Tên lửa hạt nhân tìm diệt mới của Nga đáng sợ đến mức nào?

Nhiều quan chức Nga cho biết, loại tên lửa hạt nhân mới mang tên Burevestnik của Nga sẽ có tầm bắn 'không giới hạn' và có thể vượt qua mọi hệ thống phòng không hiện có trên thế giới.

Vào tháng 1, truyền thông Nga đưa tin rằng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân của tên lửa đã được thử nghiệm thành công, và theo nhiều quan chức Nga điều này có nghĩa là tên lửa mới sẽ có “tầm bắn không giới hạn”.

Những hình ảnh đầu tiên của cuộc thử nghiệm tên lửa Burevestnik được công bố.

Quân đội Nga vẫn chưa xác nhận thông tin này và hiện vẫn chưa rõ thời gian và địa điểm cuộc thử nghiệm được tiến hành. Các đoạn phim về cuộc thử nghiệm do hãng sản xuất tên lửa công bố cho thấy các kỹ sư mặc đồ trắng và đeo mặt nạ bảo hiểm kiểm tra kỹ lưỡng tên lửa mới tại một địa điểm không rõ. Bản thân hình ảnh về loại tên lửa mới cũng chỉ được hé lộ một phần.

Tên lửa Burevestnik lần đầu tiên được công bố trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 3 năm ngoái. Còn có tên gọi NATO là SSC-X-9 Skyfall, Burevestnik là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, sử dụng động cơ hạt nhân và đầu đạn hạt nhân. Nhờ đó, nó có thể bay vòng quay thế giới trong nhiều ngày nếu cần.

Bên cạnh đó, quân đội Nga cho biết tên lửa mới này còn có “khả năng xoay trở trên không không gì có thể sánh được”. Như vậy, tên lửa này sẽ rất khó bị hệ thống phòng không của đối phương ngăn chặn. Có thể thấy rằng, khả năng của tên lửa này phần nào giống với tên lửa hành trình Tomahawk, chỉ khác là tên lửa của Mỹ có tầm bắn chỉ là 2.500km.

Một kỹ sư đứng bên cạnh tên lửa Burevestnik.

Tạp chí Popular Mechanics của Mỹ cũng đánh giá rất cao Burevestnik. Tạp chí này khẳng định, một khi loại vũ khí này được đưa vào sử dụng, Nga sẽ có thể phóng tên lửa “từ sâu trong lãnh thổ Châu Á, thiết lập để chúng bay qua Thái Bình Dương, đi vòng qua Nam Mỹ và xâm nhập vào không phận Mỹ từ Vịnh Mexico”.

Tuần trước, tạp chí The Diplomat đưa tin rằng phía Mỹ cũng đã biết về cuộc thử nghiệm tên lửa Burevestnik, và rằng “cho đến nay chưa có bất kỳ quốc gia nào” có thể triển khai tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân vì những “vấn đề kỹ thuât” cũng như lo ngại về tính an toàn của loại vũ khí này.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/ten-lua-hat-nhan-tim-diet-moi-cua-nga-dang-so-den-muc-nao-post290805.info