Tết Hàn thực năm 2024 là ngày nào?
Ngày 11/4/2024 là ngày Tết Hàn Thực (mùng 3/3 âm lịch) năm 2024. Ngày này vẫn nằm trong tiết khí Thanh Minh nên có nhiều nét đặc biệt.
Năm nay, nhiều gia đình kết hợp vừa về quê hương đón Tết Hàn thực, vừa lo việc Tảo mộ tại nghĩa trang địa phương trong tiết Thanh Minh kéo dài từ ngày 4/4 đến hết 19/4 dương lịch.
Vào ngày Tết Hàn thực (mùng 3/3 âm lịch) hằng năm, nhiều gia đình tự xay bột, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên, ai không có điều kiện, thời gian thì đặt mua bánh để cúng lễ.
Tục ăn bánh trôi vào ngày Hàn thực ở Việt Nam được cho là du nhập vào thời Lê, thịnh hành vào giai đoạn Lê Trung Hưng - Nguyễn. Năm 1773, Lê Quý Đôn cho biết: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn". Vào ngày này, người ta làm bánh trôi, bày cỗ bàn cúng tế gia tiên.
Thời Trần, thậm chí có thể truy lên thời Lý, nhằm tiết Hàn thực, người Việt vào bếp làm bánh, ăn bánh cuốn và có tục đem bánh cuốn tặng nhau, chưa có tục ăn bánh trôi như thời Lê Nguyễn về sau.
Bánh cuốn còn được gọi là bánh Xuân thái, trong có nhân (có thể gồm cả rau lẫn thịt), được cuốn tròn lại, hình dạng khá gần với bánh cuốn ngày nay.
Ý nghĩa Tết Hàn thực của người Việt
Do giao lưu văn hóa lâu đời với Trung Hoa nên người Việt cũng ảnh hưởng Tết Hàn thực. Nhưng ở Việt Nam, Tết Hàn thực mang ý nghĩa, sắc thái riêng, mang đậm chất Việt.
Vào ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất. Tục lệ này còn là nét đẹp trong nền văn hóa ẩm thực của người Việt.
Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc, vào ngày này người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng như bình thường.
Ở một số vùng, người ta làm thêm món bánh nhót, cách làm tương tự bánh chay nhưng chỉ khác hình dáng được người dân nơi đây nặn giống như trái nhót lạ mắt.
Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Và cũng trong dịp này, dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày mùng 3/3 âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để cùng đi tảo mộ, ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình.
Nguồn gốc ngày Tết Hàn thực 3/3 âm lịch ở Trung Quốc
Theo nghĩa chữ Hán "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh.
Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ truyền tụng nhiều đời. Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong, sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở.
Bấy giờ, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong suốt 19 năm, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi tòng vong, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán giận, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm, ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói.
Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng. Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng (muốn thúc ép Tử Thôi quay về). Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng.
Nhà vua hối hận cho lập miếu thờ. Hàng năm, đến ngày 3/3 là ngày chết cháy của 2 mẹ con Tử Thôi thì cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tet-han-thuc-nam-2024-la-ngay-nao-post678807.html