Thận trọng tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi
ĐBP - Sau gần 6 tháng dịch tả lợn châu Phi tái phát, ngày 26/11, huyện Mường Chà đã công bố hết dịch lần thứ 2. Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện được kiểm soát, việc tái đàn lợn đã và đang được nhiều hộ chăn nuôi triển khai một cách thận trọng với những điều kiện khắt khe nhằm bảo đảm an toàn.

Chị Quàng Thị Ðôi, bản Mường Mươn 1, xã Mường Mươn tận dụng chuồng nuôi lợn cũ để nuôi gà chờ thời điểm tái đàn lợn.
Dịch tả lợn châu Phi tái phát vào đầu tháng 6/2020 đã làm đàn lợn 8 con với trọng lượng từ 30 - 70kg của gia đình chị Quàng Thị Ðôi, bản Mường Mươn 1, xã Mường Mươn phải tiêu hủy. Trước đó, khi dịch bệnh bùng phát lần đầu, gia đình chị Ðôi cũng bị thiệt hại nặng nề khi đàn lợn 18 con sắp đến ngày xuất chuồng đều bị mắc bệnh. Bởi vậy, huyện công bố hết dịch lần 2 nhưng chị Ðôi vẫn chưa tái đàn. Chị Ðôi cho biết: “Tôi vẫn thực hiện vệ sinh chuồng nuôi bằng cách rắc vôi bột và phun thuốc để diệt mầm bệnh, chờ khi có kinh phí hỗ trợ sẽ tái đàn. Nhưng chắc lần này tôi cũng chỉ dám nuôi 1 - 2 con thôi, nếu ổn định thì mới nuôi với số lượng lớn. Trước mắt thì tôi nuôi gà.”
Cùng bản với gia đình chị Ðôi, đợt dịch tái phát vừa qua, gia đình anh Quàng Văn Yêu có 5 con lợn bị mắc bệnh và phải tiêu hủy. Sau khi tái đàn, gia đình anh đã áp dụng biện pháp cách ly nghiêm ngặt, người lạ không được vào. Ðể đảm bảo nguồn bệnh ở ngoài không thể xâm nhập, gia đình anh đã áp dụng phương châm lấy ngắn nuôi dài, sử dụng con giống từ những con nái còn sót lại sau đợt dịch.
Là một trong những hộ có quy mô chăn nuôi lợn lớn nhất huyện Mường Chà với hơn 200 con lợn thịt mỗi lứa và gần 30 con lợn nái, song thời điểm này, trong khu chuồng nuôi của gia đình anh Bùi Văn Kiều, tổ dân phố 10, thị trấn Mường Chà chỉ nuôi 30 con lợn nái. Anh Kiều chia sẻ: Thời điểm xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện, mặc dù đàn lợn của gia đình tôi không bị mắc dịch bệnh, nhưng lo lắng nên tôi đã xuất bán gần hết. Ðến nay, gia đình tôi chỉ nuôi cầm chừng, đồng thời áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Mỗi tuần tôi khử trùng toàn bộ khu chăn nuôi 1 lần, 2 ngày khử trùng 1 lần trong chuồng nuôi; đối với người trực tiếp chăm sóc đàn lợn, trước khi vào khu nuôi nhốt lợn phải khử trùng, thay quần áo. Thời gian tới, tôi dự định sẽ tái đàn, tuy nhiên sẽ thận trọng với những điều kiện khắt khe nhằm bảo đảm an toàn.
Theo ông Bùi Tuấn Thanh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà: Mặc dù đã công bố hết dịch, nhưng hiện nay huyện vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành chuyên môn về công tác phòng, chống dịch. Ðồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện phòng chống dịch tại các xã, thị trấn. Ðối với việc khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh, khuyến cáo những địa bàn không có lợn mắc dịch tiếp tục duy trì sản xuất, thực hiện tốt việc phòng ngừa trên đàn vật nuôi, làm tốt công tác tiêu độc khử trùng. Ðối với xã Mường Mươn, là địa bàn duy nhất của huyện Mường Chà có dịch tả lợn châu Phi tái phát, với 186 con lợn, tổng trọng lượng gần 11.000kg của 42 hộ dân thuộc 3 bản Mường Mươn 1, Mường Mươn 2 và Púng Giắt phải tiêu hủy, thì chưa khuyến khích tái đàn, tăng đàn lợn trở lại. Bởi lẽ, người dân tái đàn vào lúc này thì việc vận chuyển thực phẩm, thức ăn gia súc... dễ có nguy cơ làm cho dịch bệnh lây lan trở lại. Người dân cần thận trọng theo dõi tình hình dịch bệnh, không nên nôn nóng khôi phục đàn lợn, có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm hoặc các loại gia súc khác để tránh thiệt hại về kinh tế.