Tết Nguyên đán ở nhiều quốc gia châu Á: Lạc quan chào năm mới

Cùng với Việt Nam, các nước Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc… đã đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu suy giảm. Dù ngày lễ văn hóa truyền thống lâu đời của một số quốc gia châu Á diễn ra năm thứ ba liên tiếp dưới 'bóng đen' của đại dịch, nhưng người dân vẫn lạc quan hy vọng năm 2022 có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường khi tỷ lệ tiêm chủng phòng Covid-19 ngày càng tăng lên.

Người dân mua hoa tại một khu chợ chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ở Hồng Kông (Trung Quốc).

Toàn thế giới có gần 2 tỷ người đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Ở Trung Quốc, người dân dành thời gian nghỉ ngơi và về quê để đoàn tụ gia đình. Hiện khoảng 85% người Trung Quốc đã được tiêm phòng đầy đủ. Mặc dù giãn cách xã hội và hàng loạt các quy định nghiêm ngặt đang được sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, nhưng mọi người vẫn tổ chức nhiều hoạt động đón Tết Nguyên đán. Ông Chen Lianshan, một chuyên gia về văn hóa dân gian Trung Quốc của Trường Đại học Bắc Kinh cho biết, với năm Nhâm Dần, nhiều người hy vọng sức mạnh truyền thống của loài vật này sẽ giúp đưa đất nước thoát khỏi đại dịch.

Đối với Trung Quốc, năm Nhâm Dần còn là dịp “hạnh phúc nhân đôi”, khi quốc gia này khai mạc Thế vận hội mùa Đông tại thủ đô Bắc Kinh vào hôm nay (4-2). Gần 3.000 vận động viên từ khoảng 90 quốc gia và khu vực sẽ tranh tài tại Thế vận hội mùa Đông 2022. Việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Trung Quốc sẽ góp phần tạo nên một Thế vận hội thành công và suôn sẻ, đồng thời thúc đẩy sự đoàn kết toàn cầu.

Ở Singapore, các đường phố trung tâm và tại các khu dân cư được trang hoàng rực rỡ, nhiều hoạt động văn hóa đã, đang và sẽ được tổ chức để chào mừng năm mới Nhâm Dần. Không khí ấm áp và náo nhiệt tràn ngập khắp các ngõ ngách của Singapore và tất cả đón Tết Nguyên đán 2022 với hy vọng về một năm “mạnh mẽ hơn” sau hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành. Điểm nhấn của các hoạt động là lễ hội ánh sáng trên các con đường trung tâm ở Singapore, sẽ kéo dài đến hết ngày 2-3. Ban tổ chức năm nay cũng phối hợp với các đơn vị triển lãm trưng bày các tác phẩm điêu khắc về linh vật hổ tại Quảng trường Kreta Ayer nhằm nâng cao ý thức bảo tồn loài vật này. Tại Thái Lan, nơi 69% người dân được tiêm chủng đầy đủ, Bangkok quyết định không tổ chức Tết Nguyên đán truyền thống ở khu phố người Hoa trong năm thứ hai liên tiếp mà sẽ tiến hành thắp đèn lồng theo mùa trên đường phố chính của quận.

Ở khu phố cổ Hà Nội (Việt Nam), theo đánh giá của Hãng tin Stuff (New Zealand), người dân nô nức đến chợ truyền thống để mua đồ trang trí và hoa cho ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Số ca mắc Covid-19 hằng ngày của Việt Nam vẫn ở mức khoảng 10.000 ca nhiễm mới nhưng tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp nên hoạt động kinh doanh và các hoạt động xã hội vẫn diễn ra một cách thận trọng. Tuy nhiên, Việt Nam đã hủy bắn pháo hoa Tết và các sự kiện lớn khác nhằm giảm thiểu rủi ro.

Không chỉ ở các quốc gia châu Á, những lễ kỷ niệm đầy màu sắc của Tết Nguyên đán còn diễn ra ở cộng đồng người gốc Á ở phương Tây, nhất là tại các khu phố người Hoa để giữ gìn truyền thống văn hóa của quê hương mình. Các địa danh của New York (Mỹ) như tòa nhà Empire State và Trung tâm thương mại thế giới được thắp sáng màu đỏ vào đêm 31-1 để chào đón năm Nhâm Dần. Ở Tây Ban Nha, thủ đô Madrid đang tổ chức Tết Nguyên đán với một số hoạt động kéo dài đến hết ngày 28-2.

Đại dịch Covid-19 một lần nữa làm suy giảm các hoạt động ăn mừng Tết Nguyên đán. Dẫu vậy, trong văn hóa châu Á, loài hổ tượng trưng cho sự mạnh mẽ và dũng cảm có thể giúp con người vượt lên nghịch cảnh. Người dân châu Á kỳ vọng năm Nhâm Dần sẽ mang lại thay đổi tích cực cho khu vực và toàn cầu sau hai năm lao đao vì dịch bệnh.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1023968/tet-nguyen-dan-o-nhieu-quoc-gia-chau-a-lac-quan-chao-nam-moi