xương cha ông đã đổ, để đất nước hôm nay tươi xanh, để mỗi độ tháng Bảy về, lòng ta lại rưng rưng, thắp một nén hương, lặng im giữa cỏ non Thành cổ, giữa những nghĩa trang quốc gia ràn rạt nắng gió…
Năm nào cũng thế, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nhà báo Phạm Hằng, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Đồng bằng sông Hồng, sau khi xong các nghi thức dâng hương của Báo, cũng quày quả cùng một hai người bạn chạy lên khu mộ của bác ruột để tận tay thắp cho bác và đồng đội xung quanh một nén hương, châm cho bác một điếu thuốc... Chỉ vậy thôi, người ở lại cũng đã nhẹ lòng...
Giữa trưa tháng Bảy chang chang nắng, trong mấy phút chờ xe, nhà báo Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế đã tranh thủ chạy ra sông Thạch Hãn chỉ để thêm một lần lặng người ở nơi này, nơi mùa hè đỏ lửa năm 1972, cứ một đại đội qua sông trong đêm, thì gần như không còn người lính nào vẹn nguyên trở về... Anh đã ghi lại một bức ảnh sông Thạch Hãn lồng lộng đất trời, bi tráng đến nghẹn lòng...
Và chuyến đi lần thứ 18 này, cũng là hành trình khép lại của chị Mai Hương công tác tại Ban Thư ký tòa soạn, sau gần 34 năm công tác trọn vẹn dưới mái nhà Pháp luật Việt Nam. Chị nói, đây là chuyến đi đẹp nhất trong đời mình! Chị đã có những ngày ấm áp cùng anh chị em, bạn bè qua những dải đất chiến tranh khốc liệt có thể chạm tới. Chị sẽ nhớ mãi những gương mặt thân yêu viết tiếp hành trình cống hiến, dấn thân của Báo Pháp luật Việt Nam...
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thang-bay-hanh-trinh-tu-trai-tim.html