Taylor Swift tự tay viết bài về quan điểm sáng tác: 'Pop là thứ nhạc gần gũi, cá nhân'

Taylor Swift tự tay viết bài về quan điểm sáng tác: 'Pop là thứ nhạc gần gũi, cá nhân'

Chỉ vừa bước qua tuổi 29 cách đây không lâu, song Taylor Swift đã nắm trong tay một sự nghiệp đồ sộ cùng ngôi đầu vững vàng không dễ gì lay chuyển được. Từ những album đồng quê nữ tính, trẻ trung thời kỳ đầu, tới các nhạc phẩm pop đình đám gần đây, nữ ca sĩ tóc vàng luôn biết cách thổi hồn vào ca từ, lời hát, khiến cho chúng thật gần gũi, thân tình và chạm đến số đông. Thậm chí, chuyện riêng tư như hẹn hò, chia tay cũng được cô đưa hết vào bài hát 1 cách ẩn ý, làm ai nghe nhạc nếu không yêu thích thì cũng ngạc nhiên và bàn tán.

Taylor dành hẳn một bài viết để chia sẻ quan điểm của mình về nhạc pop.

Nhân dịp vừa trở thành gương mặt trang bìa của một tạp chí thời trang, đích thân Taylor Swift đã viết một bài tự thuật về quan điểm, quá trình sáng tác nên những ca khúc với tư cách 1 nhạc sĩ. Sau đây là tóm lượt nội dung bài viết của nữ ca sĩ:

“Thể loại sách tôi thích đọc nhất là những cuốn không chỉ kể lại một câu truyện. Chúng phải làm được nhiều hơn là tả lại khung cảnh, hay vẽ lại tình tiết cho người đọc. Lối hành văn tôi yêu thích nhất phải đưa tôi vào trong câu chuyện ấy, căn phòng ấy, nụ hôn đẫm nước mưa ấy. Nó khiến tôi ngửi được bầu không khí, nghe được những âm thanh, và cảm thấy nhịp tim rộn ràng như chính nhân vật. Có một điều mà F. Scott Fitzgerald (tác giả của “Đại Gia Gatsby”) làm rất tốt, đó là miêu tả một cảnh tượng đan xen với vô vàn cảm xúc lộ diện, khiến người ta như tách khỏi cuộc sống thật trong khoảnh khắc.

Tôi có thể đang thiên vị, nhưng theo tôi, cái cách âm nhạc đưa người nghe về một vùng kí ức đã lâu không nhớ rất gần với việc du hành thời gian. Tới tận ngày nay, mỗi khi nghe “Cowboy Take Me Away” bởi Dixie Chicks, tôi lập tức nhớ lại cảm giác khi 12 tuổi, ngồi trong căn phòng lát gỗ ở ngôi nhà bang Pennsylvania của gia đình. Tôi lúc ấy đang ôm cây ghi-ta, mày mò cách vừa gảy đàn, vừa hát, để chuẩn bị cho một buổi diễn nhỏ tại quán café.

Taylor tin rằng, những giai điệu du dương của nhạc Pop sẽ giúp chúng ta du hành về miền quá khứ. Ảnh: Elle

Khi tôi nghe “I Write Sins Not Tragedies” bởi nhóm Panic! At The Disco, tôi lại được trở về tuổi 16, thời điểm lái xe dọc con đường ở Hendersonville, Tennessee, với cô bạn thân Abigail, vừa đi vừa hát vang lời bài hát. Còn nếu nghe “How to Save A Life” của The Fray, “Breathe (2AM)” của Anna Nalick, hay “The Story” của Brandi Carlile, tôi sẽ lập tức nhớ lại tuổi 17 lưu diễn hàng tháng trời không nghỉ. Ngày xưa, mỗi khi được một ngày nghỉ ở nhà thay vì rong ruổi trên đường cùng ban nhạc, tôi sẽ ngồi vẽ tranh một mình, nến xếp xung quanh và tận hưởng những giai điệu ấy của nhạc phim “Grey’s Anatomy” (Sự mê đắm của tôi với series này không có hồi kết).

Quan trọng hơn cả, tôi tin chắc “You Learn” của Alanis Morissette, “Put Your Records On” của Corinne Bailey Rae và “Why” của Annie Lennox đã hàn gắn trái tim tôi sau mỗi cuộc tình đổ vỡ hay thất bại.

Với Taylor, khó khăn lớn nhất khi viết nhạc Pop chính là phải nén những chi tiết gợi nhớ vào giai điệu bắt tai nhất.

Tôi yêu viết nhạc vì tôi yêu việc gìn giữ kỷ niệm, giống như bạn đang đóng khung một cảm xúc mà mình từng trải qua. Tôi thích dùng nỗi nhớ mong da diết làm cảm hứng sáng tác, giống như đang chụp ảnh. Tôi rất thích được ghi nhớ những thời khắc thật tốt đẹp hoặc thật tồi tệ.

Tôi thích lưu giữ màu sắc của chiếc áo len, nhiệt độ của bầu không khí, tiếng kẽo kẹt của sàn nhà, thời khắc trên đồng hồ khi trái tim mình bị lấy đi, hoặc tan vỡ, hoặc chữa lành, hoặc thuộc về ai đó vĩnh viễn.

Thách thức hấp dẫn của việc viết nhạc Pop chính là phải nén những chi tiết gợi nhớ ấy vào giai điệu bắt tai nhất bạn có thể nghĩ ra. Tôi yêu thích cảm giác reo rắc những kỷ niệm đầy riêng tư và những lát cắt đời thực vào một dòng nhạc được yêu thích rộng rãi như Pop.

Bạn có thể nghĩ rằng các tác giả nhạc Pop phải viết những bài hát mà ai cũng hát theo được, thế nên trong đầu họ toàn những câu chữ đơn thuần. Vậy nhưng những bài hát in dấu sâu nhất, theo tôi thấy, thực ra là những bài văn vẻ nhất. Không đến mức hoa mỹ như kịch Shakespeare đâu (dù tôi cũng mê Shakespeare như mọi cô gái mộng mơ khác. Cứ nhìn bài “Love Story” thì biết).

Taylor luôn thấy rằng thời nay, người ta tìm đến âm nhạc để có sự kết nối và thoải mái.

Trong âm nhạc pop hiện đại, những bài hát, giai điệu, câu ca đều tràn ngập tình tiết riêng tư như “Kiki, em có yêu anh không”, hoặc “Hãy kéo em lại gần anh ở ghế sau chiếc Rover của anh”. Và chúng thực sự đã vượt qua mọi rào cản văn hóa trên thế giới. Năm vừa rồi, khi đi lưu diễn, tôi từng chứng kiến cả sân vận động đông nghịt người hát say sưa theo một cô gái đến từ Cuba, hát về “Havana” – thủ đô quê nhà của cô.

Tôi thấy rằng thời nay, người ta tìm đến âm nhạc để có sự kết nối và thoải mái. Chúng ta đều thích tâm sự với ai đó và nhìn họ gật gù “đó chính là điều tôi từng trải qua đấy”, như minh chứng cho thấy mọi khó khăn đều có cách vượt qua.

Thực ra, hầu hết chúng ta đều không muốn nghe nhạc pop đại trà. Tôi nghĩ rất nhiều người yêu nhạc muốn một cái nhìn trần thuật vào thế giới của người hát, muốn được nhòm qua lỗ hổng trên bốn bức tường dày mà người ấy đã dựng lên xung quanh mình để sinh tồn. Được nhìn vào câu chuyện của ca sĩ giúp chúng ta liên hệ nó với bản thân, và trong trường hợp tốt nhất, họ sẽ có khả năng dùng bài hát đó để đi vào kí ức.

Chính mối liên hệ mật thiết giữa bài hát và những kỷ niệm, giúp chúng ta phục hồi, rơi lệ, nhún nhảy, hay đơn giản là giải thoát, đó là thứ luôn đứng vững trước thời gian. Hệt như một quyển sách hay vậy”.

Thực hiện: depweb

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/taylor-swift-tu-tay-viet-bai-ve-quan-diem-sang-tac-pop-la-thu-nhac-gan-gui-ca-nhan/